Xây dựng Hòa Bình thanh lý tài sản để báo lãi, khoản phải thu chiếm 73% tổng tài sản
Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (UPCoM: HBC) vừa có báo cáo kết quả kinh doanh thời gian qua, thậm chí với mức lãi 851 tỷ đồng, song vẫn có một số vết gợn.
Vết gợn trong pha đảo chiều
Quý IV/2024, doanh thu thuần của Xây dựng Hòa Bình ghi nhận 1.587,39 tỷ đồng, giảm 27,5% so với cùng kỳ. Do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao, HBC lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 29 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận khác đã giúp công ty thu về hơn 43 tỷ đồng, chủ yếu từ thanh lý và bán tài sản, Xây dựng Hòa Bình vẫn có lãi sau thuế hơn 9 tỷ đồng, giảm 91% so với cùng kỳ.
Tính trong cả năm ngoái, Xây dựng Hòa Bình báo lãi sau thuế 851,7 tỷ đồng - một con số cực kỳ ấn tượng so với khoản lỗ 1.115 tỷ đồng trong năm 2023.
Kết quả này có được, là nhờ một số điểm sáng: Chi phí tài chính giảm 27,1%; giá vốn giảm 16,7%; chi phí bán hàng giảm 6%.
Đằng sau lợi nhuận sau thuế đảo chiều một cách đẹp đẽ trong năm 2024, có sự đóng góp không nhỏ từ doanh thu hoạt động tài chính tăng gần 200% lên 221 tỷ đồng và lợi nhuận khác 604 tỷ đồng.
"Lợi nhuận khác" này, có đóng góp lớn từ việc bán thanh lý tài sản. Mặt khác, chi phí quản lý doanh nghiệp trong năm qua âm 214 tỷ đồng, điều này đến từ hoàn nhập dự phòng.
Nếu không có việc bán tài sản và hoàn nhập dự phòng, sẽ có khả năng năm 2024, Xây dựng Hòa Bình lại báo lỗ mà không có pha "quay xe" ngoạn mục từ âm sang dương.
Có thể nói, việc thanh lý tài sản và hoàn nhập dự phòng của HBC là vết gợn. Bởi lẽ, doanh thu năm 2024 là 6.374 tỷ đồng, nhưng lại là mức thấp nhất kể từ năm 2016. Về bản chất, đó là các khoản tổn thất không xảy ra như dự kiến hoặc giá trị tổn thất thực tế thấp hơn giá trị dự phòng đã trích lập, doanh nghiệp phải hoàn nhập (hoàn trả) khoản dự phòng đã trích lập trước đó. Khoản hoàn nhập này sẽ được ghi nhận vào thu nhập của doanh nghiệp trong kỳ báo cáo đó.
Về việc bán thanh lý tài sản, chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm, tiền thu về đã là 532 tỷ đồng. Trong quý IV/2024, số tiền là 37,4 tỷ đồng.
Cần hiểu rằng, lợi nhuận đến từ thanh lý tài sản và hoàn nhập dự phòng là nguồn thu không "bền", mà chỉ mang tính "thời vụ".

Phải thu chiếm 73% tổng tài sản
Tính đến 31/12/2024, tổng tài sản của Xây dựng Hòa Bình ở mức 15.234 tỷ đồng, đi ngang so với hồi đầu năm.
Một biến chuyển lớn trong cơ cấu tài sản của công ty, đó là hệ số nợ/vốn chủ sở hữu (D/E) đã thụt lùi đáng kể khi lùi từ 162 lần xuống 8,2 lần - đồng nghĩa với vốn chủ sở hữu được đẩy từ 93 tỷ đồng lên 1.657 tỷ đồng, trong khi áp lực nợ phải trả của doanh nghiệp thuyên giảm hơn 10% (được minh chứng bởi chi phí tài chính hạ nhiệt). Dù vậy, đây vẫn là mức đòn bẩy tài chính không hề thấp.
Sức khỏe tài chính của HBC cũng đang cho thấy một số vấn đề, khi các khoản phải thu ở mức gần 11.100 tỷ đồng và chiếm gần 73% tổng tài sản.
Nói cách khác, 73% tổng tài sản của Xây dựng Hòa Bình đang ở ngoài công ty, đi kèm với dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi ở mức 1.946 tỷ đồng - con số không nhỏ trong ngành xây dựng.
Trong bối cảnh ngành bất động sản "đóng băng" và thị trường xây dựng ngày càng cạnh tranh, năm 2022, HBC lỗ kỷ lục tới 2.594 tỷ đồng sau kiểm toán, trong khi vốn chủ sở hữu giảm 70,5% so với năm 2021 xuống còn 1.196 tỷ đồng.
Đà lao dốc tiếp tục xuất hiện vào 1 năm sau. Báo cáo tài chính kiểm toán 2023 cho thấy, Xây dựng Hòa Bình có doanh thu hơn 7.531 tỷ đồng nhưng báo lỗ hơn 1.115 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu tụt 92% so với năm 2022.
Bước sang năm 2025, hy vọng đối với Xây dựng Hòa Bình vẫn được nhen nhóm. Dường như doanh nghiệp đang gấp rút tái cơ cấu, được cụ thể hoá bằng cách hạ hệ số D/E, để củng cố niềm tin của các nhà đầu tư khi công ty đã mất niêm yết trên HoSE và hẹn ngày trở lại.
Nhiều tháng trước, HBC đã nhận được những gói thầu lớn như dự án Eaton Park trị giá gần 1.900 tỷ đồng, dự án Newtown Diamond với gói thầu gần 1.00 tỷ đồng, dự án Phú Quốc Park.../.
Đọc thêm
Vừa qua, Công ty TNHH Kiểm toán AFC Việt Nam đã thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính bán niên năm 2024 của Xây dựng Hòa Bình. Trong đó, nhiều vấn đề được đưa ra.
Thị trường bất động sản TP.HCM và cả nước được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2025. Tuy nhiên, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định đây là "năm bản lề" để tạo đà cho sự phát triển ổn định hơn từ năm 2026. Trên tinh thần đó, HoREA đã đề xuất 10 giải pháp nhằm thúc đẩy phân khúc nhà ở xã hội và thị trường bất động sản.
Mới đây, CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HoSE: HQC) đã công bố kết quả kinh doanh chưa hoàn thành được mục tiêu đề ra trong năm ngoái.
Tin liên quan
UBND tỉnh Bắc Ninh vừa phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án Trung tâm du lịch, thương mại và dịch vụ tổng hợp tại phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh. Dự án có quy mô 2.403,4 m2, gồm một tòa nhà hỗn hợp 20 tầng, mật độ xây dựng tối đa 68%.
Miếng đất bị thu hồi của CTCP Him Lam là ô đất ký hiệu A4 thuộc khu đấu giá phường Thạch Bàn theo Quyết định 623/QĐ-UBND mới đây của UBND TP. Hà Nội.
Trong tháng 2 và tháng 3, Bình Định sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng 72 lô đất ở tại TP. Quy Nhơn. Mức giá khởi điểm dao động từ 740 triệu đồng đến hơn 23,9 tỷ đồng.