Không phải gạo hay mì tôm, đây là 5 nhu yếu phẩm cần thiết cứu trợ cho vùng ngập lụt
Ngoài mì tôm, người dân ở vùng ngập lụt còn cần đến những nhu yếu phẩm khác.
Tình trạng lũ lụt ở miền Bắc đang nhận được sự quan tâm của người dân cả nước. Trước tình hình cấp bách, nhiều cá nhân, tổ chức trên khắp mọi miền Tổ quốc đang cùng nhau chung sức chung lòng, quyên góp sức người sức của để cứu trợ người dân ở những bị ảnh hưởng của thiên tai.
Trong các đợt cứu trợ như vậy, nhiều người cho rằng mì tôm chính là thực phẩm hữu ích nhất, tạm thời giải quyết nhu cầu thực phẩm cho người dân vùng ngập lụt. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, không ít người nhận thấy rằng mì tôm không phải là vật phẩm cứu trợ tốt nhất. Trong điều kiện nước ngập ở khắp nơi, nhiều nơi không có điều kiện nấu nướng nên việc nhận mì tôm hay gạo sẽ khiến người dân khó lòng chế biến thành đồ ăn được. Mì tôm có thể ăn sống nhưng không phải ai cũng ăn được theo cách này.
Do đó, trong thời gian gần đây, nhiều ý kiến đưa ra gợi ý các vật phẩm thiết yếu nên có khi cứu trợ người dân ở vùng ngập lụt miền Bắc thay cho mì tôm hay gạo.
Một số danh sách nhu yếu phẩm cần thiết cho cứu trợ vùng ngập lụt
- Nước sạch
Đây là một trong những thứ không thể thiếu đối với người dân các vùng ngập lụt. Mưa nhiều, nước dâng cao khiến các nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, người dân không thể tiếp cận với nước sạch phục vụ nhu cầu ăn uống tối thiểu trong ngày. Do đó, việc đưa nước sạch đến những vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai trong thời điểm này là hết sức cần thiết. Việc cứu trợ nước sạch ăn uống vừa giúp đáp ứng nhu cầu cần thiết về nước của cơ thể, vừa hạn chế nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm do sử dụng nguồn nước ăn không đảm bảo như các bệnh về đường tiêu hóa, tiêu chảy...
Bên cạnh đó, việc ủng hộ trang phục cho người lớn, trẻ nhỏ, các loại ủng nhựa/cao su, chăn màn... trong giai đoạn này cũng có ý nghĩa rất lớn, giải quyết các nhu cầu cơ bản trong giai đoạn nước ngập sâu khiến đồ đạc của các gia đình bị nhấn chìm, không thể sử dụng.
Ngoài ra, nước dâng cao khiến việc di chuyển trở nên khó khăn nên nhiều cá nhân, tổ chức cũng đưa các loại xuồng, thuyền đến vùng bị ngập, bị cô lập. Việc trang bị thêm phương tiện di chuyển phù hợp giúp công tác di tản người dân khỏi vùng nguy hiểm diễn ra nhanh hơn. Ngoài ra, phương tiện này cũng giúp vận chuyển đồ cứu trợ đến tay người dân dễ dàng hơn.
- Các loại thuốc không kê đơn
Tình trạng ngập lụt cũng kéo theo các vấn đề về sức khỏe như bệnh ngoài da, bệnh tiêu hóa, cảm, sốt... Tình huống nước dâng cao bất ngờ khiến nhiều người không kịp chuẩn bị các thuốc men cơ bản hoặc thuốc bị nước lũ làm hỏng. Do đó, việc bổ sung một số loại thuốc cơ bản vào các món đồ cứu trợ là điều cần thiết. Có thể chuẩn bị dầu gió, các loại thuốc trị nấm ngoài da, thuốc tiêu hóa... sẽ có ý nghĩa lớn đối với người dân ở vùng đang đối mặt với thiên tai.
