Thủ tướng yêu cầu công khai, minh bạch các gói tín dụng nhà ở xã hội
Công điện số 122/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu công khai, minh bạch các gói tín dụng nhà ở xã hội, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng để tránh tiêu cực và ách tắc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 122/CĐ-TTg ngày 27/11/2024 gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam về tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024.
Theo công điện, Thủ tướng chỉ ra, trong nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là chịu thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3, thiên tai, lũ lụt gây ra ở nhiều địa phương, việc tiếp cận tín dụng còn khó khăn, nợ xấu của ngân hàng tăng.
Chính vì vậy, để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả điều hành tín dụng năm 2024, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tăng trưởng kinh tế và phấn đấu hoàn thành cao nhất toàn bộ các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 theo các chủ trương, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì cùng các cơ quan theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực.
Cụ thể, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, việc thay đổi và điều chỉnh chính sách tài chính, tiền tệ của các nền kinh tế lớn để phân tích, có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả.
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác.
Trong đó tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp về điều hành lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng, điều hành thị trường mở, lượng tiền cung ứng, giảm mặt bằng lãi suất cho vay… để cung ứng vốn cho nền kinh tế với chi phí hợp lý.
Đưa tiền ra và hút tiền về nhịp nhàng, đồng bộ, hợp lý, không giật cục và tạo áp lực thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục nhanh hậu quả cơn bão số 3, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, NHNN cũng khẩn trương thực hiện quyết liệt, hiệu quả, kịp thời các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát. Đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Bảo đảm đưa vốn tín dụng vào nền kinh tế thực chất, hiệu quả nhất, tuyệt đối không để ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm, không đúng địa chỉ, tạo cơ chế xin cho, tiêu cực trong việc cấp tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng. Thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 ở mức 15%.
Thực hiện có hiệu quả và mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp theo thẩm quyền để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, tạo doanh thu, lợi nhuận và trả nợ vay cho ngân hàng.
Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…
Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục có chính sách tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp, người dân. Đẩy mạnh cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Giảm mặt bằng lãi suất cho vay thông qua tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…
Thêm vào đó, NHNN cũng cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục chủ động rà soát, tổng hợp khách hàng đang vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3 để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng thông qua các biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay.
Ngoài ra, tiếp tục cho vay mới nhằm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau cơn bão theo quy định hiện hành, thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại theo quy định.
Thủ tướng nhấn mạnh, đẩy mạnh, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng, công bố lãi suất của các tổ chức tín dụng, kịp thời xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp vi phạm; có giải pháp hiệu quả kịp thời xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc trực tiếp chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Công điện này. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao./.
Đọc thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 112/CĐ-TTg ngày 6/11/2024, chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tập trung xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng, tạm dừng thi công, đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thiện và đưa vào sử dụng để tránh lãng phí, thất thoát.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố đang thẩm định chủ trương đầu tư 4 khu nhà ở xã hội tại các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Minh Ngân yêu cầu lãnh đạo TP. Hà Nội khẩn trương rà soát bảng giá đất hiện hành theo Luật Đất đai 2013, nhằm điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Tin liên quan
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai thi hành Luật Đất đai. Các nội dung được giao quy định chi tiết trong Luật Đất đai và các nghị định thi hành phải hoàn thành trước ngày 15/10/2024.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 82/CĐ-TTg chỉ đạo các cơ quan liên quan kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất.
Mới đây, trong Hội nghị Thường trực Chính phủ, các ngân hàng thương mại cổ phần đã đưa ra các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội, trong đó bao gồm cả lĩnh vực bất động sản.