Thanh tra Chính phủ chỉ ra loạt vi phạm tại các dự án của Novaland, Trung Thủy, Vinalines... khi "bắt tay" doanh nghiệp nhà nước xây nhà ở thương mại
Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ ra 12 lô đất, cơ sở đất thuộc quản lý của Bộ GTVT có sai phạm nghiêm trọng trong việc chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng.
Ngày 22/11, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã công khai kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở (giai đoạn 2011 - 2021) tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).
Kết luận thanh tra chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được còn tồn tại một số vi phạm, khuyết điểm…
Cụ thể, trong chuyển đổi đất sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở, TTCP nhận thấy có đến 12 lô đất, cơ sở đất do các doanh nghiệp trực thuộc Bộ GTVT quản lý vướng sai phạm.
Đầu tiên là cơ sở nhà đất số 108-112B-114 đường Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM, được Bộ GTVT và UBND TP.HCM cho Sasco liên doanh với Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova thực hiện Dự án xây dựng Khu thương mại căn hộ cao cấp Sasco khi chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Quá trình triển khai dự án, dù liên doanh chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính ngân sách nhà nước nhưng đã chuyển nhượng các căn hộ.
UBND TP.HCM chậm xác định tiền sử dụng đất, trong khi đó Công ty TNHH Nova Sasco chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước nhưng đã chuyển nhượng căn hộ, sản phẩm của dự án (tên thương mại là Botanica Premier - người viết) cho khách hàng là chưa đúng quy định.
Việc làm này là chưa thực hiện đúng quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 8 Quyết định 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ và khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013.
Đối với cơ sở nhà đất tại số 1 bến Vân Đồn, quận 4, Công ty cổ phần Đại lý hàng hải Việt Nam có thỏa thuận vốn góp 46,5 tỷ đồng để đầu tư trung tâm điều hành sản xuất kinh doanh (trước khi thuê đất trả tiền một lần) chưa đúng theo Luật Đất đai 2003.
Công ty CP Đại lý hàng hải Việt Nam thực hiện góp vốn ban đầu cũng chưa đúng và cũng chưa lập phương án cụ thể trình Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam phê duyệt.
Tương tự, là cơ sở đất 428 Nguyễn Tất Thành, quận 4,Thanh tra Chính phủ cũng đã kết luận, Công ty Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam, ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Trung Thủy Lancaster, thực hiện Dự án Căn hộ kết hợp thương mại dịch vụ chưa đảm bảo đúng trình tự.
Cụ thể là 2 công ty ký hợp đồng hợp tác trước thời điểm Công ty Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam có đầy đủ các quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013.
Cạnh đó, cơ sở đất 430 Nguyễn Tất Thành, quận 4 với diện tích hơn 4.600m2, do Cảng Sài Gòn và Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 4 là chủ đầu tư dự án.
Tuy nhiên, các đơn vị trên đã chuyển nhượng dự án trên đất theo hình thức thỏa thuận mà không tổ chức đấu giá.
Cụ thể, thửa đất được thỏa thuận chuyển nhượng cho Công ty Trung Thuỷ Lancaster với giá trị 150 tỷ đồng, cao hơn giá trị do đơn vị thẩm định giá lập theo giá môi trường là 18,7 tỷ đồng. Mặc dù vậy nhưng việc chuyển nhượng dự án này chưa được công ty MTV Dịch vụ công ích tổ chức đấu giá theo quy định.
Hiện, hai khu đất 428-430 Nguyễn Tất Thành, công ty Trung Thuỷ đã phát triển dự án Lancaster Lincoln nhưng đã phải dừng triển khai nhiều năm, gây lãng phí nguồn lực của xã hội.
Lô đất số 215 đường Lê Lợi, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An, TTCP kết luận khu này thuộc Cienco 4 nhưng bị Công ty mẹ của Cienco 4 chuyển nhượng cho Công ty TNHH Xây lắp tổng hợp miền Trung, theo thỏa thuận thị trường mà không đấu giá là sai phạm.
Dự án chuyển nhượng đất tại số 14 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, của Công ty CP Cầu 1 Thăng Long (với diện tích 1.138m2) cũng bị kết luận không xin phép ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT và Bộ Tài chính.
Tại Hà Nội, khu đất 16-18 Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm của Công ty Cơ khí Ngô Gia Tự đã thực hiện góp vốn không đúng quy định. Việc doanh nghiệp sử dụng để hợp tác, liên doanh đầu tư với Ngân hàng Thương mại CP quốc tế Việt Nam (VIB) thành lập pháp nhân mới là không đúng quy định về quyền và nghĩa vụ của người thuê đất trả tiền hàng năm...
Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần khi chưa có ý kiến của các bộ, ngành. UBND TP. Hà Nội thu hồi, giao đất và xác định tiền sử dụng khu đất này chưa đúng theo quy định.
Đối với 6 khu đất rộng gần 11.300 m2 tại cụm 9, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ do Bộ Giao thông Vận tải quản lý vướng sai phạm về chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Bộ Giao thông Vận tải và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chưa rà soát, kiểm tra phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.
Thanh tra Chính phủ nêu rõ, trên cơ sở đề nghị của Bộ GTVT, UBND TP. Hà Nội có văn bản chấp thuận về nguyên tắc cho Công ty Đầu tư và Xây dựng Nhà ở giao thông vận tải được lập phương án sử dụng đất. Việc này bị đánh giá làm không đúng về trình tự, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư.
