Các cơn bão mạnh nhất trong lịch sử Việt Nam
Trước siêu bão số 3 mang tên Yagi đang đổ bổ thì các cơn bão mạnh nhất trong lịch sử Việt Nam là những bão nào? Cùng Hometoday điểm lại chi tiết ngay sau đây:
Bài viết này thuộc series Bão số 3 - Yagi
Cập nhật những thông tin mới nhất, hậu quả và những bài học đắt giá rút ra từ cơn bão số 3 (Yagi).
Việt Nam là đất nước thường xuyên phải đón bão
Việt Nam là quốc gia nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, với vị trí địa lý đặc biệt khiến nước ta thường xuyên phải hứng chịu những cơn bão từ Biển Đông.
Những cơn bão lớn không chỉ gây thiệt hại về người và của mà còn tác động nghiêm trọng đến kinh tế và đời sống của người dân.
Hiện nay, bão số 3 Yagi đang đổ bộ vào đất liền với tốc độ cực mạnh. Cùng điểm qua những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử Việt Nam và những hậu quả mà chúng để lại.
Các cơn bão mạnh nhất trong lịch sử Việt Nam
- Bão Linda (1997) – Thảm họa kinh hoàng ở miền Nam
Ngày 1/11/1997, một vùng áp thấp cách quần đảo Trường Sa khoảng 300 km về phía đông đông nam và nhanh chóng mạnh lên thành cơn bão thứ năm ở biển Đông, tên quốc tế là Linda.
Bão di chuyển nhanh, đến sáng 2/11/1997 đạt cường độ cấp 9-10 (sức gió 105 km/h), cách Côn Đảo 100 km về phía đông. Đêm 2/11, tâm bão đi vào Bạc Liêu - Cà Mau, ảnh hưởng hầu hết miền Tây Nam Bộ.
Toàn khu vực có hơn 770 người chết, 2.120 người mất tích, 1.230 người bị thương, chủ yếu là ngư dân. Hơn 3.000 tàu bị đánh chìm. 107.890 nhà bị đánh sập, 120.000 ha nuôi trồng thủy sản và 320.000 ha lúa bị ngập. Ước tính thiệt hại vật chất là 7.200 tỷ đồng. Trong đó, riêng Cà Mau có 128 người chết, 1.164 người mất tích và 600 người bị thương.
- Bão Doksuri (2017) – Cơn bão mạnh nhất trong 10 năm qua
Bão Doksuri, còn gọi là bão số 10 năm 2017, được xem là một trong những cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào miền Trung Việt Nam trong suốt một thập kỷ.
Với sức gió lên tới 135 km/h, cấp độ gió bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 15, sức phá hoại cực kỳ lớn, nhiều công trình hư hỏng, Doksuri gây ra thiệt hại nặng nề cho các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình. Hàng trăm nghìn ngôi nhà bị tốc mái, hệ thống điện bị tê liệt và hàng nghìn ha hoa màu bị phá hủy.
Sau khi bão tan, thiệt hại ước tính lên đến hàng ngàn tỷ đồng, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân các tỉnh miền Trung.
- Bão Sơn Tinh (2012) – Cơn bão tấn công Bắc Bộ
Bão Sơn Tinh là một cơn bão mạnh tấn công vào khu vực Bắc Bộ với sức gió lên tới 150 km/h.
Bão Sơn Tinh ngoài đặc điểm có tốc độ di chuyển ban đầu rất nhanh lên tới 25 - 30 km/h khi vào Biển Đông. Với vận tốc di chuyển, các chuyên gia khí tượng đánh giá, là “cơn bão nhanh nhất trong gần 10 năm qua”.
Bão quần thảo trên khu vực cách ven biển các tỉnh Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình dưới 100 km. Bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 14 hoành hành suốt nhiều giờ mưa lớn suốt đêm.
Bão Sơn Tinh năm 2012 đi qua, thống kê thiệt hại do bão hơn 7.500 tỷ đồng, các tỉnh thiệt hại nặng nề chủ yếu là Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng,… Nhiều người chết và mất tích. Tháp truyền hình cao 180 m, trị giá hàng hàng chục tỷ đồng ở TP Nam Định bị bão quật đổ.
- Bão Xangsane (2006) – Tàn phá Đà Nẵng và miền Trung
Bão Xangsane đổ bộ vào Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung với sức gió đạt 150 km/h. Đây là một trong những cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ vào khu vực này, gây ra hàng loạt thiệt hại lớn về người và tài sản. Hơn 70.000 ngôi nhà bị phá hủy, nhiều người chết và mất tích, và hàng trăm nghìn người dân bị mất nhà cửa.
Cơn bão lớn nhất tại miền Trung trong vài chục năm qua đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 6 người, làm bị thương hàng trăm người. Hàng nghìn người dân Đà Nẵng, Quảng Nam khóc ròng trước cảnh tan hoang.
Xangsane không chỉ phá hủy hạ tầng cơ sở, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch và nông nghiệp tại khu vực này.
- Bão Damrey (2017) – Cơn bão gây thiệt hại lớn tại miền Trung
Bão Damrey, hay bão số 12 năm 2017, là cơn bão mạnh nhất trong năm đó, tấn công vào khu vực Nam Trung Bộ với sức gió lên tới 135 km/h.
Damrey gây ra lũ lụt lớn tại nhiều tỉnh thành như Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định. Hơn 100 người thiệt mạng, hàng ngàn ngôi nhà bị sập và thiệt hại kinh tế lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Bão được cộng hưởng của không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống khiến nó tăng cấp khi gần bờ, tăng thêm 2 cấp (từ cấp 10 lên cấp 12) trong 6 tiếng. Thậm chí khi vào đất liền, một số nơi có gió mạnh cấp 13.
Bão mạnh và hoành hành trên đất liền quá lâu (đổ bộ từ 6h đến 14h vẫn còn trên khu vực Tây Nguyên), phạm vi ảnh hưởng rất rộng, gây gió mạnh, mưa to suốt từ Thừa Thiên Huế tới Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên.
Các cơn bão mạnh trong lịch sử Việt Nam đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, đồng thời tác động lớn đến kinh tế và đời sống của hàng triệu người dân.