Đấu giá đất huyện Phúc Thọ: Giá trúng cao nhất 60 triệu đồng/m2
Huyện Phúc Thọ (TP. Hà Nội) vừa đấu giá thành công 39 thửa đất, giá cao nhất 60 triệu đồng/m2, gấp 2,6 lần mức khởi điểm.
Bài viết này thuộc series Thông tin mở bán nhà, dự án BĐS, đấu giá hàng ngày
Thông tin mới nhất về mở bán nhà, dự án bất động sản, đấu giá đất, đấu thầu ở Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh và các thành phố, địa phương trên cả nước.
Sáng nay (29/8), Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phúc Thọ (TP. Hà Nội) đã tiến hành tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với 30 thửa đất thuộc khu Dộc Tranh, xã Trạch Mỹ Lộc và 9 thửa đất thuộc khu Đồng Phươm, xã Thọ Lộc (Phúc Thọ).
Cụ thể, mỗi thửa đất tại khu Dộc Tranh, xã Trạch Mỹ Lộc có diện tích dao động trong khoảng từ 96-149 m2. Với mức giá khởi điểm là 23,4 triệu đồng/m2, tương đương số tiền đặt cọc từ 450 triệu đến gần 700 triệu đồng/thửa.
Hơn 350 người tham gia đấu giá trực tiếp quyền sử dụng đất sáng nay.
Với 9 thửa đất tại khu Đồng Phươm, xã Thọ Lộc có diện tích gần 235m2. Mức giá khởi điểm của các lô này là 19,8 triệu đồng/m2, tương đương số tiền đặt cọc gần 535 triệu đồng/thửa.
Đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phúc Thọ cho biết, huyện đã nhận được tổng cộng 650 hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá hợp lệ và có hơn 350 người tới tham gia hoạt động đấu giá trực tiếp.
Kết quả sơ bộ, toàn bộ 39 lô đất đều đã bán đấu giá thành công. Trong đó, lô cao nhất trúng với giá 60 triệu đồng một m2, gấp 2,6 lần mức khởi điểm. Lô đất này có ký hiệu ĐG06, diện tích gần 149 m2.
Hình ảnh về những lô đất tại huyện Phúc Thọ được đấu giá thành công.
Đặc biệt, khác với phiên đấu giá tại Hoài Đức ngày 19/8 khi người tham gia phải trả giá qua nhiều vòng và tối thiểu qua 6 vòng, tại phiên đấu giá huyện Phúc Thọ sáng nay, người tham gia viết phiếu trả giá trong một lần. Ngay sau đó, đấu giá viên xem xét các phiếu công khai tại chỗ để xác định người trúng theo nguyên tắc trả cao nhất cho một m2 của lô đất.
Nghị định 10/2023 quy định, mức tiền đặt cọc khi tham gia đấu giá là 20% giá trị thửa đất tính theo giá khởi điểm. Tức giá khởi điểm càng cao, số tiền đặt cọc càng lớn. Tại phiên đấu giá huyện Phúc Thọ, nhà đầu tư phải đặt trước tối thiểu 450-700 triệu đồng một lô, cao hơn 3,5-4 lần so với mức cọc của hai phiên đấu giá ở Thanh Oai và Hoài Đức trước đó.
Vì vậy, giá trúng và khởi điểm trong phiên này có biên độ chênh lệch thấp hơn nhiều so với những phiên đấu giá trước đó.
Gần đây, việc đấu giá đất tại các huyện vùng ven Hà Nội gây xôn xao dư luận khi phiên đấu giá 19 thửa đất tại khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức (Hà Nội) tổ chức xuyên đêm được xem có nhiều điểm bất thường. Các lô đất được đem đấu giá có diện tích từ 74-118 m2, khởi điểm từ 7,3 triệu/m2. Tuy nhiên, theo kết quả sơ bộ, toàn bộ lô đất đều đã bán đấu giá thành công. Đáng chú ý, lô cao nhất trúng với giá 133 triệu đồng/m2, gấp hơn 18 lần giá khởi điểm. Lô đất có giá trúng thấp nhất tại phiên này là 91,3 triệu đồng/m2 nhưng mức giá này vẫn cao gấp 12,5 lần giá khởi điểm.
