Chuyên gia giải mã “chuyện lạ” về hàng loạt cây xanh ở Hà Nội bật gốc sau bão số 3 - Yagi
Bão số 3 - Yagi đã càn lướt qua TP. Hà Nội làm hàng loạt cây xanh bật gốc, gãy đổ. Đáng chú ý, những cây cối đổ rạp này lại làm lộ ra bộ rễ bị cắt cụt, bao bọc còn nguyên khiến cư dân mạng xôn xao. Nhiều chuyên gia đã lên tiếng và giải mã cho “chuyện lạ” này.
Bài viết này thuộc series Bão số 3 - Yagi
Cập nhật những thông tin mới nhất, hậu quả và những bài học đắt giá rút ra từ cơn bão số 3 (Yagi).
Theo báo cáo mới nhất, tính đến tối ngày 8/9, trên địa bàn TP. Hà Nội có 25.156 cây đổ và cành gãy, trong đó cây đổ là 24.807 cây, tập trung nhiều ở các địa bàn: Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Nam Từ Liêm…
Đáng chú ý, những hình ảnh người dân đã chụp hình lại được nhiều cây xanh bị đổ mà không có bầu rễ, không có gốc hay nhiều cây xanh còn nguyên bọc bao/bọc nilon vẫn đang được cư dân mạng chia sẻ với tốc độ chóng mặt kèm theo vô số các ý kiến bình luận trái chiều.
Chia sẻ trên mạng xã hội, anh Thái Minh Nhật - một kiến trúc sư đặt câu hỏi:
Một là, cây bị thối, mủn gốc trước khi trồng.
Hai là, cây sinh trưởng được bứng đến trồng trong đô thị với bộ rễ chưa phát triển, bị cắt gọt để đánh trồng.
Kiến trúc sư Thái Minh Nhật thắc mắc: "Cây được trồng được một thời gian chưa kịp mọc rễ sâu đã được đánh lên đưa đi trồng ở một nơi khác đẹp đẽ hơn. Rễ khi mọc ra thì lún phún, không chắc như vậy có đảm bảo”?
Đây cũng là câu hỏi chung của rất nhiều cư dân mạng.
Chia sẻ với báo chí về vấn đề nóng này, kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội) cho biết: Chúng ta đều thấy cây xanh ở Hà Nội bị bật gốc, gãy đổ sau trận bão số 3 có bộ rễ rất nông. Nguyên nhân ở đây do rễ cây rất nông, đất tơi ra và lát vỉa hè bê tông nên hạn chế nước cấp xuống tầng sâu, chỉ còn nước tầng nông, tất nhiên rễ nông sẽ khiến cây đổ nhanh.
“Những điều mà tôi thông tin trên hầu hết mọi người đều nhìn thấy được nhưng các cơ quan quản lý về đô thị và cây xanh gần như không có gì thay đổi cả, vẫn theo cách cũ, trồng cây cũng chỉ “bới bới” hơn 1m sau đó trồng cây xuống”, kiến trúc sư Trần Huy Ánh nhấn mạnh.
Bàn thêm về việc trồng cây trong phố, ông Ánh cho rằng, cách trồng cây trên, nếu cây nhỏ sẽ khiến các nhà cao tầng không phát triển được, nếu trồng cây lớn thì đủ khoẻ, chắc chắn nhưng lại cần ngưỡng để lan ra tầng nông, như thế lại tiếp tục gây nguy hiểm mới.
“Cây xà cừ, cây xanh trên đường phố rất nhiều, kích thước rất lớn, tải trọng cao, trong trận gió bão số 3 vừa rồi, chúng ta nhìn cây như những “cánh buồm” rất lớn. Phần gỗ trong gió kèm rễ nông và tải trọng lớn khiến cây đổ vào đâu cũng rất dễ gây nguy hiểm cho các công trình hay bất cứ thứ gì phía dưới cây”, ông Ánh cho biết thêm.
Nói về việc nên thay đổi cách trồng cây xanh trong phố như ở Hà Nội, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho hay: “Trong 10 năm vừa qua, chiến lược trồng cây của chúng ta không có gì thay đổi. Tôi đã tìm mọi cách trồng cây mới, bằng cách lợi dụng 1 cái móng cột điện bỏ đi, trồng “luồn” gốc cây vào đó, kết quả sau trận bão lớn vừa qua cây rất vững vàng, chỉ rụng lá do gió.
