Triển vọng sáng cho nhà ở xã hội trong năm 2025
Các chuyên gia và doanh nghiệp nhận định rằng, việc các địa phương tích cực vào cuộc cùng với sự "mở cửa" của nhiều chính sách mới sẽ mang đến triển vọng tích cực cho thị trường nhà ở xã hội trong năm 2025.
Chính sách mới thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nhà ở xã hội
Bà Phạm Thị Miền, Phó trưởng ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn, xúc tiến đầu tư của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), nhận định rằng nguồn cung nhà ở xã hội sẽ có sự cải thiện rõ rệt trong năm 2025.
"Luật mới đã mở ra nhiều điểm sáng trong hoạt động đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Đơn cử, quy định hiện hành cho phép doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp được thuê lại nhà lưu trú công nhân để bố trí cho người lao động thuê lại", bà Miền chia sẻ.
Theo bà Miền, không chỉ mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội, Luật Nhà ở 2023 còn bổ sung các đơn vị được phép tham gia phát triển dự án. Quy định này sẽ khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia mạnh mẽ vào lĩnh vực nhà ở xã hội.
"Bên cạnh khoản lợi nhuận tối đa 10%, chủ đầu tư dự án còn có thể nhận thêm lợi nhuận từ phần diện tích công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại - chiếm 20% diện tích phát triển dự án", bà Phạm Thị Miền nhận định.
Cùng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho rằng Luật Nhà ở 2023 đã tạo ra một khung pháp lý vững chắc, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ vào lĩnh vực nhà ở xã hội.
"Luật mới có nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội, như miễn tiền thuê đất, sử dụng đất, giảm thiểu quy trình thủ tục, mở rộng đối tượng mua và cơ chế linh hoạt trong việc bố trí quỹ đất 20% dành cho nhà ở xã hội", TS. Cấn Văn Lực đánh giá.
Theo ông Lực, gói tín dụng 145.000 tỷ đồng từ 9 ngân hàng đăng ký cho vay sẽ không bị tính vào hạn mức tăng trưởng tín dụng, theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Giới phân tích cho rằng quy định này sẽ giúp các ngân hàng có đủ dư địa để hỗ trợ các dự án nhà ở xã hội mà không bị giới hạn bởi "room" tín dụng.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân, nhận định rằng phân khúc nhà ở xã hội sẽ có triển vọng tươi sáng hơn trong năm 2025 nhờ các chính sách ưu đãi từ Nhà nước.
Ông Tuấn dẫn chứng, trong năm 2025, doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội có thể được miễn tiền thuê, sử dụng đất, không phải thực hiện các thủ tục xác định giá đất hay xin miễn tiền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng ưu đãi về thuế giá trị gia tăng (VAT), thu nhập doanh nghiệp, mở rộng đối tượng mua và cơ chế linh hoạt trong việc bố trí quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội. Các địa phương cũng hỗ trợ hoàn thiện thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi về quỹ đất cho chủ đầu tư thực hiện các dự án này.
Địa phương đồng loạt tăng cường phát triển nhà ở xã hội
Báo cáo từ Bộ Xây dựng cho biết, trong năm 2024, cả nước đã hoàn thành 108 dự án, cung cấp tổng cộng 47.532 căn nhà ở xã hội. Dự kiến trong năm 2025, với các số liệu đăng ký từ các địa phương, cả nước sẽ có thêm 135 dự án, tương đương gần 101.900 căn.
Tại TP.HCM, 21 doanh nghiệp đã đăng ký xây dựng 52.000 căn nhà ở xã hội trên quỹ đất tự tạo lập, cùng với 8.000 căn từ 7 khu đất mời gọi đầu tư và 10.000 căn từ nguồn đầu tư công. Thành phố đặt mục tiêu hoàn thành 70.000 căn nhà ở xã hội vào năm 2030, đồng thời giảm bớt thủ tục hành chính và tạo quỹ đất phục vụ phát triển phân khúc nhà ở này.
Tại Hà Nội, 11 dự án nhà ở xã hội, tương đương gần 6.000 căn (khoảng 345.000 m2 sàn), dự kiến sẽ được bàn giao trong năm nay. Thành phố cũng có kế hoạch phát triển thêm 50 dự án mới trong 5 năm tới, với tổng quy mô 57.200 căn.
Không chỉ các thành phố lớn, nhiều địa phương khác cũng triển khai kế hoạch phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp.
Tại Đồng Nai, 8.800 căn nhà ở xã hội sẽ được khởi công ngay trong năm nay. Tương tự, Bình Dương tiếp tục triển khai 26.552 căn và áp dụng các chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp tham gia phân khúc này. Các địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Cà Mau... cũng đang lên kế hoạch xây dựng hàng nghìn căn nhà ở xã hội trong 5 năm tới./.
Đọc thêm
Đề nghị này được doanh nghiệp nêu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Bình hôm 15/1. Theo đó, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đề xuất ý tưởng thực hiện khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Bàu Sen.
Khu phức hợp Tháp Quan sát (Empire City), dự án thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm, sẽ được cấp sổ đỏ và thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung. Đây là một trong 5 dự án được giải quyết vướng mắc pháp lý, giúp đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện tại khu vực này.
Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Trí Dương vừa tổ chức Lễ khởi công xây dựng khu đô thị ven sông Vinh - dự án bất động sản đầy tiềm năng tại trung tâm TP. Vinh, tỉnh Nghệ An.
Tin liên quan
Hà Nội vừa phê duyệt cập nhật 72 dự án nhà ở và khu đô thị đợt 4, trong đó có 8 dự án nhà ở xã hội. Bên cạnh các dự án nhà ở thương mại, Hà Nội cũng đặc biệt quan tâm đến các dự án tái định cư.
Về phát triển nhà ở xã hội (NOXH), trong năm 2025, Đà Nẵng hoàn thành một dự án nhà ở xã hội với 728 căn, lựa chọn chủ đầu tư 2 dự án gần 2.000 căn, chấp thuận chủ trương và kêu gọi đầu tư 5 dự án khoảng 3.300 căn.
Mục tiêu hoàn thành hơn 100.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2025 được Chính phủ nêu ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP, nhằm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.
Bài mới
Theo báo cáo mới nhất của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, tỷ lệ đất dành cho nhà ở xã hội tại Khu đô thị Thanh Hà chỉ đạt 13,8%, thấp hơn nhiều so với quy định. Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đề xuất tăng diện tích đất dành cho xây dựng nhà ở xã hội, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhà ở cho người dân trong giai đoạn 2021-2025.