Mặt bằng cho thuê để trống nhưng giá vẫn cao ngất ngưởng
Trong bối cảnh kinh doanh ngày càng khó khăn và giá thuê mặt bằng nhà phố leo thang, nhiều doanh nghiệp đã tìm đến các trung tâm thương mại hoặc ra khỏi khu vực trung tâm thành phố. Hệ quả là nhiều mặt bằng trống nhưng giá cả cho thuê vẫn giữ ở mức cao ngất ngưởng.
Tình trạng này đã kéo dài từ sau đại dịch Covid-19, với nhiều căn nhà mặt phố cho thuê tại TP.HCM rơi vào tình trạng ế ẩm.
Những con đường trung tâm như Lý Tự Trọng, Đồng Khởi, Lê Lợi, Hai Bà Trưng hay Nguyễn Huệ... nhiều mặt bằng đang bị bỏ trống, thậm chí một số nơi còn không có khách thuê suốt cả năm.
Dù thị trường kinh doanh ảm đạm, khách trả lại mặt bằng nhiều nhưng giá thuê tại các khu vực này vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt. Chẳng hạn, giá thuê tại một số tuyến đường như Đồng Khởi hiện đã vượt ngưỡng 100 triệu đồng/m2/tháng.
Theo dữ liệu từ Batdongsan.com.vn, trong nửa đầu năm 2024, giá thuê mặt bằng nhà phố TP.HCM tiếp tục tăng cao. Cụ thể, các khu vực như quận 1, 3, 4 và 2 cũ (nay là TP. Thủ Đức) đều tăng từ 25-40% so với cùng kỳ năm trước, chỉ có quận 7 ghi nhận sự giảm nhẹ hơn 4%.
Sự gia tăng giá thuê đã khiến nhiều thương hiệu lớn phải cân nhắc lại mặt bằng vị trí của mình. Starbucks Reserve là một ví dụ điển hình khi mới đây đã rời khỏi cửa hàng trên đường Hàn Thuyên với mức giá thuê lên đến 30.000 USD/tháng (tương đương khoảng 750 triệu đồng/tháng).
Ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Kinh doanh Batdongsan.com.vn nhận định, thị trường cho thuê nhà mặt phố TP.HCM vẫn chưa thực sự khởi sắc. Nhiều ngành hàng bán lẻ như thời trang và mỹ phẩm đã giảm nhu cầu thuê mặt bằng, một phần do sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử.
Trong khi đó, các chủ nhà phố tại trung tâm thường có dòng tiền tốt, vì vậy họ không chỉ tập trung vào việc cho thuê mà còn tìm cách nâng cao giá trị tài sản thông qua việc cho thuê với mức giá cao.
Bên cạnh giá thuê, sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng cũng buộc các chủ nhà phải xem xét lại chiến lược kinh doanh.
Theo báo cáo của NielsenIQ Việt Nam, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng trở nên tiết kiệm hơn. Nhiều người đã bắt đầu nấu ăn ở nhà và giảm chi tiêu cho các bữa ăn ngoài.
Cục Thống kê TP.HCM cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2024, dù doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng trưởng 2 chữ số, nhưng mức tăng này chủ yếu được đóng góp bởi nhóm ngành lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, nếu so với giai đoạn trước dịch, tiêu dùng tại Thành phố chỉ tăng 3% sau khi loại trừ yếu tố tăng giá. Mức tiêu dùng trong quý II cũng chậm lại so với quý I.
Trên thực tế, các thương hiệu đang có sự dịch chuyển mặt bằng rõ rệt từ nhà phố vào các trung tâm thương mại. Với ưu điểm về lượng khách hàng ổn định và không gian mua sắm tích hợp, nhiều thương hiệu hiện đang lựa chọn các trung tâm thương mại làm địa điểm kinh doanh chính.
Khảo sát của Cushman & Wakefield cho thấy, tỷ lệ lấp đầy trong các trung tâm thương mại tại TP.HCM đã đạt 90% trong quý II/2024.
Thêm vào đó, nguồn cung mặt bằng bán lẻ cũng đang dần dịch chuyển ra ngoài trung tâm thành phố, với nhiều dự án lớn được triển khai. Các giao dịch thuê mặt bằng trong nửa đầu năm nay đã tăng 26% so với năm trước, với sự tham gia của nhiều thương hiệu nổi tiếng như Muji và Uniqlo.
Tuy nhiên, không phải mọi trung tâm thương mại đều thành công trong việc thu hút khách thuê. Nhiều dự án vẫn gặp khó khăn do thiếu ý tưởng kinh doanh độc đáo và hấp dẫn. Mặc dù giá thuê mặt phố trung tâm vẫn cao, nhưng điều này không ngăn cản nhiều thương hiệu lớn tiếp tục tìm kiếm cơ hội tại các vị trí đắc địa.
Cũng theo ông Đinh Minh Tuấn, phân khúc này đang có sự giằng co giữa bên cho thuê không muốn giảm giá và bên thuê đang thận trọng hơn với bài toán chi phí. Khi nền kinh tế khởi sắc hơn, nhu cầu của các thương hiệu quốc tế tại những mặt bằng đắc địa sẽ tiếp tục gia tăng./.
Đọc thêm
Tin liên quan
Bài mới
Ngày 8/10, tại buổi họp báo thị trường bất động sản Hà Nội quý III/2024, bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc CBRE Việt Nam công bố thông tin nổi bật: Hà Nội sẽ chấm dứt tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà ở kéo dài 4 năm qua. Dự kiến, lượng căn hộ chung cư năm 2024 đạt gần 30.000 căn, nhưng giá vẫn tiếp tục duy trì đà tăng do nhu cầu thị trường cao.
Sau khi khởi kiện bất thành, BIDV đã quyết định đấu giá khoản nợ xấu trị giá hơn 5.700 tỷ đồng, được thế chấp bằng Dự án Kenton Node Hotel Complex - một dự án bất động sản đình đám tại TP.HCM. Dự án này từng được kỳ vọng là “thiên đường nhiệt đới” của khu Nam Sài Gòn nhưng hiện đang chìm trong khó khăn tài chính.
Trong thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, không chỉ các doanh nghiệp đang đối mặt với viễn cảnh ảm đạm, các nhà đầu tư cá nhân cũng trong trạng thái tương tự. Tuy nhiên, họ dùng cách thức khác. Một trong những cách đơn giản nhất, đó là “thoát hàng”, nhưng hy vọng ở thời điểm hiện tại gần như bằng 0.