Giá thuê mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM leo thang, trung tâm thương mại vẫn "hút" khách thuê
Giá thuê mặt bằng tại TP.HCM liên tục tăng cao trong những năm qua, đặc biệt tại các trung tâm thương mại đắc địa. Dù vậy, các địa điểm này vẫn luôn được săn đón bởi cả những thương hiệu mới gia nhập thị trường và các thương hiệu lâu năm.
Sức hút mạnh mẽ của thị trường bán lẻ TP.HCM với các thương hiệu mới
Theo CBRE Việt Nam, sự gia tăng của các trung tâm thương mại (TTTM) mới mở cửa tại TP.HCM đi kèm với sự xuất hiện của nhiều thương hiệu mới, cũng như các nhãn hàng mở rộng diện tích kinh doanh.
Diện tích mặt bằng được lấp đầy trung bình đã tăng từ 93% lên 94%. Trong 9 tháng đầu năm 2024, lượng mặt bằng bán lẻ mới được cho thuê lên đến 87.000 m2, mức cao nhất trong vòng 3 năm qua.
Số liệu từ CBRE cho thấy, trong tổng số giao dịch trên thị trường 3 năm qua, các thương hiệu F&B chiếm ưu thế với 35% tổng diện tích thuê, tiếp theo là các nhãn hàng thời trang và phụ kiện với 33%.
Ngành hàng phong cách sống (Lifestyle) đứng thứ 3 với 13% và đang có dấu hiệu tăng trưởng mạnh mẽ. Diện tích kinh doanh mỗi cửa hàng Lifestyle cũng ngày càng mở rộng, có thể lên đến 1.000 m2.
Hầu hết các TTTM mới mở đều được lấp đầy gần như hoàn toàn, kéo tỷ lệ trống trung bình toàn thị trường ở cả khu vực trung tâm lẫn ngoại thành xuống chỉ còn khoảng 5-6%.
Savills Việt Nam cũng ghi nhận sự sôi động của thị trường thời trang TP.HCM khi ngày càng nhiều thương hiệu quốc tế nổi tiếng gia nhập. Tại Vincom Đồng Khởi, các thương hiệu như Urban Revivo và Karl Lagerfeld đã xuất hiện, trong khi Saigon Centre cũng chào đón Longchamp, Lush và cửa hàng thứ 2 của Popmart.
Bà Trần Phạm Phương Quyên - Quản lý Cấp cao Bộ phận Cho thuê Bán lẻ của Savills TP.HCM, chia sẻ rằng dù có nhiều thương hiệu muốn vào thị trường TP.HCM, họ vẫn gặp khó khăn do mặt bằng tại Quận 1 khan hiếm và thủ tục cấp phép còn mất nhiều thời gian. Vì vậy, người tiêu dùng có thể phải chờ thêm một thời gian nữa để chứng kiến sự ra mắt của các cửa hàng mới.
Về động lực gia nhập thị trường Việt Nam, bà Quyên nhận định: "Việt Nam có lợi thế dân số trẻ, thị trường gần 100 triệu dân, đặc biệt là các thành phố lớn có nhóm người tiêu dùng trẻ, nhạy bén với các xu hướng, mức sống ngày càng cao, nhu cầu hòa nhập và thể hiện bản thân lớn. Đây là những yếu tố giúp cho các nhãn hàng mua sắm và những dịch vụ ăn uống, vui chơi vẫn còn nhiều tiềm năng".
Giá thuê trung tâm TP.HCM ngày càng leo thang
Theo báo cáo từ CBRE Việt Nam, giá thuê mặt bằng tại khu vực trung tâm TP.HCM gần như không còn diện tích trống, với mức trung bình cho tầng trệt và tầng một đạt 274,1 USD/m2.
Trong khi đó, giá thuê ở khu vực ngoài trung tâm trung bình là 53,3 USD/m2, giảm 0,9% so với quý trước. Điều này là do các TTTM mới mở nằm ở các quận ven, có giá chào thuê mềm hơn, nhưng vẫn cao hơn 10% so với cùng kỳ năm trước.
Những năm qua, mặt bằng cho thuê tại TP.HCM đã ghi nhận mức tăng đáng kể, đặc biệt là các TTTM ở vị trí đắc địa luôn được săn đón bởi cả thương hiệu mới lẫn thương hiệu hiện hữu. Sau một thời gian dài trầm lắng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các nhãn hàng đã lấy lại niềm tin và đang tích cực mở rộng chuỗi cửa hàng của mình.