Cơ sở đất tại số 53 thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, do Công ty TNHH MTV Ô tô 1/5 quản lý, sử dụng, nhưng đã chuyển nhượng tài sản không qua đấu giá, đồng thời chuyển mục đích sử dụng đất khi chưa có ý kiến các cấp có thẩm quyền.
Cụ thể, theo kết luận thanh tra, cơ sở nhà đất tại 53 thị trấn Đông Anh được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước; Công ty TNHH MTV Ô tô 1/5 là doanh nghiệp nhà nước được cho thuê đất trả tiền hàng năm cho mục đích sử dụng là cơ sở sản xuất kinh doanh nhưng Bộ GTVT lại có các văn bản chấp thuận cho Công ty TNHH MTV Ô tô 1/5 chuyển mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh sang xây nhà ở khi sắp xếp lại các cơ sở nhà đất khi không có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính là không đúng quy định.
Đồng thời, chấp thuận cho Công ty TNHH MTV Ô tô 1/5 sử dụng cơ sở nhà đất góp vốn hợp tác đầu tư với Công ty CP Bất động sản Vinalines để thành lập pháp nhân mới thực hiện dự án Khu thương mại dịch vụ và nhà ở 1/5 là không đúng quyền và nghĩa vụ của người thuê đất trả tiền hàng năm theo quy định tại Điều 175 Luật Đất đai năm 2013.
Như vậy, Bộ Giao thông Vận tải thống nhất phương án di dời chưa đúng với hướng dẫn của Bộ Tài chính. Khu đất này cũng không được xác định tiền sử dụng đất đúng theo quy định.
Cơ sở đất tại km 9+500 Nguyễn Trãi (nay là 53 Triều Khúc), quận Thanh Xuân, được Nhà nước giao cho Công ty TNHH Liên doanh Ô tô Hòa Bình liên doanh với nước ngoài xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô với thời gian sử dụng 30 năm. Tuy nhiên trên khu đất này, TTCP cho rằng việc UBND TP Hà Nội cho doanh nghiệp chuyển đổi mục đích một phần diện tích thành đất ở, dịch vụ, thương mại văn phòng là không đúng quy định.
Một cơ sở khác tại 44 Triều Khúc, quận Thanh Xuân, của Công ty CP Cơ khí ô tô Hòa Bình cũng được UBND TP Hà Nội cho phép doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng không đúng với phương án tại thời điểm thực hiện cổ phần hóa.
Cuối cùng là cơ sở đất 23.742m2 tại 199 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, của Nhà máy cơ khí công trình, khu đất từng được quy hoạch là đất an ninh do Tổng cục Hậu cần kỹ thuật (Bộ Công an) quản lý nhưng chưa hoàn thiện thủ tục về đất đai.
Theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm sai phạm tại các lô đất, cơ sở nhà đất nêu trên thuộc về Bộ GTVT, UBND TP.Hà Nội, UBND TP.HCM, Tổng cục Hậu cần kỹ thuật (Bộ Công an), Tổng Công ty Cienco và các doanh nghiệp liên quan.
TTCP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân lãnh đạo Bộ; kiến nghị UBND TP Hà Nội, TPHCM, Thừa Thiên- Huế, cùng một số địa phương xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có sai phạm./.
Đọc thêm
Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã ra thông báo về kết luận thanh tra đối với Tổng Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp, HoSE: DIG).
Hàng chục lô đất tại các huyện ven Hà Nội như Hoài Đức và Thanh Oai sắp được đưa ra đấu giá, với mức giá khởi điểm chỉ từ 5,3 - 7,3 triệu đồng/m2.
Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt vừa thông báo sẽ tổ chức đấu giá 20 lô đất vào ngày 4/11 tới. Các lô đất này thuộc Dự án Hạ tầng kỹ thuật đấu giá quyền sử dụng đất tại xã Tiền Yên, xứ đồng Lòng Khúc, huyện Hoài Đức (TP. Hà Nội).
Tin liên quan
Dự án Khu đô thị hỗn hợp Nha Trang có tổng mức đầu tư hơn 17.330 tỷ đồng, quy mô 226,7ha với cơ cấu dân số 20.000 người.
Thông tin mở bán nhà, dự án BĐS, đấu giá ngày 21/11 có các thông tin nổi bật sau: Đông Bắc Thủ đô sắp có thêm 1.700 căn hộ cao cấp; Tập đoàn T&T được nghiên cứu làm hai khu đô thị ở Lạng Sơn,....
Liên danh đầu tư dự án Khu đô thị Hiệp Hòa tại Đồng Nai với quy mô 293ha và vốn hơn 72.200 tỷ đồng, vừa đề xuất bổ sung thêm thành viên mới, nâng tổng số lên 6 đơn vị.
Bài mới
TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đánh giá cao vai trò của các phương tiện công nghệ truyền thông trong bối cảnh thị trường bất động sản trong nước ngày một phát triển và Home Today là một trong số đó.
Hơn 30.000 căn hộ mới sẽ đổ bộ Hà Nội trong năm 2025; TP.HCM đề xuất cơ chế cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê; Hà Nội 'thúc' các đơn vị trả nợ tiền thuê nhà, đất công; Novaland được gỡ vướng tại Aqua City, cấp sổ hồng hơn 7.000 căn tại TP.HCM... là những thông tin nổi bật của điểm tin BĐS - tài chính hôm nay (21/11).
Chính phủ vừa đề xuất thí điểm cho nhà đầu tư thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp để làm nhà ở thương mại trong 5 năm. Theo Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), cơ chế này không chỉ tháo gỡ khó khăn pháp lý cho các dự án đang vướng mắc vì thiếu yếu tố đất ở, mà còn tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường.