Phân khúc bất động sản hạng sang hút khách, tỷ lệ hấp thụ đạt 64%
Theo Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong 9 tháng đầu năm 2024, phân khúc bất động sản hạng sang chiếm khoảng 25% nguồn cung mới và đạt tỷ lệ hấp thụ ấn tượng 64%. Nhiều khách hàng thậm chí phải tranh nhau trả thêm tiền chênh lệch để sở hữu các sản phẩm giới hạn hoặc vị trí "vàng" trong dự án.
Mới đây, thị trường bất động sản phía Nam trở nên sôi động khi 2 dự án Eaton Park của Gamuda Land và Masteri Grand View của Masterise Homes thu hút sự quan tâm đặc biệt từ khách hàng.
Hai dự án này ghi nhận lượng đặt cọc giữ chỗ ấn tượng, lần lượt đạt 2.700 và 4.200 lượt. Đáng chú ý, cả hai đều có mức giá bán rất cao, trên 100 triệu đồng/m2.
Trước đó, những "ông lớn" khác trên thị trường như Capitalland, Phú Mỹ Hưng và Sơn Kim Land cũng chào bán các sản phẩm tương tự và nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ khách hàng.
Theo Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong vài năm qua, các dự án bất độg sản hạng sang, bao gồm căn hộ có giá từ 80 triệu đồng/m2, duplex, penthouse và biệt thự cao cấp, ngày càng gia tăng tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Sự bùng nổ này được lý giải bởi chi phí tài chính và đất đai tăng cao, khiến các dự án bình dân và trung cấp kém hấp dẫn với chủ đầu tư, trong khi nhu cầu về nhà ở hạng sang vẫn rất lớn.
Trong 9 tháng qua, bất động sản hạng sang chiếm khoảng 25% nguồn cung mới, với tỷ lệ hấp thụ ấn tượng lên tới 64%. VARS cho biết, nhiều khách hàng còn "tranh nhau" trả thêm tiền chênh lệch để sở hữu các sản phẩm hạng sang giới hạn hoặc những vị trí "vàng" trong dự án.
Đối với nhóm khách hàng này, nhà ở không chỉ là nơi để ở mà còn phải mang tính thẩm mỹ cao, thể hiện dấu ấn cá nhân và đáp ứng các tiêu chí bền vững.
VARS nhận định rằng, bất động sản hạng sang hiện chưa có định nghĩa chính thức trong các văn bản pháp luật. Phân khúc này thường gắn liền với những thương hiệu danh tiếng, được định hình bởi nhiều yếu tố như vị trí đắc địa, thiết kế độc đáo, tiện ích cao cấp và dịch vụ quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế. Các sản phẩm này chủ yếu tập trung tại trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng hoặc các khu vực du lịch phát triển.
Các dự án hạng sang và siêu sang thường tọa lạc tại những vị trí "kim cương" trong lòng thành phố hoặc ven sông tại các đô thị lớn. Những sản phẩm này nổi bật nhờ kiến trúc và nội thất mang tính cá nhân hóa cao, kết hợp giữa nghệ thuật và công năng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh quỹ đất trung tâm ngày càng khan hiếm, phân khúc bất động sản hạng sang đang mở rộng ra khu vực ven đô, nơi có quỹ đất lớn hơn và tiềm năng phát triển mạnh mẽ.
Việt Nam dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng triệu phú USD, bất động sản hạng sang bùng nổ
VARS dự báo phân khúc bất động sản hạng sang sẽ tiếp tục là điểm sáng của thị trường trong những năm tới, nhờ nhu cầu ngày càng tăng cao.
Theo phân tích của VARS, Việt Nam là một trong những quốc gia đang phát triển có tiềm lực kinh tế mạnh mẽ. Song song với tốc độ tăng trưởng GDP, số lượng người giàu tại Việt Nam cũng đang mở rộng đáng kể.
Báo cáo từ New World Wealth (Nam Phi) và hãng cố vấn Henley & Partners (Thụy Sĩ) cho thấy Việt Nam có tốc độ gia tăng triệu phú USD nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2013-2023 và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong thập kỷ tới. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu và thượng lưu kéo theo nhu cầu lớn đối với các sản phẩm bất động sản cao cấp.
