Chúng ta có về quê sống khi về già không?
Khi chúng ta già, chúng ta không còn là chúng ta của ngày xưa, và quê hương, cũng không còn là quê mà chúng ta từng sống suốt thời thơ ấu nữa!
Một số người bạn của mình nói về già sẽ về quê sống, họ thậm chí mua đất, dựng nhà từ khi chưa tới 40 tuổi để chuẩn bị cho quá trình đó của mình.
Nhưng mình thì luôn cho điều đó với phần đông là viển vông, là một cách để bù đắp tâm lý khi cuộc sống cuốn mọi người vào một guồng quay mệt mỏi.
Khi áp lực, stress, chúng ta tưởng tượng về những ngày được sống thảnh thơi, vui vẻ. Và quê hương- trong ký ức nó lại luôn chữa lành, xoa dịu điều đó. Vì khi ở quê, cũng đồng thời lúc chúng ta ở với bố mẹ, không phải lo tiền bạc, chỉ lo học hành, hát lượn… lúc nào chẳng dễ chịu, vui tươi.
Chúng ta sống với quá khứ, ký ức đó nhưng không thể quay về với nó.
Bởi khi hơn 60 tuổi, chúng ta đã có gần 40 năm sống ở đô thị, chúng ta đã quá quen với ánh đèn đô thị, quá quen với nhịp sống công nghiệp ở đây. Về quê chúng ta sẽ bị lạc lõng trong không khí buồn bã, chậm rãi đó.
Đi nghỉ mát ở resort hoặc vài ngày trekking cũng cho cảm giác đó, nhưng chúng ta biết là đang đi nghỉ dưỡng hoặc đi chơi, rồi chúng ta cũng về với cuộc sống thường ngày. Nó khác với chúng ta thay đổi cả một lối sống.
Với 40 năm ấy, mọi mối quan hệ từ bạn bè, hàng xóm (nếu có), đồng nghiệp, những người chung sở thích… đều ở đô thị, chung không gian, chung giá trị, thậm chí cả mức sống. Còn về quê khi ấy, bố mẹ chúng ta nhiều khả năng không còn, chỉ còn lại anh em, họ hàng ở quê.
Những người họ hàng, cả năm gặp 1 lần chỉ nói chuyện vui thì vui, chứ ở với họ, khả năng cao là không vui đâu. Vì chúng ta và họ quá khác biệt, ở 2 thế giới khác nhau. Về cả tư tưởng, giá trị sống, thói quen sinh hoạt, thói quen tiêu dùng…
Khả năng cao, nếu không đi ăn lòng lợn tiết canh, súc miệng sáng bằng 1 chai rượu, chúng ta bị coi là không nhiệt tình. Và còn không ra gì nếu những ngày giỗ, lễ không xông vào khắp các bàn mà đi chúc tụng, rồi lại kéo điếu cày, ngồi mài đũng quần bên chiếu b-ạ-c.
Về quê, chúng ta còn sống trong ánh mắt dò xét, đánh giá, phán xét của hàng xóm, những người đi qua nhà ta, những người không liên quan gì tới ta. Ở đô thị, nhà nào biết nhà nấy, chúng ta không cần ai phải quan tâm và cũng có thể không quan tâm ai mà vẫn sống tốt. Ở quê mà như thế, đảm bảo khó sống!
Về quê, không có dịch vụ gì ra hồn. Có tiền cũng không có đồ ngon mà ăn, quán chill mà ngồi, đồ đẹp mà mặc, cũng như hàng tốt mà dùng. Muốn có gì hấp dẫn, lại phải phi xe ra Hà Nội, TP HCM cách cả trăm cây, mấy giờ đi lại. Cái này là sự thật. Ở quê không thể có dịch vụ cao cấp, vì nó không sống được.
Về quê, chúng ta tách biệt với con cái- cháu chắt. Vì khả năng cao là chúng sẽ ở lại các đô thị để làm việc, cho con cái học tập. Lại cả năm nó về được 2-3 lần. Với người nhận thức tốt, trả tự do cho con cái thì không sao, còn những ai lấy đó làm vui thì chỉ có sống trong chờ đợi.
Kể cả chúng ta không coi trọng việc con cái phải về chơi như 1 nghĩa vụ, thì rõ ràng, ở đô thị, sẽ tạo điều kiện tốt hơn nhiều để con cái đến chơi, thăm hỏi. Bố mẹ ở quê, mỗi lần về phải sắp xếp đủ thứ, từ công việc tới cuộc sống, học hành của con.
Có một hậu quả mà mình cho rằng còn mệt mỏi hơn, là kế hoạch về quê thường tính trước cả 20 năm. Nếu 2 vợ chồng đều hoan hỉ với ý tưởng đó thì không sao nhưng 1 trong 2 không thích, thì thôi rồi, đó là 1 cuộc chiến về mặt tư tưởng.
Sống với 1 người mà luôn canh cánh 1 ngày không xa, nó bỏ mình về quê, thì bi kịch biết chừng nào. Rồi thì từ đó mà cáu gắt nhau, chán ghét nhau. Đôi khi kế hoạch về quê chỉ để cho vui, nhưng mệt mỏi của vợ chồng xảy ra thật. 20 năm sau, quê thì không về, còn vợ chồng thì bỏ nhau :)
Bởi thế, về quê hay không, phải xác định rất nhiều về mặt tư tưởng, lối sống, gạch ra những cái đầu dòng về Được- Mất trước khi quyết định. Vì cuộc sống mà, đầy những thứ ta tưởng được nhưng thực ra là đang mất đó thôi!
Nguyễn Quyết