Quốc hội ra Nghị quyết yêu cầu đưa thị trường bất động sản về đúng giá trị thực
Trong Nghị quyết giám sát vừa được thông qua, Quốc hội đặt mục tiêu tăng nguồn cung nhà ở phù hợp với thu nhập của phần lớn người dân. Đồng thời, nghị quyết nhấn mạnh việc đưa bất động sản về đúng giá trị nội tại, ngăn chặn tình trạng thao túng và đẩy giá bất hợp lý.
Chiều 23/11, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết giám sát về chính sách quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
Tại Nghị quyết vừa ban hành, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Bộ ngành và địa phương có biện pháp điều tiết để đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường bất động sản, hài hòa giữa cung và cầu; tăng nguồn cung bất động sản giá thấp; đáp ứng nhu cầu về nhà ở, bảo đảm an sinh xã hội.
"Có giải pháp căn cơ, dài hạn để đưa giá bất động sản về đúng giá trị nội tại, ngăn chặn việc thao túng, sử dụng các phiên đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích tạo sốt giá", Nghị quyết của Quốc hội nêu.
Đồng thời, yêu cầu các cơ quan chức năng theo dõi sát diễn biến thị trường, tăng cường phân tích, dự báo nhằm đảm bảo thị trường phát triển ổn định, tránh tình trạng "sốt nóng" hoặc "đóng băng" làm ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế.
Chính phủ được giao nghiên cứu, ban hành mới các luật về mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang bảo; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất, thực hiện mục tiêu tái phân phối thu nhập và động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho ngân sách nhà nước.
Các Bộ ngành được giao xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký tài sản có sự liên thông, chia sẻ, tích hợp giữa các hệ thống đăng ký thuộc các lĩnh vực chuyên ngành khác nhau; bảo đảm sự công khai, minh bạch, dễ tiếp cận các thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản.
Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ giải quyết phù hợp, xử lý dứt điểm dự án bất động sản gặp khó khăn, đình trệ do quá trình triển khai thực hiện kéo dài; đánh giá đầy đủ lợi ích - chi phí và tính khả thi của phương án giải quyết để giải phóng nguồn lực cho thị trường bất động sản, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Quốc hội cũng lưu ý trong những dự án này, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự; song không hợp thức hóa các vi phạm.
4 nguyên nhân khiến giá bất động sản tăng nóng
Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, giá bất động sản tại một số địa phương, đặc biệt ở Hà Nội, TP.HCM và các đô thị lớn, vẫn tiếp tục tăng trong quý III. Hiện tượng này mang tính cục bộ, xảy ra ở một số khu vực và phân khúc, tạo áp lực lên giá chung của thị trường.
Thứ nhất, giá bất động sản leo thang do chi phí đất đai tăng cao, đặc biệt khi áp dụng bảng giá đất và phương pháp tính mới. Hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất với mức trúng cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm cũng góp phần đẩy giá đất lên.
Một số nhà đầu tư còn thành lập hội nhóm để thao túng đấu giá, trả giá cao rồi "bỏ cọc" nhằm tạo mặt bằng giá ảo, khiến giá đất và nhà ở khu vực lân cận bị đội lên. Điều này làm tăng chi phí triển khai dự án, giảm nguồn cung và gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Thứ hai, tình trạng "thổi giá", "tạo giá ảo" do giới đầu cơ và môi giới bất động sản thiếu chuyên nghiệp cũng là nguyên nhân quan trọng.
Bộ Xây dựng xác định, đây là các cá nhân hoạt động môi giới tự do, không có chứng chỉ môi giới bất động sản, yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp, yếu kém về đạo đức kinh doanh dẫn đến tình trạng làm ăn chụp giật, thông đồng làm giá, thổi giá cao so với giá trị thực tế, thao túng thị trường, gây thiệt hại cho khách hàng và làm giảm tính minh bạch của thị trường bất động sản.
Thứ ba, nguồn cung bất động sản khan hiếm, đặc biệt là nhà ở dành cho người thu nhập trung bình và thấp tại các đô thị lớn. Nguyên nhân chính là doanh nghiệp gặp khó khăn trong thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng và huy động vốn.
Nhiều dự án bị đình trệ hoặc giãn tiến độ, khiến nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu. Dù các luật mới như Luật Đất đai 2024 và Luật Nhà ở 2023 đã tháo gỡ nhiều vướng mắc, việc thực thi vẫn cần thời gian để mang lại hiệu quả thực tế.
Thứ tư, biến động của thị trường tài chính như chứng khoán, trái phiếu và vàng đã khiến nhiều nhà đầu tư chuyển hướng dòng tiền sang bất động sản. Họ coi đây là nơi "trú ẩn" an toàn cho vốn tích lũy, góp phần làm giá nhà đất tăng cao./.
Đọc thêm
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Quyết định về việc bãi bỏ toàn bộ các Quyết định số 19/2019/QĐ-UBND ngày 15/10/2019 và Quyết định số 07/2023/QĐ-UBND ngày 21/4/2023.
Chứng khoán hôm nay 22/11 ghi nhận áp lực bán tháo mạnh của nhóm bất động sản trong bối cảnh VN-Index vẫn chưa thể chạm mốc 1.230 điểm.
Liên danh đầu tư dự án Khu đô thị Hiệp Hòa tại Đồng Nai với quy mô 293ha và vốn hơn 72.200 tỷ đồng, vừa đề xuất bổ sung thêm thành viên mới, nâng tổng số lên 6 đơn vị.
Tin liên quan
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Quyết định về việc bãi bỏ toàn bộ các Quyết định số 19/2019/QĐ-UBND ngày 15/10/2019 và Quyết định số 07/2023/QĐ-UBND ngày 21/4/2023.
Giá thuê mặt bằng tại TP.HCM liên tục tăng cao trong những năm qua, đặc biệt tại các trung tâm thương mại đắc địa. Dù vậy, các địa điểm này vẫn luôn được săn đón bởi cả những thương hiệu mới gia nhập thị trường và các thương hiệu lâu năm.
Sun Group vừa đề xuất đầu tư 2 khu đô thị du lịch sinh thái quy mô lớn tại huyện Tiên Du và TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh với tổng mức đầu tư cho các dự án này lên đến 28.271 tỷ đồng.
Bài mới
Dự án Khu đô thị FLC Legacy Kon Tum, nằm ngay trung tâm hành chính của thành phố Kon Tum, đã được định hướng trở thành tổ hợp thương mại, dịch vụ và nhà ở hiện đại bậc nhất của tỉnh Kon Tum và khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, do "gặp nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau", Tập đoàn FLC đã chính thức xin dừng triển khai dự án trị giá 1.700 tỷ đồng này.