Bão số 3 giật cấp 16 đã vào vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng và rất nguy hiểm
Bão số 3 giật cấp 16 đang ở trên vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng. Mưa rất to, gió rất lớn. Từ trưa đến chiều nay 7-9, nếu không thật sự cần thiết, cấp bách, người dân cần ở trong nhà để đảm bảo an toàn tính mạng.
Bài viết này thuộc series Bão số 3 - Yagi
Cập nhật những thông tin mới nhất, hậu quả và những bài học đắt giá rút ra từ cơn bão số 3 (Yagi).
Mưa tới 500 mm, đe dọa ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất
Theo cập nhật mới nhất của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 10 giờ ngày 7-9, vị trí tâm bão khoảng 20,6 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất: Cấp 13, giật cấp 16. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 20 km/giờ.
Như vậy, bão đã giảm thêm 1 cấp so với lúc 9 giờ sáng nay.
Lúc 8 giờ sáng nay 7-9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp tại Tổng cục Khí tượng thủy văn để nghe công tác dự báo, ứng phó bão số 3. Cuộc họp được kết nối với Trạm khí tượng hải văn Bạch Long Vỹ; Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ninh; Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và Trung du Bắc Bộ.
Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, báo cáo Phó Thủ tướng về những tác động về gió mạnh, mưa lớn và những nguy cơ của bão số 3 đối với các tỉnh Bắc Bộ và các tỉnh ven biển.
Ông Khiêm cho biết hiện tại vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) có gió mạnh cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17; biển động dữ dội. sóng cao 3-5 m, vùng gần tâm bão đi qua 6-8 m. Vùng biển ven bờ từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa sóng cao 2-4 m, vùng gần tâm bão 3-5 m.
Vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão (Quảng Ninh, TP Hải Phòng, Thái Bình) cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ từ trưa ngày 7-9 có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11 (thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ sáng đến chiều tối ngày 7-9).
Khu vực ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,5m (Thanh Hóa) đến 2 m (Quảng Ninh) vào chiều và đêm 7-9. Ven biển Quảng Ninh -Hải Phòng cần đề phòng nước rút khoảng 0,5 m vào khoảng sáng và trưa 7-9.
Từ ngày 7-9 đến sáng 8-9 ở khu vực các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, khu vực đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) và Thanh Hóa có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 150-350 mm, cục bộ có nơi trên 500 mm. Các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ phổ biến 100-150 mm.
Nguy cơ ngập lụt diện rộng do nước không kịp thoát, đặc biệt đối với các khu vực độ thị, khu đông dân cư, các khu vực mỏ than lộ thiên, các công trình hầm lò trên khu vực Quảng Ninh. Mưa lớn cũng dẫn đến tình trạng lũ quét, sạt lở đất trên khu vực vùng núi tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa ở mức rất cao.
Theo ông Khiêm, mưa lớn, tập trung trong thời gian ngắn là mối nguy đặc biệt về lũ quét, sạt lở đất, tập trung tại vùng núi, trung du của Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An từ đêm 6-9 đến 8-9.
Quảng Ninh mưa to gió giật, cảnh báo thiên tai cấp 4
Thông tin từ phóng viên Báo điện tử VTC News đang có mặt tại Quảng Ninh, địa bàn TP Móng Cái hiện gió giật mạnh kèm theo mưa lớn, nhiều cây cối bị gãy đổ, cảnh báo thiên tai cấp 4.
Trên đảo Quan Lạn, gió giật cấp 14, lượng mưa khoảng 88mm.
Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn huyện Cô Tô xuất hiện mưa to, gió to, kèm gió giật mạnh cấp 15, nhiều cây xanh đổ, chìm 4 tàu xi măng ở âu cảng. Toàn bộ huyện mất điện.
Theo Báo Quảng Ninh, trên địa bàn huyện Vân Đồn nhiều cây xanh bị gãy đổ trên các tuyến đường liên xã, tuyến phố; các xã tuyến đảo mất điện toàn bộ.
Ngành chức năng và UBND các xã, thị trấn trong sáng nay đã tổ chức di dời nhiều hộ dân có nhà nguy cơ cao bị tốc mái về tạm trú tại các nhà văn hóa và trường học nhằm đảm bảo an toàn tính mạng.
Theo Báo Quảng Ninh, trên địa bàn huyện Vân Đồn nhiều cây xanh bị gãy đổ trên các tuyến đường liên xã, tuyến phố; các xã tuyến đảo mất điện toàn bộ.
Ngành chức năng và UBND các xã, thị trấn trong sáng nay đã tổ chức di dời nhiều hộ dân có nhà nguy cơ cao bị tốc mái về tạm trú tại các nhà văn hóa và trường học nhằm đảm bảo an toàn tính mạng.