Bão số 3 sắp đổ bộ đất liền: Người dân cần dự trữ thực phẩm, thuốc men đủ dùng trong 7 ngày
BCĐ Quốc gia Phòng chống thiên tai đã khuyến cáo người dân cần chủ động dự trữ thực phẩm, nước uống, thuốc men, vật dụng cần thiết đủ dùng trong ít nhất 7 ngày.
Bài viết này thuộc series Bão số 3 - Yagi
Cập nhật những thông tin mới nhất, hậu quả và những bài học đắt giá rút ra từ cơn bão số 3 (Yagi).
Vào 7 giờ sáng nay 6/9, tâm siêu bão YAGI trên vùng biển phía bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 160km về phía đông đông nam, cách Quảng Ninh khoảng 600km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 15-20km/h.
Theo các đài khí tượng thế giới và Việt Nam, bão YAGI tiếp tục duy trì cường độ của một siêu bão đến chiều nay (6/9) trước khi áp sát đảo Hải Nam, Trung Quốc. Dự báo đêm nay, bão vượt qua đảo Hải Nam đi vào vịnh Bắc Bộ với cường độ mạnh tới cấp 13-14, giật cấp 17, có thể là cơn bão mạnh nhất từng ghi nhận ở khu vực này.
Dự báo ngày 7/9, bão đổ bộ vào Hải Phòng – Quảng Ninh với cường độ rất mạnh, sau đó quét qua khu vực Đông Bắc Bộ sang Tây Bắc Bộ với cường độ suy giảm nhanh.
Do mức độ nguy hiểm của bão số 3, BCĐ Quốc gia Phòng chống thiên tai chiều ngày 5/9 đề nghị người dân lưu ý không nên chủ quan. Trong đó, BCĐ khuyến cáo người dân cần chủ động dự trữ thực phẩm, nước uống, thuốc men, vật dụng cần thiết đủ dùng trong ít nhất 7 ngày.
Ngoài ra, cần theo dõi dự báo, cảnh báo, cập nhật diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh; Kê cao tài sản, cất giữ giấy tờ quan trọng ở nơi an toàn, di chuyển phương tiện cơ giới đến nơi có địa hình cao; Kê cao tài sản, cất giữ giấy tờ quan trọng ở nơi an toàn, di chuyển phương tiện cơ giới đến nơi có địa hình cao; Gia cố chuồng trại gia súc, gia cầm; tranh thủ thu hoạch sớm các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản...
Với những ngư dân trên biển cần đảm bảo an toàn tàu thuyền nơi neo đậu, bảo vệ lồng, bè thủy sản; tuyệt đối không ở lại trên tàu thuyền đã neo đậu, chòi canh, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ, nhất là người dân trên các đảo.
Người dân cũng nên lưu các số điện thoại cứu hộ, cứu nạn để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.