Cầu Tứ Liên sẽ khởi công vào quý III/2025, cam kết hoàn thành "xứng tầm"
Cầu Tứ Liên, một trong những dự án cầu qua sông Hồng lớn nhất tại Hà Nội, dự kiến khởi công vào quý III/2025. Vingroup cam kết hoàn thành công trình đúng tiến độ và chất lượng, xứng tầm với một biểu tượng mới của Thủ đô.
Theo UBND TP. Hà Nội, dự án cầu Tứ Liên là một trong những công trình giao thông trọng điểm của Thủ đô, thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025. Cùng với đó, dự án nằm trong quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng phê duyệt.
Kỳ vọng khởi công vào Quý III/2025
Mới đây, thông tin với báo chí, ông Phan Trường Thành - Trưởng phòng Kế hoạch & Tài chính của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cho biết Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã chính thức đồng ý đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cầu vượt sông Hồng quan trọng, đặc biệt là cầu Tứ Liên, nhằm giảm tải cho các cầu hiện tại.
Theo quy hoạch, Cầu Tứ Liên sẽ nối liền hai bờ sông Hồng, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển khu vực phía Bắc sông theo định hướng mới của Thủ đô.
Đặc biệt, đoạn đường dẫn vào cầu sẽ kết nối trực tiếp với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và gia tăng khả năng tiếp cận Vành đai 3 phía Bắc.
Cầu Tứ Liên có tổng chiều dài 2,9km, trong đó cầu chính dài 1km với 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp và 2 làn đi bộ, theo thiết kế của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội.
Thành ủy Hà Nội đã đưa dự án vào chương trình 03, xác định đây là công trình thuộc nhóm đặc biệt quan tâm. Ban đầu, dự án sẽ được triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP), nhưng hiện nay, đã quyết định đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách công.
Theo kế hoạch, toàn bộ nguồn vốn cho cầu Tứ Liên sẽ được huy động từ ngân sách thành phố Hà Nội. Cụ thể, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn tất thẩm định và trình HĐND TP. Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 1/2025, làm cơ sở cho các bước tiếp theo.
Theo quy định mới của Luật Thủ đô (sửa đổi), từ ngày 1/1/2025, dự án cầu Tứ Liên sẽ thuộc thẩm quyền phê duyệt của HĐND TP. Hà Nội. Vì vậy, các cơ quan chức năng kỳ vọng sẽ hoàn tất thủ tục chủ trương đầu tư vào quý I/2025, phê duyệt phương án và chọn đơn vị thực hiện vào quý II/2025 và dự kiến khởi công vào quý III/2025.
Để đáp ứng kỳ vọng phát triển khu vực phía Bắc Thủ đô, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã đề xuất nghiên cứu triển khai dự án theo hình thức hợp đồng EPC (Thiết kế - Cung cấp thiết bị - Xây lắp - Bàn giao), nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Vingroup và Tập đoàn Thái Bình Dương hợp tác xây dựng cầu Tứ Liên
Giữa tháng 11 vừa qua, UBND TP. Hà Nội đã phân công Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn làm việc với Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) và Tập đoàn Vingroup để trao đổi và thống nhất phương án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả, đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng.
Vingroup là một trong những tập đoàn đa ngành lớn nhất Việt Nam, đã khẳng định được vị thế trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong ngành giao thông.
Tập đoàn này đã có kinh nghiệm triển khai thành công các dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn như tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2 (từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở), hoàn thành vượt tiến độ 3 tháng (khởi công ngày 22/4/2018 và thông xe vào tháng 1/2023).
Mặc dù có khối lượng công việc rất lớn, dự án đã thể hiện sự nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của Vingroup và các nhà thầu trong việc đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và tiến độ.
Khi gửi đề xuất lên UBND TP. Hà Nội, Vingroup cam kết sẽ hoàn thành cầu Tứ Liên đúng tiến độ và chất lượng, xứng tầm là một trong những công trình biểu tượng mới của Thủ đô.
Vào giữa tháng 10, Tập đoàn Vingroup đã gửi đề xuất tham gia đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (Hợp đồng BT), đồng thời mong muốn đóng góp vào sự phát triển của hạ tầng giao thông Thủ đô.
Cùng tham gia dự án này, Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (CPCG) - một trong những doanh nghiệp tư nhân hàng đầu thế giới trong ngành xây dựng và công trình, cũng cam kết đóng góp vào sự thành công của cầu Tứ Liên.