- Sản phẩm vệ sinh
Bên cạnh các món đồ thiết yếu nói trên, các các nhân, tổ chức có thể chuẩn bị thêm một số sản phẩm vệ sinh phù hợp giúp bảo vệ sinh khỏe, hạn chế nguy cơ mắc bệnh như xà bông diệt khuẩn, xà phòng giặt, băng vệ sinh...
Những điều cần lưu ý cho các đoàn cứu trợ vùng lũ
Chia sẻ với báo VietNamNet, Đại tá Nguyễn Xuân Toàn - Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Bộ đội biên phòng - cho biết, điều người dân cần ghi nhớ nhất khi tham gia ứng cứu vùng lũ là nên tìm đầu mối liên hệ ở địa phương.
“Các đoàn cứu trợ nên liên lạc với một đầu mối ở địa phương như công an, bộ đội hoặc chính quyền để cập nhật tình hình nước lũ và tiếp cận vùng lụt theo hướng dẫn của các đơn vị đó.
Việc liên hệ với đầu mối ở địa phương cũng giúp địa phương nắm bắt được số lượng người, nhu yếu phẩm, trang thiết bị mà đoàn cứu trợ mang theo để sắp xếp phương tiện, cách thức tiếp cận vùng lũ sao cho hợp lý.
Ngược lại, đầu mối tại địa phương cũng có trách nhiệm cập nhật tình hình nước lũ hiện tại cho đoàn, thông báo phương án tiếp cận an toàn”.
Đại tá Toàn cho biết, ông rất hiểu tâm lý các đoàn cứu trợ thường muốn tận tay trao hàng cứu trợ cho bà con.
Nhưng nếu như phương tiện, cơ sở vật chất và nhân lực tại địa phương không đủ điều kiện để đưa đoàn vào tận nơi, hoặc chỉ đưa được một số thành viên vào vùng bị cô lập thì các đoàn cứu trợ nên nghe theo hướng dẫn của cơ quan sở tại, ông Toàn nói.
Ngoài ra, khi công tác cứu hộ đang hết sức gấp rút, bận rộn thì việc đoàn cứu trợ đông người muốn tiếp cận vùng bị cô lập cũng khiến cho địa phương hao tổn nhân lực.
Hiện tại, có những đoàn có sẵn thuyền, cano mang vào vùng lũ. Tuy nhiên, theo Đại tá Toàn, các đoàn vẫn nên liên hệ với địa phương để vào trong, thay vì tự di chuyển bởi sẽ có những mối nguy hiểm tiềm ẩn do nước lũ vẫn còn đang chảy xiết.
“Cũng có những đoàn cứu trợ cung cấp các loại thực phẩm và trang thiết bị mà người dân vùng lũ chưa cần dùng ngay. Trường hợp đó, các đoàn nên gửi lại địa phương để địa phương phân bổ sau khi nước rút”.
Đại tá Toàn chia sẻ, theo kinh nghiệm của ông, khi nước còn chảy xiết thì địa phương sẽ không đưa đoàn cứu trợ vào mà sẽ đợi đến khi nước đã tĩnh. “Khi nước vẫn chảy, thường chỉ có lực lượng cứu hộ chở hàng vào cho những vùng bị cô lập. Thường việc cứu trợ sẽ diễn ra sau vài ngày”.
“Khi địa phương đã đồng ý đưa đoàn vào rồi, mọi người nên mặc áo phao và mặc trang phục gọn gàng để dễ xử lý trong các trường hợp khẩn cấp. Về trang phục và trang thiết bị đảm bảo an toàn, địa phương sẽ cung cấp và hướng dẫn đoàn cứu trợ”.
Về nhu yếu phẩm, Đại tá Toàn cho rằng, các loại thực phẩm mà dân vùng lũ cần nhất là mì tôm, nước uống đóng chai và các loại bánh trái có thể ăn được ngay.
“Thường thì gạo chưa thể sử dụng được ngay, khi nước đang còn dâng. Tôi từng thấy có đoàn mang được bếp gas mini vào cho bà con. Theo tôi, đây là vật dụng rất hữu ích khi điện, nước chưa có. Có bếp gas mini thì bà con có thể nấu mì thuận tiện hơn”, Đại tá Toàn cho hay.