Bộ Xây dựng đề nghị rà soát đấu giá, ngăn chặn đầu cơ, thổi giá bất động sản
Theo Bộ Xây dựng, các địa phương cần chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng quá trình đấu giá để đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật. Đồng thời, cần kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và ngăn chặn tình trạng lợi dụng đấu giá để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.
Bài viết này thuộc series Đấu giá đất vùng ven Hà Nội: Điều gì đang diễn ra?
Đằng sau những phiên đấu giá đất ở vùng ven Hà Nội như Thanh Oai, Hoài Đức, Phúc Thọ, Sóc Sơn... đang gây sốt trên thị trường là gì?
Bộ Xây dựng vừa ban hành Công văn 5155 gửi đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu tăng cường quản lý và kiểm soát chặt chẽ tình hình biến động giá bất động sản.
Bộ cho biết, thời gian qua, nhiều địa phương đã chủ động thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến kinh doanh bất động sản, đầu tư, đất đai và nhà ở, đạt được những kết quả nhất định.
Trong quý II, nguồn cung nhà ở thương mại có sự gia tăng nhẹ so với quý trước. Tuy nhiên, số lượng giao dịch căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ lại giảm, trong khi giao dịch đất nền có dấu hiệu tăng. Giá bất động sản cũng có xu hướng nhích lên so với quý trước.
Mặc dù vậy, thị trường bất động sản vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và chưa thực sự phát triển bền vững. Tình trạng vi phạm quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp vẫn xảy ra ở một số địa phương. Nhiều nhà đầu tư và môi giới bất động sản đã tung tin đồn, mua đi bán lại, gây nhiễu loạn thông tin nhằm đẩy giá bất động sản lên cao để trục lợi.
Đặc biệt, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ ở một số khu vực như Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoài Đức... đã tăng đột biến, không phản ánh đúng tình hình thị trường và nhu cầu thực tế của người dân.
Bên cạnh đó, một số trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất có giá trúng cao gấp nhiều lần giá khởi điểm, gây chú ý trong dư luận và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như sự ổn định của thị trường bất động sản.
Bộ Xây dựng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố cần tăng cường kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch và môi giới trên địa bàn. Đặc biệt, cần kiểm soát chặt chẽ việc mua bán bất động sản qua tay nhiều lần, nhất là tại các dự án, khu vực và chung cư có dấu hiệu tăng giá bất thường.
Ngoài ra, Bộ cũng đề nghị các cơ quan chức năng thực hiện thanh tra, kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi thổi giá, đầu cơ, làm giá, vi phạm pháp luật về đất đai và kinh doanh bất động sản theo đúng thẩm quyền.
Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các địa phương cần tiến hành kiểm tra, đánh giá thực trạng và làm rõ nguyên nhân dẫn đến sự biến động giá của các loại hình bất động sản như chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất ở trong thời gian gần đây. Đồng thời, cần chủ động đề xuất những giải pháp nhằm điều tiết thị trường, đảm bảo sự phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững.
UBND các địa phương cần chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát kỹ lưỡng quá trình đấu giá quyền sử dụng đất, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật, minh bạch và công khai. Cần phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, đồng thời ngăn chặn các hành vi trục lợi từ đấu giá, gây nhiễu loạn thị trường.
Bộ Xây dựng cũng khuyến nghị các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ việc tăng giá bất động sản, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế tại địa bàn, tránh tác động tiêu cực đến hoạt động đầu tư và kinh doanh bất động sản, đồng thời đảm bảo nhu cầu nhà ở cho người dân.
Cần có các biện pháp quản lý nghiêm ngặt hoạt động xây dựng nhà ở trong các dự án đã được phân lô, bán nền có hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, theo đúng quy định pháp luật. Tránh tình trạng người dân để đất trống, đầu cơ, mua đi bán lại nhiều lần để đẩy giá lên cao, gây rối loạn thông tin trên thị trường.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đề xuất các địa phương công khai thông tin về thị trường bất động sản, cung cấp thông tin cho các cơ quan, tổ chức và người dân về các chương trình phát triển nhà ở, quy hoạch sử dụng đất, phát triển hạ tầng và kế hoạch nâng cấp các đơn vị hành chính tại địa phương.
UBND các tỉnh cần công bố danh sách các dự án bất động sản đã được phê duyệt và các chủ đầu tư đủ điều kiện huy động vốn, đảm bảo tính minh bạch trên thị trường, ngăn ngừa các hiện tượng gian lận và lừa đảo trong kinh doanh bất động sản./.
Đọc thêm
UBND TP.HCM yêu cầu việc đấu giá các lô đất tại Thủ Thiêm phải được thực hiện đúng theo quy định pháp luật. Để đảm bảo quá trình diễn ra suôn sẻ, thành phố sẽ tiến hành đấu giá trước 3 lô đất, qua đó rút kinh nghiệm trước khi triển khai đấu giá các lô còn lại.
Theo đại diện Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai (Hà Nội), hiện đã hết thời hạn nộp tiền nhưng chỉ có 13 lô đất nộp đủ, lô đất có giá 100 triệu đồng/m2 đã bị bỏ cọc.
Chiều ngày 10/9, buổi đấu giá 47 thửa đất tại huyện Phúc Thọ (Hà Nội) thu hút sự tham gia của gần 200 người với hơn 400 hồ sơ tham dự. Lô đất có giá trúng cao nhất đạt gần 70 triệu đồng/m², vượt qua đỉnh cũ 60 triệu đồng/m² được thiết lập hơn 10 ngày trước.
Tin liên quan
Chiều ngày 10/9, buổi đấu giá 47 thửa đất tại huyện Phúc Thọ (Hà Nội) thu hút sự tham gia của gần 200 người với hơn 400 hồ sơ tham dự. Lô đất có giá trúng cao nhất đạt gần 70 triệu đồng/m², vượt qua đỉnh cũ 60 triệu đồng/m² được thiết lập hơn 10 ngày trước.
Chấn chỉnh việc mua bán trao tay bất động sản nhiều lần; Đấu giá đất nền huyện Phúc Thọ lập đỉnh, cao nhất gần 70 triệu đồng/m2… là những thông tin nổi bật trong điểm tin bất động sản - tài chính hôm nay (11/9).