Nhà ngay ngã ba có tốt không?
Phong thuỷ nhà ở là vấn đề mà bất cứ ai khi muốn mua nhà, thuê nhà đều quan tâm. Có một số quan niệm về vị trí căn nhà được cho là không tốt trong đó có nhà ở ngã ba đường. Vậy, nhà ngay ngã ba có tốt không?
Nhà ngay ngã ba có tốt không?
Báo điện tử VTC News dẫn lời chuyên gia phong thủy - Kiến trúc sư Phạm Cương cho biết: "Nhà bị đường 'đâm' có rất nhiều trường hợp, bản chất đường đâm vào nhà là năng lượng vào đột ngột nhiều quá. Như cơ thể người bình thường, mỗi bữa ăn 1-2 bát cơm thì hấp thụ tốt, không có vấn đề gì. Đường đâm giống như người bình thường mà phải ăn 4-5 bát cơm, thậm chí đường đâm mạnh, quá nhiều năng lượng sẽ như người ăn 10 bát cơm.
Vì thế chúng ta cần xem tương quan giữa ngôi nhà với con đường thế nào, xem độ dài ngắn của con đường ra sao đối với ngôi nhà. Thậm chí cầu kỳ hơn, phải xem tướng mạo, tích cách của gia chủ thế nào, có hợp với ngôi nhà hay không".
Ông Phạm Cương cho biết, ngôi nhà có ngã ba đường "đâm vào" là ngôi nhà có nhiều năng lượng, sẽ phù hợp với người tử tế, nhân hậu. Còn những người xấu, người không tốt nếu ở những ngôi nhà này một thời gian thường gặp vấn đề, hoặc chưa ở sẽ dễ gặp tai họa. Trường hợp đường nội bộ trong khu đô thị (đường ngắn) thì có thể chấp nhận được. Khi đó khoảng cách giữa ngôi nhà với con đường là khoảng 20-30m, lưu lượng giao thông không đáng kể, nếu đường này cấm ô tô xe máy thì càng tốt.
Theo chuyên gia Phạm Cương, cũng có trường hợp ngôi nhà bị đường "đâm vào" nhưng lại tốt, đó là khi một bên là dãy nhà, dãy bên kia là công viên. Con đường không bị hai dãy nhà hai bên nén khí mạnh. Với những ngôi nhà như thế, gia chủ thường rất phát, ăn nên làm ra.
Cách hoá giải khi nhà ở ngã ba đường
Theo các chuyên gia phong thuỷ, nếu những căn nhà ở ngã ba đường không gặp được những vị thế tốt thì bạn có thể hoá giải bằng một số những cách sau:
Muốn tránh bụi bặm bay vào nhà thì phải trồng cây để cản gió, lọc gió. Tốt nhất là dùng những cây phi lao, dừa, dừa kiểng, cau kiểng để cản gió do những cây này có gân lá nhiều và cứng mới có thể chống lực sinh sát của khí mạnh và lọc bụi tốt.
Ở trong nhà thì dùng thêm tấm bình phong đặt ở phòng khách để cản không cho khí đi xộc thẳng vào nhà mà bắt khí phải đi vòng, lưu chuyển uyển chuyển nhẹ nhàng để người nhà không bị “trúng gió”.
Bạn cũng có thể chuyển đổi vị trí cửa chính sang cung vị khác nhằm tránh hoàn toàn hướng con đường đâm tới.
Treo chuông gió, sáo trúc tại vị trí cửa ra vào có con đường đâm vào. Chuông gió hay sáo trúc được áp dụng và sử dụng rất rộng rãi. Nó có tác dụng đón lành tránh dữ, báo động và xua đi những luồng khí dữ, mời chào những luồng khí trong lành dẫn tới ngôi nhà.