Đất vàng bỏ hoang giữa lòng Thủ đô: Cơ quan chức năng cần hành động ngay!
Thực tế cho thấy trên địa bàn TP. Hà Nội, đang có nhiều khu đất được quây rào tôn. Đáng nói, đây là những khu đất nằm ở vị trí đắc địa, hay còn gọi là "đất vàng". Qua nhiều năm chậm triển khai, những dự án này gây không ít bức xúc trong dư luận, đặc biệt với những người dân có nhu cầu mua nhà ở.
Bài viết này thuộc series Những dự án bỏ hoang trên "đất vàng" Hà Nội
Giữa cơn sốt bất động sản, nhiều dự án chung cư, biệt thự trên "đất vàng" Hà Nội vẫn bị bỏ hoang suốt nhiều năm, thậm chí cả thập kỷ, gây lãng phí lớn thay vì trở thành khu dân cư, đô thị sầm uất, khang trang.
Dự án Usilk City thuộc Công ty Cổ phần Sông Đà - Thăng Long được khởi công từ năm 2008, gồm 9 khối nhà ở chung cư cao tầng với 2.800 căn hộ, kèm theo hệ thống công trình dịch vụ công cộng, tiện ích xanh, hiện đại. Tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng.
Đây từng được kỳ vọng là dự án đáng sống bậc nhất quận Hà Đông, nhưng sau hơn 16 năm triển khai, phần lớn các tòa nhà nằm trong dự án mới chỉ đang xây thô đến tầng 4-5 và tiếp tục bị bỏ hoang, xung quanh ngổn ngang vật liệu xây dựng, cỏ dại, cây cối mọc um tùm.
Hơn nữa, rất nhiều khách hàng mua sản phẩm tại dự án này dù đã rất nhiều lần đi đòi quyền lợi, song đều thất bại đến thời điểm hiện tại. Có những khách hàng đã qua đời nhưng vẫn không được nhận nhà.
Theo kết luận của Thanh tra TP. Hà Nội, hàng nghìn tỷ đồng của khách hàng đã bị chủ đầu tư sử dụng sai mục đích.
Cũng thuộc quận Hà Đông, một dự án khác đang gây lãng phí nguồn đất đai của Hà Nội là Khu đô thị Dương Nội (do Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư) trên đường Lê Văn Lương kéo dài, cách không xa dự án Usilk City. Được khởi công vào năm 2008, dự án có tổng mức đầu tư ban đầu lên đến 7.642 tỷ đồng, quy mô gồm 1.116 căn.
Chủ đầu tư đã hoàn thiện mặt ngoài và bàn giao cho khách hàng vào cuối năm 2018. Tuy nhiên, hàng trăm biệt thự tại đây vẫn trong tình trạng bỏ hoang, không có người ở. Nhiều số điện thoại rao bán đã được viết lên tường, càng tăng thêm vẻ nhếch nhác. Nhiều căn biệt thự có giá trị hàng chục tỷ đồng giờ chỉ để làm nơi... trồng rau.
Không chỉ hai dự án nói trên, Hattoco cũng là dự án nằm tại quận Hà Đông góp phần gây lãnh phí quỹ đất ở Hà Nội. Với vốn đầu tư gần 90 tỷ đồng, khởi công từ năm 2009, nhưng đến hiện tại vẫn chỉ là khung bê tông trơ xác ở 110 Trần Phú, phường Mỗ Lao. Dự án do Công ty Cổ phần tư vấn Đầu tư Xây dựng Ba Đình (Ba Đình CIC) làm chủ đầu tư.
Gần đó, trên phố Vũ Trọng Khánh (cũng thuộc phường Mỗ Lao) cũng có "siêu dự án" tổ hợp chung cư Booyoung Vina tuy đã được cấp phép xây dựng từ năm 2006 (dự kiến hoàn thành năm 2010) nhưng vẫn bị bỏ hoang trong một thời gian dài. Dự án được xây dựng trên diện tích 4,3ha với quy mô 6 tòa chung cư cao 30 tầng, có tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng.