Đây cũng là 1 kỹ thuật mà các đô thị hiện đại trên thế giới đã sử dụng rồi, dùng những cọc sâu và ống có lỗ để cây nằm trong ống đó, rễ cây bám chặt vào và phát triển ra bề ngang thì sẽ vững. Như thế cây sẽ thích ứng được nhiều yếu tố, kể cả khô hạn. Đó là những góp ý về chiến thuật trồng cây xanh ở trong đô thị mà chúng ta cần thay đổi”.
Điều 11 Nghị định 64/2010/NĐ-CP quy định về quy định chung về trồng, chăm sóc cây xanh đô thị như sau:
1. Việc trồng cây xanh đô thị phải tuân thủ quy hoạch đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Việc trồng cây xanh đô thị phải bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật, đúng chủng loại, tiêu chuẩn cây và bảo đảm an toàn; cây mới trồng phải được bảo vệ, chống giữ thân cây chắc chắn, ngay thẳng đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt.
3. Cây trồng phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây.
4. Việc chăm sóc, cắt tỉa cây phải tuân thủ quy trình kỹ thuật đồng thời phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và công trình.
Chia sẻ trên báo Lao động, Thạc sĩ Ngô Thị Minh Thê - Trưởng bộ môn Cảnh quan và Kỹ thuật hoa viên (Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM) cho biết, việc cây xanh bị bật gốc, gãy đổ trong đợt mưa bão số 3 vừa qua là không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, cũng từ đây nhìn thấy một số điểm cần lưu ý khi trồng cây trong đô thị.
Trước tiên là việc lựa chọn trồng cây gì? Ở đô thị, cây được trồng phải là cây có kết cấu rễ cọc, ăn sâu trong lòng đất, tuyệt đối không trồng cây tăng trưởng nhanh.
Ngoài ra, việc đô thị hóa, làm đường, bó vỉa hè quá chặt cũng sẽ ảnh hưởng đến cây xanh, khiến cây dễ đổ trong mưa bão. Trước mùa mưa bão cần cắt tỉa, loại bỏ cành nặng.
Liên quan đến việc nhiều cây khi gãy đổ vẫn còn nguyên bọc bầu bằng lưới nhựa, nilon bà Thê cho rằng, chính điều này khiến rễ cây không thể phát triển, khó bám vào đất và dễ bị đổ. Nếu muốn trồng cây còn nguyên bọc bầu thì cần sử dụng vật liệu phân hủy được.
Nhiều chuyên gia đều có chung nhận định, việc lựa chọn chủng loại và cách tổ chức quy hoạch vị trí trồng cây chưa phù hợp cũng là nguyên nhân cây dễ bị gãy đổ.
Nhiều năm qua, việc lựa chọn chủng loại cây xanh ở nhiều đô thị chủ yếu vẫn là các giống cây đã có. Trong khi các chuyên gia đã chỉ ra nhiều loại cây cũ này mắc các khiếm khuyết như dễ bị mọc nghiêng, sâu mọt… dẫn đến tiềm ẩn tai nạn gãy đổ, bật gốc./.
Đọc thêm
Bão Yagi không chỉ nghiệm thu các chung cư rất minh bạch, khách quan khi làm lộ ra những vết nứt tường to tướng, hầm xe thì ngập nước, cửa sổ bị nát tứ tung, mà còn nghiệm thu cả việc trồng cây xanh ở Hà Nội khi “bóc” ra những cây trồng còn nguyên cả bao dứa bọc rễ, hoặc trồng hời hợt trên gạch, hay những hố trồng cây nông choèn.
Tin liên quan
Bài mới
Đến bây giờ hơn 30 sọi bản thân Mr. Cò có lẽ nên suy nghĩ một cách nghiêm túc là tổ chức một bữa tiệc hội ngộ, tri ân những “đồng môn” cách đây hơn chục năm đã lôi kéo tôi dính vào cái “ổ nhền nhện” đa cấp. Nói một cách sang mồm thì đó là bàn đạp để tôi dấn thân vào con đường môi giới bất động sản như bây giờ.