Bà Trần Phạm Phương Quyên nhận định, giá thuê mặt bằng tại các quận trung tâm hiện nay đắt gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với các quận bán trung tâm. So với các thành phố khác, mức chênh lệch này còn lớn hơn nhiều.
Bà Quyên cho biết thêm: "Giá thuê của mặt bằng trung tâm dự kiến sẽ đi đều trong năm sau, và vùng ven sẽ gặp nhiều khó khăn do nhóm khách thuê vẫn tập trung trong nhóm ngành nhu yếu phẩm, dịch vụ và ăn uống, trong khi đó các thương hiệu nhóm ngành Thời trang và mua sắm thì sẽ chưa tự tin để mở các điểm bán hàng ở khu dân cư mới".
Theo báo cáo của bộ phận Nghiên cứu Savills, công suất thuê các dự án bán lẻ hiện đại tại TP.HCM trong quý III/2024 đạt mức cao, duy trì ở 94%, tăng 0,5 điểm phần trăm theo quý và 4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Các thương hiệu lớn như Mr. DIY, Uniqlo và Muji tiếp tục mở rộng tại các khu vực ngoài trung tâm nhờ giá thuê hợp lý và mật độ dân cư cao.
Những TTTM lớn như Hùng Vương Plaza, AEON Mall và Vạn Hạnh Mall luôn đạt công suất thuê 100% nhờ lượng khách ổn định, danh mục khách thuê đa dạng và quản lý hiệu quả.
Giá thuê tầng trệt trung bình đạt 1,4 triệu đồng/m2/tháng, tăng 4% so với quý trước và 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Diện tích tiêu thụ tích cực đạt 42.111 m2 sàn, trong đó ngành F&B chiếm 25% thị phần, tiếp theo là giải trí với 24% và thời trang chiếm 18%.
Theo ước tính của Sở Công Thương TP.HCM, năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng 11% so với năm trước, trong khi chi tiêu tiêu dùng dự kiến tăng 7,6%. Với nguồn cung mới hạn chế và sức mua mạnh mẽ, thị trường được dự báo sẽ tiếp tục hoạt động tốt.
Trong quý IV/2024, hơn 27.600 m2 sàn từ 3 dự án mới ngoài trung tâm sẽ đi vào hoạt động, với công suất thuê kỳ vọng đạt ít nhất 80%.
Đến năm 2027, nguồn cung tương lai dự kiến đạt hơn 163.100 m2 từ 12 dự án, trong đó khu vực ngoài trung tâm chiếm khoảng 55%. Để nâng cao công suất, các chủ đầu tư như Cantavil Premier và Platinum Plaza đang lên kế hoạch cải tạo và đổi mới cơ cấu khách thuê vào năm 2025./.
Đọc thêm
Sun Group vừa đề xuất đầu tư 2 khu đô thị du lịch sinh thái quy mô lớn tại huyện Tiên Du và TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh với tổng mức đầu tư cho các dự án này lên đến 28.271 tỷ đồng.
Nghị quyết 1278/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023-2025, sắp xếp 80 phường để hình thành 41 phường mới.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa phê duyệt cho Viglacera làm nhà đầu tư khu công nghiệp Trấn Yên (giai đoạn I) tại tỉnh Yên Bái. Dự án có quy mô 254 ha, với tổng mức đầu tư ước tính lên tới 2.184 tỷ đồng.
Tin liên quan
Sau nhiều năm gián đoạn do đại dịch COVID-19, thị trường bán lẻ tại TP.HCM đã có những bước tiến lớn trong năm 2024. Với sự ra mắt của các trung tâm thương mại mới và sự gia tăng diện tích thuê, ngành bán lẻ dường như đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai gần.
Thời gian tới, thị trường bất động sản thương mại - bán lẻ sẽ đón nhận làn sóng nguồn cung lớn, đặc biệt từ hai "ông lớn" Aeon Mall và Vincom Retail, hứa hẹn sẽ làm sôi động thêm phân khúc này.
Bài mới
Dự án Khu đô thị FLC Legacy Kon Tum, nằm ngay trung tâm hành chính của thành phố Kon Tum, đã được định hướng trở thành tổ hợp thương mại, dịch vụ và nhà ở hiện đại bậc nhất của tỉnh Kon Tum và khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, do "gặp nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau", Tập đoàn FLC đã chính thức xin dừng triển khai dự án trị giá 1.700 tỷ đồng này.