Ở quận Hà Đông, Tokyo Tower cũng là một trong nhiều dự án gây lãng phí đất. Dự án này trước đây được biết đến với tên gọi chung cư Vinafor hay Landmark 51, diện tích gần 4.600m2 và bao gồm 688 căn hộ. Mặc dù từng được kỳ vọng sẽ trở thành "trái tim của quận Hà Đông", nhưng đến nay Tokyo Tower chỉ mới hoàn thành phần thô và vẫn nằm "đắp chiếu" trong suốt nhiều năm.
Hiện Tokyo Tower mới chỉ xây xong phần thô, không thấy có hoạt động xây dựng để hoàn thiện dự án trong khi theo kế hoạch là vào quý IV/2017.
Cùng với Hà Đông, quận Nam Từ Liêm cũng "đóng góp" số lượng dự án treo không nhỏ. Chẳng hạn, dự án Hồ Tùng Mậu Tower tọa lạc ngay "đất vàng" ngã tư Hồ Tùng Mậu - Lê Đức Thọ, được cấp phép đầu tư từ tháng 12/2020 với diện tích 6.291 m2 do Công ty Từ Liêm và Central Capital làm chủ đầu tư
Dù dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022, song đến hiện tại, máy móc và nhân lực ở công trường lại bị di chuyển, chỉ còn lại vật dụng dang dở.
Dọc vành đai 3, sơ lược cũng có thể kể đến 3 dự án ngay gần nhau nhưng bị bỏ hoang hoặc bị sử dụng không đúng mục đích.
Thứ nhất là "khung xương" bê tông của của Vicem. Tháp Vicem được đầu tư từ năm 2010 trên khu đất rộng gần 8.500 m2, diện tích xây dựng là 2.800 m2 (ngay cạnh Keangnam). Tổng mức đầu tư ban đầu là 1.951 tỷ đồng, sau đó năm 2011 được điều chỉnh lên 2.743 tỷ đồng.
Việc đầu tư nhằm xây dựng trụ sở làm việc của Vicem, các đơn vị thành viên, hội trường và dịch vụ thương mại. Năm 2011, toà tháp được khởi công, tuy nhiên sau khi hoàn thành thi công xây lắp toàn bộ kết cấu phần ngầm, phần thân công trình thì bị đắp chiếu từ 8/2015 đến nay.
Từ tháp Vicem nhìn sang bên kia đường Phạm Hùng là dự án Apex Tower do Công ty Cổ phần Tòa nhà Cavico Việt Nam và Công ty Cổ phần Tu tạo và Phát triển Nhà làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư khoảng 15 triệu USD (hơn 381 tỷ đồng), có diện tích 2.780m2. Dù được khởi công từ năm 2008 và dự kiến hoàn thành vào năm 2012, nhưng đến nay Apex Tower mới chỉ hoàn thiện phần thô và bị bỏ hoang suốt nhiều năm.
Đối diện tòa Keangnam, nhìn sang bên kia đường Dương Đình Nghệ, có thể dễ dàng thấy được showroom của hãng xe sang Lexus. Đây là khu đất UBND TP. Hà Nội đã có quyết định thu hồi đất từ năm 2012, giao cho Liên minh HTX Việt Nam thuê để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm giới thiệu sản phẩm ngành nghề truyền thống và dịch vụ kinh tế hợp tác. Tuy nhiên, sau khi được giao đất, không hiểu vì lý do gì, dự án lại biến thành showroom ô tô.
Giáp với quận Nam Từ Liêm là quận Cầu Giấy. Ở địa bàn này, có thể nhắc đến dự án bệnh viện quốc tế Hoa Kỳ - Hà Nội ở số 9 Chùa Hà, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép đầu tư số 181/GP ngày 20/1/1997, do Tập đoàn Keystone Invest làm chủ đầu tư với tổng số vốn 50 triệu USD (tương đương hơn 1.100 tỷ đồng).
Năm 2001, UBND TP. Hà Nội đã ra quyết định thu hồi 9.998m2 đất tại phường Nghĩa Tân, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (Hà Nội) và cho phép bệnh viện này thuê 8.540m2, quản lý 1.458m2 trong thời hạn 40 năm.
