Đi xem nhà cần hỏi những gì?
Một trong những kinh nghiệm đi xem nhà là đừng dừng lại ở việc xem phòng và cảm nhận không gian. Vậy đi xem nhà cần hỏi những gì?
Hãy bắt đầu đánh giá căn nhà/căn hộ từ khi bạn đặt chân đến. Không có căn nhà/căn hộ nào là hoàn hảo, tuy nhiên, nếu ý thức được các vấn đề của căn nhà, bạn sẽ dễ dàng thương lượng được với một mức giá tốt hơn.
Các chuyên gia đã đúc kết ra một số điểm chính bạn cần lưu ý khi xem nhà, để từ đó dễ dàng đánh giá chất lượng của căn nhà bạn sắp mua.
Những câu hỏi nên đặt ra trong quá trình xem nhà
- Lối vào nhà có dễ di chuyển không? Tình trạng giao thông vào giờ cao điểm thế nào?
- Ngoại thất nhà có bị cong móp, phai màu không? Hãy kiểm tra kỹ phía Nam nơi hứng nhiều ánh sáng mặt trời nhất và phía Bắc nơi ẩm ướt nhất.
- Căn nhà có đủ ánh sáng không? Xem nhà vào ban ngày để kiểm tra nhà có đủ ánh sáng mặt trời không, hướng nhà có bị hắt nắng quá mức vào buổi chiều tối gây khó chịu?
- Phòng tắm có ẩm mốc, mục rữa không? Kiểm tra kỹ trần khu vực tắm đứng, khu vực quanh bồn tắm, ống dẫn nước, vòi nước và các thiết bị điện bên trong.
- Nhà có bị dột không? Nếu cần thiết bạn nên xịt nước lên mái nhà để kiểm tra độ dột.
- Kho chứa đồ, phòng chứa đồ có đủ nhu cầu cho gia đình không? Hãy đảm bảo chúng có thể chứa hoặc chúng ta có thể sắp xếp vị trí cất đồ cho các vật dụng kích thước lớn nhất bạn sở hữu.
- Nhà có cách âm tốt không? Cách âm với không gian bên ngoài và giữa các phòng.
- Nền nhà, cầu thang có gây tiếng ồn không? Việc di chuyển trong nhà có dễ gây tiếng ồn bởi chất liệu và tình trạng nền nhà/cầu thang không? Chúng còn sử dụng được không hay cần thay thế mới?
- Gác mái nhà: quan sát kỹ kết cấu và tình trạng của chúng nếu có.
- Bỏ qua các thiết bị điện: Chúng dễ thay thế, nhưng hãy kiểm tra thiết kế điện trong nhà, liệu có vết nứt do điện gây ra không, việc thay thế sửa chữa điện sau này có dễ dàng không.
- Kiểm tra vật dụng sinh hoạt trong nhà: Nếu chủ nhà vẫn sống tại đây, khả năng cao họ sẽ không quá vội bán nhà. Bạn có thể đưa ra phương án thương lượng tốt hơn.
- Kiểm tra các khoản thuế, phí của căn nhà: nếu chúng có phí quản lý theo m2 thì đơn vị quản lý đang ra mức giá bao nhiêu. Chủ nhà bị giới hạn số lượng phương tiện di chuyển như thế nào, mức giá theo tháng của chúng. Các chi phí vệ sinh, các khoản phí vô hình nếu có.
Dành cho những người mua căn hộ, chung cư
Dưới đây là một vài câu hỏi riêng bạn cũng nên đặt hỏi để đánh giá chất lượng căn hộ:
- Chủ đầu tư căn hộ là ai? Xây được bao lâu rồi?
- Giá thuê căn hộ trung bình ở đây là bao nhiêu? Nhu cầu cho thuê thế nào? Nếu xung quanh có các khu officetel, có thể nhu cầu thuê ở thực sẽ cao hơn
- Chung cư có ban quản lý tòa nhà không? Ban quản lý thuê ngoài hay tự bầu? Khi ở chung cư, ban quản lý tòa nhà đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng cuộc sống đặc biệt là khi có các vấn đề, mâu thuẫn do phải ‘chung đụng’ quá nhiều người trong 1 tòa nhà. Những nơi có ban quản lý tự bầu sẽ là một điểm trừ bạn cần lưu ý khi chọn mua chung cư.
- Tình trạng an ninh, riêng tư của tòa nhà. Liệu khách ngoài có dễ dàng ra vào khuôn viên chung cư không?
- Tình trạng nước của căn hộ. Càng ở trên cao nước càng yếu, bạn cần lưu ý hỏi kỹ về vấn đề này. Song song với đó là khả năng thoát nước.
- Hướng phòng. Với các phòng có ban công liệu bạn đang hướng về phía nào – đón gió, đón nắng hay đón nóng…
- Các quy định riêng của tòa nhà và các khoản phí cần đóng là gì?
Câu hỏi về lý do bán và pháp lý căn nhà
- Vì sao họ bán căn nhà. Khi họ đang cần bán gấp, ví dụ cần xoay tiền nhanh, cán cân thương lượng sẽ nghiêng về phía bạn. Khi việc bán hay không, không quá gấp, đặc biệt là những chủ nhà không tiếp môi giới, khả năng hạ giá sẽ không cao hoặc đơn thuần là ‘bớt lộc’.
- Chủ sở hữu là ai? Đang ở đâu? Sở hữu lâu chưa. Nếu sổ còn chưa sang tên hoặc mới sang tên, điều đó có nghĩa bạn đang phải mua lại với giá ‘thứ cấp’ – người bán sang tay nóng với giá cao hơn giá trị thực phải trả. Thực tế đây là trường hợp thường xuyên xảy ra mà bạn cần lưu tâm nếu không muốn mua với giá hớ.
- Các vấn đề về sổ đỏ, sổ hồng – có chung sổ, chung đất với ai không, có dính quy hoạch không, diện tích công nhận là bao nhiêu, có đáp ứng kỳ vọng tối thiểu của bạn không?
- Họ có đang giữ sổ không hay thế chấp trong ngân hàng. Nếu đang thế chấp, bạn chỉ nên giao dịch khi họ đã chuộc sổ ra.
- Khu đất trước cửa/ hẻm dẫn vào nhà bạn có thuộc quyền sở hữu của ai không? Trường hợp này thường xảy ra khi một khu đất được chia cho anh em trong nhà. Dù hiếm xảy ra nhưng nếu lối vào bị bịt kín, bạn sẽ rơi vào cảnh ‘không lối vào nhà’ và có thể phải trả một khoản tiền không nhỏ để giải quyết vấn đề
- Các vấn đề liên quan đến việc đóng thuế khi mua nhà, bên nào chịu hay cưa đôi
Ngoài ra bạn cũng có thể lân la hỏi thăm hàng xóm về tình trạng căn nhà, giá bán, con người chủ nhà ra sao để có thêm cơ sở đánh giá. Tuy nhiên đôi lúc việc hỏi ‘hàng xóm’ cũng dễ dàng bị bóp méo thông tin. Bạn nên giữ cảnh giác cao và đánh giá thông tin theo nhiều chiều trước khi quyết định.
Hy vọng những bộ câu hỏi và kinh nghiệm khi đi xem nhà chia sẻ phía trên sẽ giúp bạn bớt lúng túng phần nào trong những lần giao dịch bất động sản đầu tiên. Chúc bạn sớm tìm được căn nhà ưng ý!