Cú hích từ ngành du lịch có giúp bất động sản nghỉ dưỡng bật tăng?
Sau thời gian dài chững lại, bất động sản nghỉ dưỡng đang đứng trước cơ hội tái sinh nhờ sự bùng nổ của ngành du lịch và bán lẻ. Dù còn đối mặt nhiều thách thức, các chuyên gia tin rằng phân khúc này sẽ sớm tìm lại vị thế. Liệu đây có phải là thời điểm để bất động sản nghỉ dưỡng trở lại đường đua?
Bài viết này thuộc series BĐS du lịch còn "ngủ đông" đến bao giờ?
Cùng thảo luận toàn diện về tình trạng "ngủ đông" của hàng loạt dự án du lịch - nghỉ dưỡng qua góc nhìn chuyên gia và cộng đồng.
Tương lai nào cho phân khúc từng là "con cưng" của thị trường
Từ cuối năm 2023, thị trường bất động sản đã bắt đầu "rục rịch" với những tín hiệu đảo chiều đầy hy vọng.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn, thị trường đang trên đà bước vào một chu kỳ mới với 4 giai đoạn: Thăm dò, củng cố, khởi sắc và ổn định. Mốc thời gian đáng kỳ vọng là nửa cuối năm 2025, khi sự phát triển kinh tế và dòng tiền đổ vào bất động sản sẽ kích thích nguồn cung và thanh khoản tăng trưởng trở lại. Những doanh nghiệp vững vàng về tài chính sẽ được lợi thế, trong khi môi trường tiền tệ dần ổn định có thể đưa giá bất động sản lên mức tốt hơn.
Tuy nhiên, không phải phân khúc nào cũng có dấu hiệu khởi sắc. Các chuyên gia tại Batdongsan.com.vn nhận định: Chung cư có khả năng linh hoạt, thích ứng tốt, trong khi nhà phố biến động mạnh và đất nền thì ảm đạm như đang "chờ thời". Đáng ngạc nhiên là bất động sản nghỉ dưỡng - phân khúc từng được xem là "con cưng" của thị trường - lại không hề được nhắc tới, khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về tương lai của phân khúc này.
Theo báo cáo từ DKRA Group, nửa đầu năm chứng kiến sự gia tăng nhẹ của nguồn cung condotel, đặc biệt tại một dự án ở Khánh Hòa, nơi giao dịch vẫn tập trung.
Tuy nhiên, các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng khác lại tiếp tục "lao dốc". Những dự án cũ gần như đóng băng, không có giao dịch hoặc bán hàng rất chậm.
Thị trường nhà phố/shophouse và biệt thự nghỉ dưỡng tiếp tục gặp khó khi cả thanh khoản lẫn kỳ vọng tăng giá đều thấp. Bất chấp sự khởi sắc của ngành du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chìm sâu trong khó khăn, chưa thể "bứt phá".
Tại Đà Nẵng và khu vực lân cận, nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng cũng không mấy khả quan, chủ yếu là hàng tồn kho từ các dự án đã mở bán trước đó. Giá bán sơ cấp đi ngang, không có dấu hiệu tăng trưởng.
DKRA dự đoán rằng quý III sẽ tiếp tục thiếu vắng nguồn cung mới do các chủ đầu tư ngày càng dè dặt trong việc mở bán. Mặc dù áp dụng nhiều chính sách như hỗ trợ lãi suất và giãn tiến độ thanh toán, thanh khoản vẫn không hề khởi sắc.
Đáng lo ngại hơn, nhiều doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng lớn đã phải đối mặt với khoản lỗ hàng trăm tỷ đồng trong nửa đầu năm.
Từ Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Sông Tiên, Công ty cổ phần Dịch vụ giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn, đến Công ty cổ phần Đầu tư và Du lịch Vạn Hương, Công ty cổ phần Crystal Bay, Công ty cổ phần Bất động sản BIM, đều đang "chìm" trong thua lỗ, kèm theo khối nợ trái phiếu khổng lồ. Một số doanh nghiệp thậm chí gánh nợ trái phiếu lên đến hàng nghìn tỷ đồng, khiến việc phục hồi càng thêm khó khăn.
Sự "tê liệt" của các chủ đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng trong nửa đầu năm qua là minh chứng rõ nét cho một ngành đang chật vật trên con đường tìm lại sức sống.
Với những thách thức từ nợ nần, thanh khoản thấp và sự thận trọng của thị trường, con đường hồi sinh dường như vẫn còn rất xa vời.
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ấm dần nhờ cung tăng trở lại
Mặc dù thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vốn chìm trong khó khăn suốt thời gian dài nhưng cũng đang dần lộ diện những dấu hiệu hồi sinh.
Các doanh nghiệp lớn như Novaland, Charm Group, Nam Group hay DIC Corp đã bắt đầu đẩy mạnh các kế hoạch bàn giao sản phẩm, khởi công xây dựng và triển khai loạt dự án mới ở nhiều tỉnh, thành khác nhau, mở ra triển vọng tươi sáng cho phân khúc này.
Điều này không chỉ phản ánh tham vọng của các doanh nghiệp mà còn cho thấy một xu hướng khởi sắc dần trở lại trong tương lai gần.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành trong 8 tháng đầu năm ước đạt 4,14 triệu tỉ đồng, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm trước.
Sự tăng trưởng này không chỉ thể hiện sức mua mạnh mẽ mà còn là nền tảng vững chắc cho sự phục hồi của ngành du lịch và bán lẻ. Đặc biệt, với hơn 11,4 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong cùng kỳ, tăng 48% so với năm trước và thậm chí vượt qua mức trước đại dịch Covid-19. Điều này đã củng cố thêm vai trò của ngành du lịch như một bệ đỡ quan trọng, thúc đẩy bất động sản nghỉ dưỡng quay trở lại quỹ đạo phát triển.
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) nhấn mạnh rằng, việc hoàn thiện khung pháp lý, công bố quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng là những yếu tố then chốt để thúc đẩy sự hồi phục của thị trường.
Đồng thời, tiềm năng của du lịch cũng được kỳ vọng trở thành "bàn đạp" mạnh mẽ, khi Chính phủ tiếp tục cam kết biến du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Quyết định 147 về "Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030".
Không chỉ có vậy, Nghị định 10/2023 của Chính phủ tháo gỡ những khó khăn về việc cấp sổ hồng cho các loại hình condotel, officetel...được xem là cú hích pháp lý lớn, đem lại hy vọng cho cả nhà đầu tư lẫn chủ đầu tư.
VARS còn dự đoán rằng nguồn cung bất động sản du lịch nghỉ dưỡng trong năm nay sẽ có cơ hội tăng trưởng khoảng 20% so với năm trước, đánh dấu một bước tiến mới sau thời gian dài thị trường chững lại.
Mặc dù nửa đầu năm chỉ ghi nhận khoảng 3.100 căn bất động sản nghỉ dưỡng mới được mở bán, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn chỉ bằng 27% so với năm 2022.
Điều này cho thấy thị trường vẫn đang rục rịch trở lại với những tín hiệu đầy hứa hẹn. Đặc biệt, sau ngày 1/8, khi nhiều nút thắt pháp lý liên quan đến phân khúc này đã được tháo gỡ, giới chuyên gia kỳ vọng rằng sự phục hồi của du lịch và bán lẻ sẽ là "chìa khóa" mở ra một giai đoạn khởi sắc mới cho bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian sắp tới./.
Đọc thêm
Condotel nhiều năm qua là một loại hình đầu tư bất động sản được coi là xu hướng mới. Tuy nhiên thực tế cho thấy, nhiều nhà đầu tư đang vất vả trong cuộc hành trình đòi lại tiền.
Trong khi thị trường bất động sản có nhiều khởi sắc, condotel - một trong những loại hình bất động sản từng được kỳ vọng lớn vẫn đang trong giấc “ngủ đông” dài.
Tin liên quan
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã trải qua một thập kỷ đầy biến động, khởi đầu với làn sóng bùng nổ đầu tư rầm rộ vào những năm 2014-2015, khi hàng loạt dự án lớn được ra mắt. Tuy nhiên, những năm gần đây, thị trường này đang rơi vào trạng thái ngủ đông với nhiều thách thức bủa vây.
UBND TP.HCM vừa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/500 cho Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ, với quy mô lên đến 2.870 ha và tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 217.000 tỷ đồng.
Bài mới
Ông Lê Đình Chung, Thành viên Tổ công tác Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định, việc dùng dữ liệu từ 2 năm qua để xác định giá đất ở các thị trường bất động sản chưa hồi phục là bất hợp lý, vì có thể trùng với giai đoạn "nóng sốt". Điều này dễ dẫn đến việc định giá không phản ánh đúng tình hình thực tế hiện nay.
Trong bối cảnh nhu cầu nhà liền thổ tăng mạnh, giới đầu tư có xu hướng săn tìm sản phẩm tiềm năng với vốn ban đầu chỉ từ 3 tỷ đồng và cam kết lợi nhuận hấp dẫn. Dự án phía Đông Thủ đô hiện là điểm đến được ưa chuộng hàng đầu bởi quy hoạch bài bản, tiện ích đẳng cấp, chính sách hấp dẫn, đảm bảo sinh lời bền vững.
Tỉnh này đang nhanh chóng trở thành "thiên đường du lịch mới" với sự phát triển mạnh mẽ của các dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Tính đến quý III/2024, tỉnh đã thu hút 44 dự án với tổng diện tích lên tới 447,4 ha và tổng mức đầu tư 63.547 tỷ đồng. Những tên tuổi lớn như Hòa Phát, VSIP và Becamex đang dẫn đầu trong việc đổ nguồn vốn "khủng" vào phát triển thị trường này.