Đề xuất cho người nước ngoài mua bán nhà tại trung tâm tài chính
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra đề xuất cho phép người nước ngoài làm việc, đầu tư tại trung tâm tài chính được mua bán nhà trong các dự án thuộc khu vực này.

Trung tâm tài chính tại TP.HCM và Đà Nẵng dự kiến sẽ được thành lập và đi vào vận hành trong năm nay.
Trong dự thảo Nghị quyết về việc thành lập và hoạt động của trung tâm tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cho phép người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, đầu tư kinh doanh tại trung tâm tài chính được quyền mua bán nhà thuộc các dự án trong khu vực.
Những đối tượng này có thể sở hữu nhà thông qua các hình thức mua, thuê mua, nhận tặng cho và thừa kế từ chủ đầu tư hoặc người sở hữu bất động sản trong dự án. Quyền và nghĩa vụ về đất đai sẽ được xác định theo hình thức giao đất, cho thuê đất của từng dự án.
Góp ý về dự thảo nghị quyết, TP. Đà Nẵng đề xuất mở rộng phạm vi cho phép chuyên gia và nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu tài sản, bất động sản, công trình ngoài khu trung tâm tài chính với một tỷ lệ giới hạn nhất định nhằm "thúc đẩy việc ổn định sinh sống và làm việc tại Việt Nam".
Tuy nhiên, Bộ Công Thương bày tỏ quan ngại và cho rằng cần đánh giá kỹ tác động của chính sách này, bởi với quy định như trên, người nước ngoài không cư trú tại Việt Nam cũng có thể tham gia mua bán, chuyển nhượng bất động sản trong trung tâm tài chính.
"Nhóm này không ở Việt Nam cũng có thể mua, đầu cơ, đẩy giá lên cao. Hệ lụy là người làm việc tại trung tâm tài chính gặp bất lợi trong thuê mua nhà ở, làm giảm tính cạnh tranh về chi phí, thu hút người lao động", Bộ Công Thương quan ngại.
Đồng quan điểm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất rà soát chính sách đất đai trong trung tâm tài chính, bao gồm thời hạn sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất để đảm bảo phù hợp với pháp luật.
Trước những ý kiến trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư viện dẫn thực tế tại nhiều trung tâm tài chính trên thế giới như Dubai, Astana, Abu Dhabi hay Singapore, nơi có chính sách nới lỏng quy định về sở hữu và giao dịch bất động sản đối với người nước ngoài.
"Việt Nam cần có một số chính sách vượt trội nhằm thu hút nhà đầu tư phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tế", Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Theo Luật Nhà ở 2023, người nước ngoài có thể mua, thuê mua, nhận tặng cho hoặc thừa kế căn hộ chung cư, nhà riêng lẻ trong dự án, ngoại trừ những khu vực liên quan đến quốc phòng, an ninh. Điều kiện đặt ra là họ không bị hạn chế nhập cảnh vào Việt Nam và hộ chiếu còn hiệu lực.
Đối với dự án chung cư, luật quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tối đa 30% tổng số căn hộ có mục đích để ở của một tòa nhà, không quá 250 căn trong một khu vực có dân số tương đương một phường. Nếu có nhu cầu, họ có thể được gia hạn quyền sở hữu một lần với thời hạn không quá 50 năm, nâng tổng thời gian sở hữu tối đa lên 100 năm, gấp đôi so với trước đây.
Riêng với các dự án đầu tư tại trung tâm tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thời hạn sử dụng đất cho các lĩnh vực ưu tiên tối đa là 70 năm, còn các lĩnh vực khác không quá 50 năm. Nhà đầu tư và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được quyền thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất để vay vốn triển khai dự án. Nhóm này cũng có thể thế chấp nhà đất tại ngân hàng nước ngoài để vay vốn. Nếu phát sinh tranh chấp, việc xử lý sẽ tuân theo pháp luật Việt Nam.
Ngoài ra, TP. Đà Nẵng cũng đề xuất cho phép các nhà đầu tư được thuê đất trong trung tâm tài chính tối đa 70 năm. Với các dự án quy mô lớn, có thời gian thu hồi vốn dài, thời hạn thuê đất có thể được gia hạn nhiều lần nhưng không quá 70 năm cho mỗi lần gia hạn.
Trung tâm tài chính được định nghĩa là một hệ sinh thái bao gồm nhiều dịch vụ tài chính tập trung tại một khu vực cụ thể, nơi có các thể chế riêng nhằm khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư cung cấp sản phẩm, dịch vụ tài chính và kết nối với thị trường quốc tế./.
Đọc thêm
Bình Định vừa "chốt" dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Phù Mỹ (giai đoạn 1) với tổng vốn hơn 4.500 tỷ đồng. Dự án do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Phù Mỹ làm chủ đầu tư.
UBND thành phố Hà Nội trình dự án cầu 16.000 tỷ đồng; Bắc Ninh tìm nhà đầu tư cho loạt khu đô thị có vốn hơn 100.000 tỷ đồng; Sân bay Gia Bình sẽ thành cảng quốc tế hiện đại bậc nhất phía Bắc... là những thông tin nổi bật của điểm tin BĐS - tài chính hôm nay (22/2).
TP.HCM “bó tay” xử lý đất trống, bỏ đất hoang; Loạt dự án “đất vàng” ven biển Đà Nẵng sắp được gỡ vướng; Đất vàng bỏ hoang dọc bờ biển Nha Trang... là những thông tin nổi bật của điểm tin BĐS - tài chính hôm nay (23/2).
Tin liên quan
UBND tỉnh Nghệ An vừa có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá đất để trục lợi làm nhiễu loạn thị trường.
UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất nghiên cứu thành lập khu thương mại tự do gần sân bay Long Thành, cùng các dự án công nghệ cao, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 10% năm 2025.
UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 để cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng và phụ cận.