Trước đó, phiên đấu giá tại huyện Thanh Oai có giá trúng đấu giá trên 100 triệu đồng/m2. Mức giá này được nhiều nhà đầu tư, chuyên gia nhận xét vượt giá trị thực so với các lô đất cùng khu vực (từ 40-60 triệu đồng/m2).
Sau đó, UBND TP. Hà Nội lập tức có văn bản yêu cầu các địa phương kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm (nếu có). Theo UBND TP. Hà Nội, việc trúng giá cao bất thường có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh, thị trường nhà ở, bất động sản.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng cho biết, Sở đang phối hợp với công an TP. Hà Nội xác minh, làm rõ việc liên kết, thổi giá đất của một số đối tượng liên quan.
Sau đó, một số quận, huyện của Hà Nội đã bất ngờ thông báo dừng đấu giá đất trên địa bàn trong tháng 9./.
Đọc thêm
Sáng nay (29/8), rất đông người đang tham gia đấu giá đất đối với 30 thửa đất thuộc khu Dộc Tranh, xã Trạch Mỹ Lộc và 9 thửa đất khu Đồng Phươm, xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội
Trong tháng 9 này, 86 thửa đất vùng ven Hà Nội tọa lạc tại các huyện Mỹ Đức và Phúc Thọ sẽ được đưa ra đấu giá.
Tin liên quan
Theo kế hoạch, ngày 7/9, quận Hà Đông sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với 27 thửa đất trên địa bàn 3 phường nhưng quận này lại vừa thông báo tạm hoãn phiên đấu giá và chưa xác định ngày mở lại.
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), số lượng người tham gia đấu giá lớn tại những cuộc đấu giá đất vùng ven Hà Nội vừa diễn ra là hoàn toàn bình thường, còn mức giá trúng quá cao lại “bất thường”.
Bài mới
Ông Lê Đình Chung, Thành viên Tổ công tác Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định, việc dùng dữ liệu từ 2 năm qua để xác định giá đất ở các thị trường bất động sản chưa hồi phục là bất hợp lý, vì có thể trùng với giai đoạn "nóng sốt". Điều này dễ dẫn đến việc định giá không phản ánh đúng tình hình thực tế hiện nay.
Trong bối cảnh nhu cầu nhà liền thổ tăng mạnh, giới đầu tư có xu hướng săn tìm sản phẩm tiềm năng với vốn ban đầu chỉ từ 3 tỷ đồng và cam kết lợi nhuận hấp dẫn. Dự án phía Đông Thủ đô hiện là điểm đến được ưa chuộng hàng đầu bởi quy hoạch bài bản, tiện ích đẳng cấp, chính sách hấp dẫn, đảm bảo sinh lời bền vững.
Tỉnh này đang nhanh chóng trở thành "thiên đường du lịch mới" với sự phát triển mạnh mẽ của các dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Tính đến quý III/2024, tỉnh đã thu hút 44 dự án với tổng diện tích lên tới 447,4 ha và tổng mức đầu tư 63.547 tỷ đồng. Những tên tuổi lớn như Hòa Phát, VSIP và Becamex đang dẫn đầu trong việc đổ nguồn vốn "khủng" vào phát triển thị trường này.
Nhờ dòng FDI ổn định và hạ tầng phát triển, thị trường bất động sản Việt Nam thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư ngoại vào nhiều phân khúc. Báo cáo quý III/2024 từ Savills cho thấy, Việt Nam với nền kinh tế vững mạnh đã trở thành một điểm sáng tại châu Á - Thái Bình Dương, lôi cuốn sự chú ý của các "ông lớn" ngoại vào lĩnh vực như nhà ở, công nghiệp và bán lẻ.