Sơn La rót hơn 15.000 tỷ đồng để phát triển Quỳnh Nhai thành khu du lịch quốc gia
Với quyết tâm đưa Quỳnh Nhai trở thành một "viên ngọc" du lịch mới của Tây Bắc, tỉnh Sơn La vừa phê duyệt quy hoạch quy hoạch phát triển huyện Quỳnh Nhai trở thành trung tâm du lịch lớn thứ 3 của tỉnh, trong tương lai sẽ vươn tầm Khu du lịch quốc gia.
UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Quyết định số 88/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thời gian quy hoạch ngắn hạn đến năm 2030 và dài hạn đến 2050.
Với quy hoạch này, UBND tỉnh Sơn La định hướng phát triển huyện Quỳnh Nhai trở thành trung tâm du lịch lớn thứ 3 của tỉnh sau Mộc Châu và thành phố Sơn La; trong tương lai sẽ vươn tầm Khu du lịch quốc gia (dự kiến giai đoạn 2031-2050 Quỳnh Nhai trở thành Khu du lịch quốc gia).
Theo đó, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch trên toàn bộ địa giới hành chính huyện Quỳnh Nhai, với tổng diện tích tự nhiên khoảng 1.040,0km2.
Ranh giới cụ thể: Phía Bắc giáp huyện Sìn Hồ, huyện Tân Uyên (tỉnh Lai Châu); phía Đông giáp huyện Mường La và huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu); phía Tây giáp huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên); phía Nam giáp huyện Thuận Châu.
Theo quy hoạch, Khu du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La địa phận huyện Quỳnh Nhai có quy mô diện tích khoảng 490ha. Dự kiến vốn đầu tư xây dựng phát triển vùng huyện Quỳnh Nhai khoảng 15.394,41 tỷ đồng.
Mục tiêu quy hoạch nhằm phù hợp với định hướng quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch xây dựng vùng liên huyện dọc lòng hồ sông Đà trên địa bàn tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025.
Dự kiến, hệ thống du lịch Quỳnh Nhai tập trung 5 khâu: Kết nối, thị trường, sản phẩm, cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng, nhân lực du lịch. Khu du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La địa phận huyện Quỳnh Nhai, quy mô diện tích khoảng 490ha.
Giai đoạn 1 (đến năm 2030), tổng kinh phí khái toán vốn đầu tư xây dựng phát triển vùng dự kiến khoảng 6.054,99 tỷ đồng.
Giai đoạn 2 (từ năm 2031 đến năm 2050), tổng kinh phí khái toán vốn đầu tư xây dựng phát triển vùng dự kiến khoảng 9.339,42 tỷ đồng.
Nguồn vốn đầu tư bao gồm: vốn ngân sách nhà nước (chủ yếu đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ các vùng sản xuất, dân cư nông thôn, đô thị, an ninh quốc phòng...) và nguồn vốn xã hội hóa cùng các nguồn vốn hợp pháp khác.
Để huyện Quỳnh Nhai phát huy toàn diện các thế mạnh liên quan đến du lịch, nông, lâm, thủy sản… gắn với chế biến sâu và xuất khẩu, UBND tỉnh Sơn La dự kiến tập trung phát triển, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đường bộ và đường thủy.
UBND tỉnh Sơn La giao Sở Xây dựng hướng dẫn, đôn đốc UBND huyện Quỳnh Nhai trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch. Chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung, thông tin, số liệu, tài liệu trình phê duyệt hồ sơ đồ án quy hoạch.
Giao UBND huyện Quỳnh Nhai hoàn thiện hồ sơ quy hoạch, chuyển giao hồ sơ quy hoạch cho các cơ quan quản lý cấp tỉnh theo quy định. Xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch GIS trên trang điện tử của tỉnh. Tổ chức công bố, công khai đồ án quy hoạch và triển khai cắm mốc giới, biển pa nô quy hoạch theo quy định.
Đối với các Sở, ngành, các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành: Theo chức năng nhiệm vụ tổ chức thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt đảm bảo quy định của pháp luật./.
Đọc thêm
UBND TP.HCM đã phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ theo định hướng khu đô thị thông minh, bền vững. Dự án gồm các phân khu du lịch, nghỉ dưỡng, thương mại và hạ tầng đô thị hiện đại với tổng dân số lên tới 228.506 người.
Theo báo cáo mới nhất của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, tỷ lệ đất dành cho nhà ở xã hội tại Khu đô thị Thanh Hà chỉ đạt 13,8%, thấp hơn nhiều so với quy định. Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đề xuất tăng diện tích đất dành cho xây dựng nhà ở xã hội, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhà ở cho người dân trong giai đoạn 2021-2025.
Với ý tưởng "phượng hoàng cất cánh", quy hoạch tổ hợp công nghiệp hàng không, logistics, dịch vụ và đô thị sân bay tại Quảng Trị không chỉ khai thác tiềm năng của khu vực mà còn tạo ra một trung tâm phát triển mới, thúc đẩy kinh tế và thu hút đầu tư cho tỉnh trong tương lai.
Tin liên quan
UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại Khu tập thể Nghĩa Tân với diện tích 31,66 ha. Dự kiến việc "thay áo mới" cho các tòa nhà cũ này sẽ được hoàn thành vào tháng 6/2025.
Trong nửa đầu năm 2025, Hà Nội dự kiến hoàn thiện chủ trương đầu tư mới, chuẩn hóa quy hoạch kiến trúc và đẩy nhanh công tác xây dựng tại khu "đất vàng" 94 Lò Đúc. Đồng thời, các nội dung pháp lý liên quan sẽ được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo dự án tuân thủ đúng quy định.
Phân khu đô thị Sóc Sơn (Hà Nội) khu 3 có diện tích hơn 1.400ha, dân số dự kiến đến năm 2030 khoảng 46.000 người. Bên cạnh công viên, bệnh viện, trường học còn có trường đua ngựa 420 triệu USD.