Sống kham khổ nhiều năm đủ tiền mua nhà, chồng nhất định đòi cho mẹ đứng tên
6 năm nay tôi không dám mua một bộ quần áo mới, không dám dẫn con đi ăn nhà hàng cuối cùng cũng đủ tiền mua một căn chung cư. Nhưng chồng tôi nhất định đòi để mẹ anh đứng tên cho mẹ vui lòng.
Xin chào mọi người, mỗi người khi mua nhà đều có một câu chuyện. Câu chuyện của tôi dưới đây không biết là chuyện vui hay chuyện buồn nữa.
Vợ chồng tôi lấy nhau 10 năm, mấy năm đầu hôn nhân chồng tôi làm ăn thất bại, tài sản trong nhà cũng đội nón ra đi. Chúng tôi liên tục phải đi thuê nhà. Có lúc công việc của chồng thuận lợi, chúng tôi thuê chung cư để ở. Nhưng lúc công việc chồng không thuận việc thuê nhà đối với chúng tôi là một gánh nặng.
Sau mấy năm đầu bôn ba, tôi bàn với chồng nên thuê một căn nhà cũ nhưng giá rẻ để ổn định lâu dài, tiết kiệm chi phí và tích cóp cho việc mua nhà. Cuối cùng vợ chồng tôi thống nhất thuê một căn nhà cũ ở ven thành phố. Con cái chúng tôi xin cho học ở trường công lập gần nhà. Hàng ngày tôi đi làm xa nhà cách nhà 13km. Còn chồng tôi ở nhà buôn bán lặt vặt. Mỗi tháng anh kiếm được 15 triệu đồng, tiền lương công ty của tôi cũng được 10 triệu. Chúng tôi có hai con nhỏ, tiền học của hai con mỗi tháng là 3 triệu đồng.
Tiền thuê nhà cộng với các chi phí điện nước cho cả gia đình là 4 triệu đồng. Ngoài ra, chúng tôi còn phải nuôi mẹ chồng. Mẹ chồng tôi năm nay 60 tuổi. Bà có hai con, chị gái chồng tôi lấy chồng ở xa, vì thế việc nuôi mẹ vợ chồng tôi phải gánh.
Bà không có lương hưu, nhà ở quê và ruộng vườn đã bán từ trước khi tôi về làm dâu. Bà không có thu nhập gì sống dựa cả vào vợ chồng tôi. Hàng ngày bà chỉ cơm nước và trông nom con cái cho chúng tôi.
Hơn 6 năm nay gia đình tôi tập thói quen sống tối giản, chỉ chi tiêu những việc thực sự cần thiết. Tôi không mua sắm quần áo và các sản phẩm xa xỉ như túi xách, son phấn. Quần áo tôi mặc lại của chị em trong nhà cho, thậm chí các chị em đồng nghiệp thân thiết cũng thường tặng tôi quần áo vì họ thương tôi vất vả.
Tôi không bao giờ dám đưa các con đi ăn nhà hàng, những dịp vui vẻ như sinh nhật các con tôi chỉ mua thêm chút đồ ăn ngon về để cải thiện bữa cơm gia đình.
Trước khi lấy chồng tôi không hề vất vả như này. Tiền lương đi làm thì dành một phần tiết kiệm, mua quà cho bố mẹ đẻ, một phần thì chi tiêu cá nhân như son phấn, váy áo. Nhưng từ khi lấy chồng tôi đã không được chi dùng những khoản đó nữa.
Năm nay là năm thứ 10 sau hôn nhân chúng tôi đã tiết kiệm đủ tiền để mua một căn chung cư ưng ý. Nhưng chồng tôi nhất định đòi để mẹ anh đứng tên. Anh nói với tôi mẹ anh nuôi anh vất vả, bà không có nhà cửa nên lúc nào cũng bất an. Việc để bà để tên ngôi nhà sắp mua là để bà được an lòng những năm cuối của tuổi già, đề bà không có cảm giác sống nhờ con, không có tâm lý bất an sợ bị con đuổi ra khỏi nhà.
Tôi không đồng ý với chồng. Tiền mua nhà là tiền mà cả hai vợ chồng tôi cùng vất vả kiếm, bây giờ chỉ để mẹ chồng đứng tên tôi cũng cảm thấy bất an. Đặc biệt mẹ tôi lại còn một chị gái nữa. Vợ chồng tôi đã tranh cãi vấn đề này rất nhiều ngày, mẹ chồng tôi còn giận dỗi bỏ vào ở với chị gái chồng trong Nam. Chồng tôi thì mặt nặng mày nhẹ trách móc tôi không biết điều.
Nhưng dù sao đi chăng nữa tôi cũng quyết không đồng ý việc này. Nếu không thoả thuận được tôi chấp nhận ly hôn và nhận nửa tiền chứ quyết không để mẹ chồng đứng tên căn nhà mua bằng mồ hôi nước mắt của chúng tôi.
Mọi người hãy cho tôi lời khuyên, liệu tôi có quá đáng như chồng và mẹ chồng tôi nói không!
Đọc thêm
Hai vợ chồng tôi sống rất khắc khổ, vợ tôi không bao giờ mua quần áo mà chỉ mặc lại quần áo của các chị em vợ cho. Còn tôi mỗi năm chỉ sắm một bộ để mặc vào những dịp quan trọng.
Bởi vì giá nhà tại Hà Nội tăng nhanh, nhiều người tài chính hạn chế buộc phải lựa chọn mua nhà không sổ để có giá rẻ hơn, dù điều này đi kèm với rủi ro về mặt pháp lý.
Quy định của Luật mới có hiệu lực từ ⅛ cho thấy, người có thu nhập không quá 15 triệu đồng/tháng, vợ chồng có thu nhập tối đa 30 triệu đồng sẽ được mua/thuê nhà ở xã hội.
Dù các căn hộ chung cư ở Hà Nội đã hạ giá hàng trăm triệu đồng chỉ trong vài ngày qua nhưng lượng người mua vẫn thưa thớt. Trong khi số lượng người quyết định ngừng mua nhà ngày càng gia tăng.