Chuẩn bị đấu giá nhiều thửa đất tại Hà Nội, kỷ lục giá mới có được thiết lập?
Trong tháng 11, huyện Thanh Oai và huyện Hoài Đức (TP. Hà Nội) sẽ tổ chức đấu giá 77 lô đất với giá khởi điểm lần lượt là 5,3 triệu đồng/m2 và 7,3 triệu đồng/m2.
Bài viết này thuộc series Thông tin mở bán nhà, dự án BĐS, đấu giá hàng ngày
Thông tin mới nhất về mở bán nhà, dự án bất động sản, đấu giá đất, đấu thầu ở Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh và các thành phố, địa phương trên cả nước.
Huyện Thanh Oai và huyện Hoài Đức đấu giá trở lại
Theo đó, tài sản được đem ra đấu giá là 25 thửa đất tại khu Man Cá, Man Cổng, Mạ Man Trong, thôn Văn Quán, xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội.
Diện tích của mỗi thửa đất dao động từ 83 - 157 m2, với mức giá khởi điểm là 5,3 triệu đồng/m2.
Thời gian phát hành, bán và tiếp nhận hồ sơ đấu giá sẽ diễn ra từ ngày 30/10 đến 17h ngày 13/11 tại Công ty Đấu giá Hợp danh Đấu giá Việt Nam và Nhà điều hành Sân vận động huyện Thanh Oai.
Khách hàng tham gia đấu giá cần nộp tiền đặt trước từ ngày 13/11 đến 8h ngày 15/11 vào tài khoản của Công ty Đấu giá Hợp danh Đấu giá Việt Nam.
Sau gần 2 tháng tạm dừng để rà soát các điều kiện pháp lý, cuộc đấu giá đất tại Thanh Oai đã được ấn định thời gian tổ chức lại. Trước đó, kế hoạch đấu giá 25 lô đất đã được đề xuất vào ngày 5/10 với mức giá khởi điểm tương tự, nhưng đã bị hoãn.
Trước đó, phiên đấu giá 68 thửa đất tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao diễn ra vào ngày 10/8 vừa qua đã thu hút khoảng 4.600 hồ sơ đăng ký, với gần 1.600 người tham gia.
Kết thúc phiên đấu giá, lô góc có giá trúng cao nhất lên tới hơn 100 triệu đồng/m2, gấp 7-8 lần giá khởi điểm, trong khi các lô thường có giá trúng từ 63 đến 80 triệu đồng/m2, cao gấp 5-6 lần mức giá khởi điểm.
Tuy nhiên, theo thông tin từ phía huyện Thanh Oai, tính đến ngày 16/9, dù đã hết hạn nộp tiền nhưng chỉ có 13 lô đất có giá trúng từ 51,6 triệu đến hơn 55 triệu đồng/m2 đã nộp đủ tiền. Còn lại 55 lô có giá trúng cao từ 80 triệu đồng/m2, bao gồm cả người trúng lô đất có giá cao nhất 100,5 triệu đồng/m2, chưa nộp tiền đúng thời hạn. Điều này cho thấy phần lớn các lô trúng đấu giá đã bị bỏ cọc.
Bên cạnh Thanh Oai, trong tháng 11 huyện Hoài Đức sẽ tổ chức đấu giá 52 thửa đất trong 2 cuộc đấu giá.
Cụ thể, vào ngày 11/11, 32 thửa đất thuộc dự án Hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn xã Tiền Yên - xứ đồng Lòng Khúc (LK05 và LK06) sẽ được đưa ra đấu giá. Diện tích của các thửa đất này có diện tích từ 97 - 172 m², với giá khởi điểm là 7,3 triệu đồng/m2. Mức tiền đặt trước cho các lô đất này từ gần 142 triệu đồng đến gần 252 triệu đồng.
Phiên đấu giá sẽ được tổ chức lúc 8h ngày 11/11 tại hội trường Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Hoài Đức (thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức), hình thức đấu giá sẽ diễn ra theo phương thức bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng, với cách trả giá lên.
Ngoài ra, 20 thửa đất khác thuộc dự án Hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn xã Tiền Yên - xứ đồng Lòng Khúc (Lô LK01 và LK02) sẽ được đấu giá vào ngày 4/11. Các thửa đất này có diện tích từ 89 - 145 m2 và cùng mức giá khởi điểm 7,3 triệu đồng/m2. Tiền đặt trước cho các lô đất này dao động từ 130,8 triệu đồng đến gần 212,6 triệu đồng.
Hình thức đấu giá cũng sẽ là bỏ phiếu trực tiếp, tối thiểu 6 vòng theo phương thức trả giá lên, với bước giá chung là 6 triệu đồng/m2.
Trước đó, vào ngày 19/8, huyện Hoài Đức đã tổ chức một phiên đấu giá tại xã Tiền Yên kéo dài hơn 20 tiếng với 9 vòng đấu, trong đó lô đất trúng cao nhất đạt mức 133,3 triệu đồng/m2, gấp hơn 18 lần so với giá khởi điểm. Khác với tình trạng bỏ cọc ở huyện Thanh Oai, theo thông tin từ UBND huyện Hoài Đức, người trúng đấu giá lô đất này đã hoàn tất việc nộp tiền cọc.
Dự báo kỷ lục giá mới tiếp tục được thiết lập tại Hà Nội
Báo cáo gần đây từ Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam (VARS) chỉ ra rằng sức nóng từ các phiên đấu giá đất tại Hà Nội sẽ tiếp tục gia tăng và khả năng thiết lập kỷ lục giá mới là rất cao.
Tình hình cung - cầu trên thị trường bất động sản hiện tại cho thấy tâm lý đầu cơ vẫn còn mạnh mẽ, đồng thời kỳ vọng về giá bất động sản vẫn được duy trì. VARS nhấn mạnh rằng để quá trình đấu giá diễn ra một cách công bằng và minh bạch, các tổ chức đấu giá cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật.
Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần theo dõi sát sao và có các biện pháp điều chỉnh kịp thời khi phát hiện bất ổn. Đồng thời nên xem xét nâng cao mức phạt đối với hành vi bỏ cọc, nhằm tạo ra sự cân nhắc cho những người tham gia đấu giá và hạn chế tình trạng đầu cơ.
Ngoài ra, cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn đối với những trường hợp trúng đấu giá nhưng nhanh chóng "sang tay" lô đất.
Đặc biệt, VARS nhấn mạnh rằng để giải quyết vấn đề nguồn cung nhà ở, các dự án đang vướng mắc về pháp lý cần được tháo gỡ triệt để. Chỉ khi nguồn cung được cải thiện, giá bất động sản, bao gồm cả giá trúng đấu giá, mới có thể tiệm cận giá trị thực, tạo nên sự ổn định cho thị trường./.
Đọc thêm
UBND TP. Hà Nội đã ra quyết định hủy bỏ kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất cho mục đích sản xuất kinh doanh tại một lô đất ở huyện Thanh Oai.
Huyện Thanh Oai dừng tổ chức các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất vào ngày 5/10 và 19/10. Các khách hàng đã mua hồ sơ sẽ được hoàn trả tiền.
Thông tin mở bán nhà, dự án BĐS, đấu giá ngày 28/10 có những thông tin nổi bật sau: Công nhân TPHCM được thuê nhà lưu trú giá từ 87.000 đồng/m2/tháng; Huyện Thanh Oai đấu giá đất trở lại...
Tin liên quan
Các huyện là điểm nóng đấu giá đất tại Hà Nội sắp tới được chuyên gia dự báo sẽ vẫn hấp dẫn người dân và nhà đầu tư trong thời gian sắp tới do nguồn cung ít ỏi.
Mặc dù thị trường bất động sản Hà Nội đang đối mặt với nguồn cung khan hiếm, các phiên đấu giá đất vẫn ghi nhận mức giá trúng thầu cao ngất ngưởng. Theo VARS, lượng hồ sơ đăng ký đấu giá tăng bởi tâm lý đầu cơ mạnh mẽ và kỳ vọng về tiềm năng sinh lời cao. Nhiều người chấp nhận trả giá vượt giá trị thực, làm thị trường đấu giá đất Hà Nội ngày càng "nóng".