HoREA kiến nghị giảm lãi vay mua nhà ở xã hội xuống 4,7%: Người mua lẫn chủ đầu tư cùng hưởng lợi?
Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho rằng, nếu Thủ tướng chấp thuận mức lãi vay 4,7%/năm, không chỉ người mua, thuê nhà ở xã hội được hưởng ưu đãi mà cả chủ đầu tư dự án cũng có cơ hội vay vốn với lãi suất chỉ 5,64%/năm.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm thúc đẩy phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.
Trong đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết thị trường nhà ở hiện đang thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng. Đáng lo ngại là từ năm 2020 đến nay, phân khúc nhà ở cao cấp chiếm tỷ lệ áp đảo, trong khi nhà ở thương mại giá vừa túi tiền (dưới 3 tỷ đồng/căn) lại rất khan hiếm.
"Thậm chí, rất thiếu nhà ở xã hội dẫn đến giá nhà tăng liên tục và 'neo giá' rất cao vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị ngày càng khó tạo lập nhà ở", ông Châu nhấn mạnh.

Vì vậy, để thực hiện mục tiêu phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2030, HoREA kiến nghị Quốc hội ban hành "Nghị quyết thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội". Trong đó, cần đảm bảo nguyên tắc "một việc chỉ do một cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm" nhằm rút ngắn thời gian thực hiện quy trình, thủ tục hành chính.
Hiệp hội cũng đề xuất rằng "việc quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh chuẩn bị hồ sơ và trình UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư mà không phải thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư".
Quy định này tương tự như điều khoản đã được Luật Nhà ở 2023 đề cập: Việc quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thì cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh chuẩn bị hồ sơ và trình UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư mà không phải thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư.
Ngoài ra, HoREA đề nghị cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được điều chỉnh tăng hệ số sử dụng đất và quy mô dân số tối đa 1,5 lần so với quy chuẩn hiện hành. Điều này sẽ giúp tăng thêm đến 50% số lượng căn hộ trên cùng diện tích đất, góp phần sử dụng quỹ đất hiệu quả hơn.
Về chính sách vay vốn ưu đãi để thuê, mua nhà ở xã hội, ông Châu nhận định mức lãi suất vay tối đa 6,6%/năm hiện nay là quá cao và cần giảm xuống 4,7% là hợp lý.
Theo ông, nếu Thủ tướng chấp thuận mức lãi vay này tại Ngân hàng chính sách xã hội thì chẳng những người thuê, mua nhà được hưởng lãi suất ưu đãi mà cả chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng được vay với lãi suất chỉ 5,64%/năm, "bằng 120% lãi suất cho vay đối với đối tượng vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội quy định trong từng thời kỳ", theo quy định tại Nghị định 100.
Ngoài ra, ông Châu cũng chỉ ra một trong những rào cản lớn nhất hiện nay: "Từ thực tiễn tại TP. HCM, HoREA nhận thấy 'điểm nghẽn lớn nhất' là công tác 'thực thi pháp luật' hiện nay trong việc thực hiện quy trình, thủ tục hành chính đối với dự án nhà ở xã hội vẫn là sự phối hợp thiếu đồng bộ và đùn đẩy giữa các Sở, ngành, quận, huyện dẫn đến việc giải quyết thủ tục hành chính đối với dự án nhà ở xã hội rất chậm, mất rất nhiều thời gian, làm nản lòng doanh nghiệp".
Mới đây, HoREA cũng đề nghị Bộ Xây dựng trình Thủ tướng xem xét bổ sung vào Nghị định quy định công nhận "nhà trọ cho thuê dài hạn theo tháng, theo năm" cũng là một loại nhà ở xã hội, là "nhà ở riêng lẻ" do cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng cho thuê, mà người thuê chủ yếu là công nhân, lao động, người nhập cư, để cho các chủ nhà trọ được hưởng chính sách "ưu đãi về tín dụng, về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân"…/.
Đọc thêm
Thị trường bất động sản TP.HCM và cả nước được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2025. Tuy nhiên, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định đây là "năm bản lề" để tạo đà cho sự phát triển ổn định hơn từ năm 2026. Trên tinh thần đó, HoREA đã đề xuất 10 giải pháp nhằm thúc đẩy phân khúc nhà ở xã hội và thị trường bất động sản.
Báo cáo từ HoREA cho thấy, giá bán trung bình của hơn 1.600 căn hộ cao cấp tại TP.HCM trong 11 tháng đầu năm 2024 đã đạt 9,39 tỷ đồng mỗi căn. Trong khi đó, nguồn cung trên thị trường tiếp tục mất cân đối nghiêm trọng, với phân khúc nhà ở cao cấp áp đảo và nhà ở bình dân ngày càng khan hiếm.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa đưa ra đề xuất các cơ chế và giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng từ 69.700 - 93.000 căn nhà ở xã hội tại TP.HCM trước năm 2030.
Tin liên quan
Thị trường bất động sản TP.HCM và cả nước được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2025. Tuy nhiên, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định đây là "năm bản lề" để tạo đà cho sự phát triển ổn định hơn từ năm 2026. Trên tinh thần đó, HoREA đã đề xuất 10 giải pháp nhằm thúc đẩy phân khúc nhà ở xã hội và thị trường bất động sản.
Báo cáo từ HoREA cho thấy, giá bán trung bình của hơn 1.600 căn hộ cao cấp tại TP.HCM trong 11 tháng đầu năm 2024 đã đạt 9,39 tỷ đồng mỗi căn. Trong khi đó, nguồn cung trên thị trường tiếp tục mất cân đối nghiêm trọng, với phân khúc nhà ở cao cấp áp đảo và nhà ở bình dân ngày càng khan hiếm.