Năm 2023, tập đoàn này đạt doanh thu gần 79,5 tỷ USD và lợi nhuận khoảng 5,2 tỷ USD. Tập đoàn Thái Bình Dương là một trong những nhà thầu lớn nhất tại Trung Quốc, chuyên về xây dựng cao tốc, khu đô thị, công trình thuỷ lợi và nhiều dự án quy mô lớn khác.
Với gần 3.000 khu công nghiệp và các dự án đô thị trên khắp Trung Quốc, tập đoàn này có kinh nghiệm trong việc áp dụng các hình thức hợp đồng BT, BTO, EPC và PPP.
Tập đoàn Thái Bình Dương cũng đã tham gia vào các dự án trọng điểm tại Trung Quốc như các tuyến cao tốc Thượng Hải - Nam Kinh, Bắc Kinh - Thượng Hải và nhiều dự án khác, nổi bật với phong cách thi công nhanh chóng và chất lượng công trình hàng đầu.
Tại Việt Nam, tập đoàn đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với UBND TP. Hà Nội và Sở GTVT Hà Nội để nghiên cứu đầu tư và xây dựng một số dự án trọng điểm, trong đó bao gồm cầu Tứ Liên và đường dẫn từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.
Dự án huyết mạch, biểu tượng mới của Thủ đô Hà Nội
Theo quy hoạch, cầu Tứ Liên và đoạn đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên sẽ có tổng chiều dài khoảng 11,5km. Trong đó, cầu Tứ Liên dài 2,9km, với cầu chính dài 1km, gồm 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp và 2 làn dành cho người đi bộ.
Cầu Tứ Liên sở hữu nhịp chính dài 1.000m, với khoảng cách giữa các trụ lên đến 500m và tháp cầu cao 158m. Đặc biệt, cầu có khả năng chịu được động đất cấp 8, mang lại sự an toàn vượt trội cho người sử dụng.
Là cầu dây văng kết hợp với văng xoắn, cầu Tứ Liên tạo ra những nhịp lớn nhờ hệ khung kết cấu thép nhẹ. Các trụ cầu chính được thiết kế độc đáo và kỳ vọng sẽ trở thành một biểu tượng mới, thể hiện sức mạnh và sự phát triển của Hà Nội.
Dự án cầu Tứ Liên được thiết kế để bắc qua sông Hồng, nối liền bờ Tây với khu vực dọc tuyến đường Âu Cơ - Nghi Tàm (thuộc quận Tây Hồ) và bờ Đông với huyện Đông Anh.
Với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 26.000 tỷ đồng, cầu Tứ Liên sẽ không chỉ tạo nên một điểm nhấn trong hệ thống giao thông Thủ đô mà còn góp phần giải quyết tình trạng tắc nghẽn tại các tuyến đường huyết mạch.
Cầu Tứ Liên sẽ có các nút giao quan trọng như nút giao Nghi Tàm, nút giao Hữu Hồng, nút giao kết nối bãi giữa, nút giao Tả Hồng và nút giao quốc lộ 5 kéo dài.
Khi hoàn thành, cầu sẽ giảm áp lực cho các cầu hiện tại như cầu Nhật Tân, Long Biên, Chương Dương, đồng thời tăng hiệu quả phân luồng giao thông, giúp giảm thiểu ùn tắc và nâng cao chất lượng kết nối giao thông cho Thủ đô./.
Đọc thêm
Đồng Nai dự kiến đấu giá 37 khu đất trong năm 2025, với tổng giá trị ước tính khoảng 18.000 tỷ đồng. Hiện 16 khu đất đã đủ điều kiện, 21 khu còn lại đang hoàn thiện thủ tục cần thiết. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đã làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương để triển khai kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất.
Để tránh tình trạng đầu cơ, bong bóng bất động sản, Bộ Tài chính trình phương án có thể nghiên cứu để thực hiện thu thuế đối với thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ.
Đầu tháng 12/2024, dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall trị giá hơn 5.000 tỷ đồng sẽ chính thức khởi công tại Bãi Cháy, TP. Hạ Long, Quảng Ninh.
Tin liên quan
CapitaLand tuyên bố 99% căn hộ Lumi Hà Nội đã có chủ; Vingroup đề xuất xây cầu Tứ Liên mở ra cơ hội lớn cho một lĩnh vực; Cầu đi bộ hình lá dừa nước nối đôi bờ sông Sài Gòn do Nutifood tài trợ là dự án trọng điểm... là những thông tin nổi bật của điểm tin BĐS - tài chính hôm nay (19/10).
UBND TP. Hà Nội thống nhất chủ trương thực hiện 3 cây cầu lớn vượt sông Hồng, gồm: Cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo và cầu Ngọc Hồi bằng nguồn vốn đầu tư công.