Dù vậy, dự án bệnh viện sau hơn 20 năm, giờ chỉ còn là phế tích, rác thải chất đầy xung quanh. Hầu hết các hạng mục đã bị bỏ hoang, xuống cấp.
Ở ngoại ô Hà Nội, một trong những dự án có diện tích lớn bị bỏ hoang là Sudico Tiến Xuân, nằm trên địa phận xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) và Đông Xuân (huyện Quốc Oai) của chủ đầu tư Công ty đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico), quy mô 1.200 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng từ thời điểm 2007.
Dù tiến độ thực hiện được chủ đầu tư giới thiệu từ năm 2007 đến năm 2016, nhưng qua nhiều năm, cử tri địa phương đã bày tỏ bức xúc do dự án trong nhiều năm gây rất nhiều khó khăn cho nhân dân: Không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc giao dịch vay vốn để sản xuất kinh doanh, chuyển nhượng quyền sử dụng đất…
Ở quận Thanh Xuân, cũng tồn lại dự án treo khác là Manhattan Tower, tọa lạc tại "đất vàng" 21 Lê Văn Lương. Dự án ban đầu có tên gọi Thành An Tower và được cấp đất từ năm 2009 với tổng diện tích đất là 4.182 m2. Tuy nhiên, sau khi được giao đất, Tổng công ty Thành An không tự triển khai dự án mà bán lại cho Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng Ba Đình theo hình thức hợp tác kinh doanh.
Sau gần 10 năm "bất động", đầu năm 2018, dự án Thành An Tower đã được tái khởi động với tên gọi mới là Manhattan Tower, cùng với sự xuất hiện của đơn vị phát triển dự án mới là Công ty Cổ phần Landmark Holding, sau này đổi tên thành Công ty Cổ phần Quốc tế Holding (LMH).
Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra những vi phạm xảy ra tại dự án này. Cụ thể, việc dự án 4 lần điều chỉnh sai quy định đã làm thay đổi từ đất cơ quan cải tạo chỉnh trang (năm 2002, 2006) thành cơ quan văn phòng cao 25 tầng (năm 2008); cuối cùng trở thành dự án văn phòng, dịch vụ thương mại và căn hộ chung cư để bán (năm 2010).
Sau nhiều năm bỏ hoang hóa trên "đất vàng" Thủ đô, Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại dự án Thành An Tower theo quy định tại khoản 3 Điều 229 Bộ luật Hình sự.
Ở quận Hoàng Mai, dự án khu tái định cư Đền Lừ III (quận Hoàng Mai) vẫn trong tình trạng hoang phế và nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng dù đã hoàn thiện từ năm 2017 với 5 khối nhà cao tầng trên diện tích đất xây dựng 5.889m2.
Theo quyết định ban đầu UBND TP. Hà Nội phê duyệt, dự án nhà phục vụ tái định cư khu di dân Đền Lừ III thực hiện từ năm 2011 đến 2014. Tuy nhiên, đến năm 2013 dự án này vẫn là khu đất trống; cho đến năm 2015, dự án mới triển khai thi công phần móng và đến 2017, dự án mới hoàn thành xây dựng.
Thực trạng cho thấy, các tòa chung cư bị bỏ hoang với rất nhiều cửa sổ bị vỡ kính, cỏ dại mọc um tùm, lớp sơn tường bạc màu và bong tróc, nhiều mảng tường bị hoen gỉ, vỡ nứt… tạo nên khung cảnh vô cùng xót xa./.
Đọc thêm
Mặc dù đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều về việc áp dụng thuế đối với chủ sở hữu nhiều nhà, đất trong bối cảnh hiện tại, Bộ Tài chính khẳng định sẽ thực hiện các nghiên cứu kỹ lưỡng để tránh gây xung đột thị trường.