Ngoài ra, nhu cầu hưởng thụ cuộc sống thượng lưu ở Việt Nam đang ngày càng mạnh mẽ. Nhiều người giàu sẵn sàng chi tiêu cho các căn hộ penthouse hoặc biệt thự thông minh với tiện ích hiện đại để khẳng định đẳng cấp xã hội. Thậm chí, nhiều người chấp nhận chi hàng chục nghìn USD mỗi tháng để trải nghiệm các sản phẩm bất động sản hạng sang, dù đã sở hữu nhiều tài sản khác.
Không chỉ là biểu tượng của sự giàu có, bất động sản hạng sang còn được đánh giá là kênh đầu tư an toàn với khả năng sinh lời ổn định. Trong bối cảnh các kênh đầu tư khác tiềm ẩn nhiều rủi ro, sản phẩm này giữ giá tốt và tăng giá trị theo thời gian, trở thành lựa chọn hàng đầu của giới đầu tư chuyên nghiệp.
Sự phát triển mạnh mẽ của du lịch cao cấp và quá trình hội nhập quốc tế cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu bất động sản hạng sang. Việt Nam đang trở thành điểm đến lý tưởng với du khách cao cấp nhờ các khu nghỉ dưỡng 5 sao và trải nghiệm đẳng cấp.
Điều này không chỉ thu hút du khách quốc tế mà còn khuyến khích đầu tư vào bất động sản hạng sang như second-home, kết hợp cho thuê để gia tăng lợi nhuận kép. Những địa phương phát triển du lịch cao cấp như Phú Quốc, Đà Nẵng hay Hội An tiếp tục là tâm điểm của dòng vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, dòng vốn FDI và việc mở rộng quyền sở hữu nhà ở cho người nước ngoài theo Luật Nhà ở 2023 sẽ kéo theo làn sóng chuyên gia quốc tế đến Việt Nam làm việc, đẩy mạnh nhu cầu nhà ở cao cấp tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.
Phát triển bất động sản hạng sang không chỉ mang lại lợi nhuận cho chủ đầu tư mà còn khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ bất động sản cao cấp toàn cầu.
Tuy nhiên, để thành công bền vững, các doanh nghiệp cần tập trung vào chất lượng, sáng tạo và đáp ứng đúng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Đây chính là yếu tố then chốt trong cuộc đua đầy tiềm năng này./.
Đọc thêm
Đồng Nai sẽ nâng cấp và mở rộng hai tuyến đường tỉnh quan trọng là 25B và 25C kết nối từ cửa ngõ ra vào sân bay quốc tế Long Thành đi qua địa bàn huyện Long Thành, Nhơn Trạch.
Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đang trở thành điểm nóng thu hút dòng vốn đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực M&A. Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2024, đã chiếm đến 91% trên tổng giá trị giao dịch.
Giá bất động sản tại các thành phố lớn, đang tiếp tục gia tăng cao, làm trầm trọng thêm các vấn đề của thị trường bất động sản. Theo các chuyên gia, nếu không có giải pháp điều tiết hợp lý thì tình trạng này sẽ tạo áp lực nặng nề lên các cơ quan quản lý Nhà nước, người dân có nhu cầu nhà ở và cả doanh nghiệp bất động sản…
Tin liên quan
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) vừa chính thức ban hành "Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử Nghề nghiệp Môi giới Bất động sản Việt Nam - VPEC 2024", quy định rõ 17 hành vi không được phép thực hiện trong hoạt động môi giới bất động sản.
Nhà nước cần nghiên cứu các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích doanh nghiệp phát triển nhà ở vừa túi tiền. Ngoài miễn giảm thuế đất, thuế doanh nghiệp hay tăng mật độ xây dựng, việc áp dụng cơ chế "cộng điểm ưu tiên" cho chủ đầu tư khi thực hiện dự án có thể là đòn bẩy hiệu quả, đưa phân khúc nhà ở này quay trở lại thị trường.
Chính phủ vừa đề xuất thí điểm cho nhà đầu tư thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp để làm nhà ở thương mại trong 5 năm. Theo Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), cơ chế này không chỉ tháo gỡ khó khăn pháp lý cho các dự án đang vướng mắc vì thiếu yếu tố đất ở, mà còn tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường.
Bài mới
Dự án Khu đô thị FLC Legacy Kon Tum, nằm ngay trung tâm hành chính của thành phố Kon Tum, đã được định hướng trở thành tổ hợp thương mại, dịch vụ và nhà ở hiện đại bậc nhất của tỉnh Kon Tum và khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, do "gặp nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau", Tập đoàn FLC đã chính thức xin dừng triển khai dự án trị giá 1.700 tỷ đồng này.