Chủ tịch HoREA hiến kế để TP.HCM xây dựng 93.000 căn nhà ở xã hội
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa đưa ra đề xuất các cơ chế và giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng từ 69.700 - 93.000 căn nhà ở xã hội tại TP.HCM trước năm 2030.
Trong chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho TP.HCM chỉ tiêu phát triển từ 69.700 đến 93.000 căn.
Báo cáo từ Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy, từ năm 2021 đến nay, thành phố chỉ có 10 dự án nhà ở xã hội, trong đó 6 dự án đã hoàn thành, còn 4 dự án đang thi công với tổng số gần 6.000 căn hộ.
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cam kết rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư từ hơn 1 năm xuống còn không quá 6 tháng. Thành phố cũng ưu tiên các dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng như cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và công nhân lao động.
Ngoài ra, Sở Xây dựng TP.HCM đã công bố danh mục 7 dự án mời gọi đầu tư với khoảng 8.000 căn hộ. Các dự án này thu hút sự quan tâm lớn từ các doanh nghiệp bất động sản, dẫn đến khả năng phải tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp.
Tại hội nghị, 21 doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất tự tạo với quy mô khoảng 52.000 căn hộ. Thành phố cũng kêu gọi đầu tư vào 7 khu đất khác để phát triển thêm 8.000 căn, bên cạnh 10.000 căn dự kiến đầu tư bằng nguồn vốn công. Theo ước tính, TP.HCM có thể phát triển khoảng 70.000 căn nhà ở xã hội đến năm 2030.
Để thực hiện mục tiêu này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), đề xuất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành và chính quyền địa phương để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội có sẵn quỹ đất, đặc biệt là quỹ đất 20% dành riêng cho loại hình nhà ở này.
Ông Châu ước tính để hiện thực hóa mục tiêu 69.700-93.000 căn nhà ở xã hội đến năm 2030, TPHCM cần khoảng 69-93 dự án nhà ở xã hội độc lập với quy mô trung bình 1.000 căn hộ/dự án.
Về mặt pháp lý, thành phố cần đẩy mạnh giao đất hoặc cho thuê đất thông qua đấu thầu để chọn nhà đầu tư. Việc giao đất cần gắn với chấp thuận chủ trương đầu tư sau khi nhà đầu tư thỏa thuận xong quyền sử dụng đất.
Chủ tịch HoREA khuyến nghị nên xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của dự án nhà ở thương mại theo đề xuất của chủ đầu tư dự án, không phân biệt dự án cao cấp, trung cấp hay bình dân, khi thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư. Dự án nhà ở thương mại bình dân (nhà ở giá vừa túi tiền - affordable housing) được xây dựng trên quỹ đất 20% của dự án nhà ở thương mại.
Đối với dự án nhà ở thương mại cao cấp, trung cao cấp thì chủ đầu tư không phải xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của dự án (trừ trường hợp chủ đầu tư đề xuất xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của dự án nhà ở thương mại cao cấp).
Chủ đầu tư được đề xuất thực hiện bố trí quỹ đất nhà ở xã hội đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở vị trí khác ngoài phạm vi dự án hoặc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội khi chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.
Về tín dụng, HoREA đề xuất Chính phủ cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Đồng thời, Hiệp hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép thí điểm thực hiện cơ chế giao Sở Xây dựng thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội tương tự như dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vào nhà ở xã hội, đặc biệt là các dự án nhà cho thuê, vẫn là một thách thức lớn do lợi nhuận thấp và thời gian hoàn vốn kéo dài.
Do đó, cần có các chính sách hỗ trợ cụ thể để khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp. Những giải pháp này kỳ vọng sẽ mang lại bước đột phá trong việc đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động và người có thu nhập thấp tại TP.HCM./.
Đọc thêm
Khu đất K200 tại đường An Dương Vương, TP. Quy Nhơn (Bình Định) chính thức được đưa ra đấu giá với mục tiêu xây dựng tổ hợp khách sạn 5 sao, văn phòng cho thuê và trung tâm thương mại - dịch vụ. Mức giá khởi điểm cho vị trí đất "vàng" này là 270 tỷ đồng.
Các lực lượng chức năng sẽ tiến hành cưỡng chế 3.286 m2 đất và các công trình liên quan của 34 hộ dân không đồng thuận nhận tiền đền bù, nhằm đảm bảo bàn giao mặt bằng cho dự án Khu đô thị mới Phùng Khoang.
Mặc dù đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều về việc áp dụng thuế đối với chủ sở hữu nhiều nhà, đất trong bối cảnh hiện tại, Bộ Tài chính khẳng định sẽ thực hiện các nghiên cứu kỹ lưỡng để tránh gây xung đột thị trường.
Tin liên quan
TP.HCM đã mời gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào 7 dự án và 5 khu đất tiềm năng để xây dựng nhà ở xã hội, đồng thời cam kết sẽ rút ngắn thời gian triển khai dự án để hoàn thành nhanh chóng.
UBND tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức hội nghị nghe báo cáo phương án đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội từ nguồn quỹ đầu tư phát triển tỉnh.
UBND TP. Hà Nội vừa ký ban hành quyết định giao 30.444,7 m2 đất tại xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai cho UBND huyện Thanh Oai để thực hiện Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật đấu giá quyền sử dụng đất khu Cưng Trong (thôn Đại Định,Tam Hưng, Thanh Oai).
Bài mới
Theo báo cáo mới nhất của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, tỷ lệ đất dành cho nhà ở xã hội tại Khu đô thị Thanh Hà chỉ đạt 13,8%, thấp hơn nhiều so với quy định. Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đề xuất tăng diện tích đất dành cho xây dựng nhà ở xã hội, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhà ở cho người dân trong giai đoạn 2021-2025.