Dự án 39-39B Bến Vân Đồn sẽ sớm được tháo gỡ triển khai
Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết 170/2024 về cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn cho các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP.HCM, Đà Nẵng và Khánh Hòa. Nghị quyết có hiệu lực từ 1/4/2025.
Dự án 39-39B Bến Vân Đồn là một trong bốn khu đất tại TP.HCM sẽ được tháo gỡ theo cơ chế đặc thù vừa được thông qua.
Theo đó, tổng cộng 64 dự án và 1.313 trường hợp vi phạm về thời hạn sử dụng đất khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất sẽ được tháo gỡ. Các sai phạm tại các dự án này xuất phát từ lỗi của cơ quan quản lý nhà ở, đồng thời trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan cũng đã được xử lý xong.
Tại TP.HCM, có 4 dự án và khu đất được giải quyết vướng mắc. Trong số đó, dự án tại 39-39B Bến Vân Đồn (phường 12, quận 4) đã được phê duyệt cho nhà đầu tư tiếp tục sử dụng đất, tiến hành xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất và tiền thuê đất, sau khi hoàn tất xử lý vi phạm và khắc phục hậu quả kinh tế.

Khu đất 39-39B Bến Vân Đồn có tổng diện tích hơn 6.200 m2, hiện là một khu phức hợp cao 33 tầng, gồm căn hộ, khu thương mại, văn phòng và dịch vụ. Dự án này do Công ty Đầu tư và Phát triển Bất động sản Nova Phúc Nguyên làm chủ đầu tư.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ vào năm 2021, khu đất này vốn thuộc sở hữu Nhà nước và do Tổng công ty Cao su Đồng Nai cùng Công ty Cao su Bà Rịa - 2 đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam quản lý.
Năm 2010, UBND TP.HCM ban hành quyết định thu hồi và giao khu đất này cho Công ty Phú Việt Tín (do 2 công ty cao su trên góp vốn thành lập) để thực hiện đầu tư, kinh doanh theo quy hoạch. Đến năm 2014, Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã nắm quyền sở hữu khu đất thông qua thương vụ mua lại 99,5% cổ phần tại Phú Việt Tín.
Theo kết luận thanh tra, việc UBND TP.HCM thu hồi, giao đất và chỉ định Công ty Phú Việt Tín làm chủ đầu tư dự án 39-39B Bến Vân Đồn mà không thông qua đấu giá là không đúng quy định của Luật Đất đai 2003 và Thông tư 03/2009 của Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Hơn nữa, Công ty Phú Việt Tín (nay đã sáp nhập vào Nova Phúc Nguyên) không thực hiện lập dự án đầu tư tại khu đất này, vi phạm quy định pháp luật.
Hiện tại, trên khu đất này đã hình thành một tổ hợp căn hộ cao cấp, khu thương mại - dịch vụ và văn phòng. Dù các căn hộ đã được bàn giao suốt 6 năm qua, nhưng cư dân vẫn chưa được cấp sổ đỏ.
Ngoài dự án trên, 3 dự án khác tại TP.HCM cũng nằm trong danh sách được chỉ đạo tháo gỡ sau kết luận thanh tra, gồm: Dự án 1.330 căn hộ thuộc khu đất 38,4 ha phường Bình Khánh (TP. Thủ Đức), khu đất 30,2 ha phường Bình Khánh (TP. Thủ Đức) và khu đất 30 ha Nam Rạch Chiếc, phường An Phú (TP. Thủ Đức).
Riêng với dự án 1.330 căn hộ tại khu đất 38,4 ha phường Bình Khánh, vấn đề cần tháo gỡ chủ yếu liên quan đến giá đất, tiền sử dụng đất và tiền thuê đất. Cụ thể, phần diện tích đất tương ứng với số tiền mà nhà đầu tư đã tạm nộp sẽ được tính giá đất tại thời điểm thanh lý hợp đồng (30/3/2018). Đối với phần diện tích đất chưa nộp tiền sử dụng, thời điểm xác định giá đất sẽ tính từ khi có quyết định giao đất (11/12/2020).
Hai khu đất 30,2 ha tại phường Bình Khánh và 30 ha tại Nam Rạch Chiếc sẽ được tính toán lại tiền sử dụng đất theo diện tích đất hoán đổi tương ứng với số tiền nhà đầu tư đã bỏ ra. Thời điểm tính tiền sử dụng đất là khi hoàn tất công tác thu hồi, bồi thường đất (20/11/2008). Với phần diện tích chưa nộp tiền sử dụng đất, giá đất được xác định tại thời điểm có quyết định giao đất (18/4/2017).
Từ năm 2022 đến nay, TP.HCM đã có hàng chục dự án bất động sản gặp vướng mắc pháp lý kéo dài nhiều năm. Các dự án này được chia thành 3 nhóm: Nhà ở xã hội, nhà ở thương mại không thuộc diện phải rà soát pháp lý và nhà ở thương mại nằm trong diện rà soát, thanh tra, kiểm tra.
Theo giới chuyên gia, việc tháo gỡ các rào cản pháp lý sẽ thúc đẩy nhiều thương vụ hợp tác để khôi phục các dự án cũ. Điều này không chỉ bổ sung nguồn cung nhà ở cho thành phố mà còn giúp thị trường bất động sản vận hành trơn tru hơn, góp phần kiềm chế đà tăng giá nhà đất trong thời gian tới./.
Đọc thêm
Sau khi trúng đấu giá với mức giá gần 570 tỷ đồng, Công ty cổ phần Ecopark Hải Dương đã chính thức được UBND tỉnh Đắk Lắk giao 4,3 ha "đất vàng" tại trung tâm TP. Buôn Ma Thuột để xây dựng tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn và nhà ở.
Dự án khu đô thị mới Eurowindow Sport Garden có quy mô 37ha, tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng, do Eurowindow Holding đầu tư, dự kiến sẽ "thay da đổi thịt" cho khu vực Tây Bắc TP. Vinh.
Bắc Ninh đang mời gọi đầu tư vào 2 dự án khu đô thị quy mô lớn, gồm Khu đô thị mới phía Tây Bắc TP. Bắc Ninh (48 ha, vốn 10.120 tỷ đồng) và Khu đô thị mới tại TP. Từ Sơn (30,5 ha, vốn 2.501 tỷ đồng).
Tin liên quan
Sở Xây dựng TP.HCM đang nghiên cứu, đề xuất các phương thức thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, nhằm đảm bảo không làm chậm tiến độ chấp thuận chủ trương đầu tư trên địa bàn.
Khu phức hợp Tháp Quan sát (Empire City), dự án thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm, sẽ được cấp sổ đỏ và thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung. Đây là một trong 5 dự án được giải quyết vướng mắc pháp lý, giúp đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện tại khu vực này.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Quyết định 1250 liên quan đến việc thành lập Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án.