Các lực lượng chức năng sẽ tiến hành cưỡng chế 3.286 m2 đất và các công trình liên quan của 34 hộ dân không đồng thuận nhận tiền đền bù, nhằm đảm bảo bàn giao mặt bằng cho dự án Khu đô thị mới Phùng Khoang.
Cảnh tượng đáng xót xa khi một dự án cao ốc "đất vàng" tại Hà Nội, vốn được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo khu vực, lại bị bỏ hoang giữa lòng Thủ đô. Dự án Nhà ở cao tầng để bán của Tập đoàn Bảo Việt, tọa lạc tại thị trấn Văn Điển (Thanh Trì) đã bị bỏ hoang suốt thời gian dài dù được gia hạn thêm 24 tháng.
Thông tin mở bán nhà, dự án BĐS, đấu giá ngày 9/12 có các thông tin nổi bật sau: Rixos mang khái niệm 'khu nghỉ dưỡng trọn gói sang trọng' đến Phú Quốc; Giá thuê nhà xã hội ở Bình Dương cao nhất 17 triệu một căn 70 m2;...
Tin liên quan
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa đưa ra đề xuất các cơ chế và giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng từ 69.700 - 93.000 căn nhà ở xã hội tại TP.HCM trước năm 2030.
Theo đại diện cơ quan chức năng, nguyên nhân sâu xa dẫn đến vụ cháy chung cư mini ở Thanh Xuân khiến 56 người thiệt mạng xuất phát từ những lỗ hổng trong công tác quản lý xây dựng. Trong khi đó, gia đình các nạn nhân và cư dân đã yêu cầu các bị can bồi thường thêm gần 80 tỷ đồng để khắc phục những thiệt hại về tài sản.
Khu đất K200 tại đường An Dương Vương, TP. Quy Nhơn (Bình Định) chính thức được đưa ra đấu giá với mục tiêu xây dựng tổ hợp khách sạn 5 sao, văn phòng cho thuê và trung tâm thương mại - dịch vụ. Mức giá khởi điểm cho vị trí đất "vàng" này là 270 tỷ đồng.
Quận Hoàng Mai sắp tổ chức đấu giá một khu đất "vàng" quy hoạch để xây dựng nhà ở thấp tầng, với diện tích hơn 43.944 m2 tại khu đô thị Nam hồ Linh Đàm. Đáng chú ý, giá khởi điểm lên tới hơn 86 triệu đồng/m2, mức giá cao nhất so với các phiên đấu giá đất ở Hà Nội thời gian gần đây.
Bài mới
Văn Phú Invest rút khỏi dự án khu đô thị 8.500 tỷ đồng tại Đồng Nai; Quận Hoàng Mai (Hà Nội) dự kiến sẽ thu hồi hơn 1.400m2 liên quan đến 24 thửa đất để nâng cấp, mở rộng đường Lĩnh Nam; Sắp đấu giá hơn 200 lô đất tại Hà Nam, khởi điểm thấp nhất 41 triệu đồng/lô... là những thông tin nổi bật của điểm tin BĐS - tài chính hôm nay (18/1).
Bầu Hiển thưởng đậm cho Duy Mạnh, Thành Chung, Hai Long… tại Lễ tuyên dương, khen thưởng vận động viên Hà Nội đạt thành tích xuất sắc tại Giải Vô địch bóng đá Đông Nam Á - ASEAN Cup 2024.
Chiều 16/1, tại Hải Phòng, hai dự án trọng điểm của Tổng Công ty PTĐT Kinh Bắc là Dự án Khu đô thị và dịch vụ Tràng Cát cùng với Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tràng Duệ 3 được trao giấy chứng nhận đầu tư, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Chính phủ, các Bộ TW và thành phố Hải Phòng.
Thời gian qua, một số website và môi giới rầm rộ quảng cáo dự án Legacy Alpha Valley tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc với nhiều lời hứa hấp dẫn. Tuy nhiên, cơ quan quản lý khẳng định dự án này chỉ phục vụ cho các chuyên gia và lao động tại khu công nghệ cao, không phải dự án nhà ở thương mại như quảng bá. Người dân cần thận trọng để tránh "tiền mất, tật mang".