Landmark 72: Từ biểu tượng đô thị đến những biến cố "sang tên, đổi chủ"
Landmark 72 - tòa tháp chọc trời thứ 2 tại Việt Nam, đang chuẩn bị cho một cuộc chuyển mình bất ngờ khi Công ty AON Plc rao bán với giá hơn 1.000 tỷ won. Dù đứng trước ngưỡng cửa đổi chủ sau gần 1 thập kỷ, tòa tháp này vẫn là tâm điểm của Hà Nội với tỷ lệ lấp đầy lên đến 98%, trở thành một trong những địa điểm văn phòng đắt đỏ nhất thành phố.
Được rao bán với giá hơn 1.000 tỷ won
Theo thông tin từ The Korea Economic Daily, Tập đoàn AON Plc đang có kế hoạch bán toàn bộ cổ phần tại tòa nhà Landmark 72 với giá hơn 1.000 tỷ won, tương đương khoảng 18.465 tỷ đồng.
Hiện tại, công ty này đang tích cực đàm phán với các nhà đầu tư tiềm năng để chuyển nhượng toàn bộ cổ phần trong bất động sản này.
Năm 2015, Công ty bảo hiểm toàn cầu AON Plc đã ghi dấu ấn quan trọng khi mua lại tòa nhà chọc trời Landmark 72 với mức giá 454 tỷ won, tương đương gần 8.400 tỷ đồng từ Công ty Xây dựng SM Keangnam Enterprises Ltd.
Một số công ty quản lý quỹ bất động sản và cơ sở hạ tầng lớn đang xem xét việc mua lại tòa nhà chọc trời này, trong đó có Công ty Chứng khoán Mirae Asset của Hàn Quốc.
Mirae Asset cũng đã từng tham gia vào thương vụ Landmark 72 vào năm 2015, khi họ mua lại khoản nợ 300 tỷ won và 100 tỷ won trái phiếu chuyển đổi (CBs) liên quan đến dự án.
Mặc dù khoản nợ 300 tỷ won đã được bán, Mirae Asset hiện vẫn nắm giữ số trái phiếu trị giá 100 tỷ won và đang cân nhắc chuyển đổi chúng thành cổ phần phổ thông.
Từng là biểu tượng đô thị và là tòa nhà chọc trời số 1 Việt Nam
Landmark 72 tọa lạc trên đường Phạm Hùng thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, là một khu phức hợp đẳng cấp bao gồm khách sạn, văn phòng, căn hộ và trung tâm thương mại.
Tổng vốn đầu tư cho dự án lên tới 1,05 tỷ USD do Tập đoàn Keangnam Hàn Quốc xây dựng và hoàn thành vào năm 2011. Với tổng diện tích 300.000m2, tòa nhà được thiết kế theo phong cách hiện đại và sang trọng.
Trước khi Landmark 81 của Vingroup "soán ngôi" vào năm 2018, Landmark 72 từng tự hào giữ danh hiệu tòa nhà cao nhất Việt Nam, với chiều cao ấn tượng 350m và 72 tầng, trở thành biểu tượng của sự phát triển đô thị tại Hà Nội lúc bấy giờ.
Vào thời điểm mới hoàn thiện, Landmark 72 đã chính thức "lật đổ" Bitexco Financial Tower để trở thành tòa nhà cao nhất Việt Nam.
Tòa nhà còn nổi bật với khách sạn Intercontinental, tọa lạc từ tầng 62 đến tầng 70, chính thức khai trương vào tháng 9/2017. Khách sạn này sở hữu một hội trường lớn với sức chứa lên tới hơn 2.000 người, cùng khu vực tổ chức sự kiện ngoài trời, hồ bơi và quầy bar sang trọng.
Từ đài quan sát ở tầng 72, khách hàng có cơ hội chiêm ngưỡng toàn cảnh TP. Hà Nội ở độ cao 350m.
Landmark 72 sở hữu vị trí đắc địa, nằm ngay tại giao lộ của 3 tuyến đường lớn: Dương Đình Nghệ, Phạm Hùng và Mễ Trì, trở thành một trong những trục giao thông trọng điểm ở phía Tây Thủ đô.
Không chỉ đơn thuần là một biểu tượng kiến trúc, Landmark 72 còn là lựa chọn lý tưởng cho nhiều doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đặt trụ sở. Nhờ vào vị trí đắc địa của mình, tỷ lệ lấp đầy văn phòng tại tòa nhà này đạt tới 98% vào cuối năm 2023.
Theo báo cáo từ Avision Young Việt Nam, giá thuê văn phòng tại Landmark 72 hiện đã vươn tới 36 USD/m2/tháng (chưa bao gồm phí dịch vụ 6,8 USD/m2).
Mặc dù nằm ở vị trí chiến lược và nổi bật với nhiều đặc điểm ấn tượng song Landmark 72 cũng được thống kê là tòa nhà gặp nhiều vấn đề.
Tòa nhà đã phải đối mặt với hàng loạt sự cố liên tiếp, cùng với những vấn đề tài chính nghiêm trọng từ "cha đẻ" dẫn đến tình trạng nợ nần và cuối cùng phải "chuyển nhượng chủ sở hữu".
Những biến cố "sang tên, đổi chủ"
Theo tìm hiểu, giai đoạn từ năm 2006-2013, cố Chủ tịch Sung Wan-jong bị cáo buộc can thiệp vào sổ sách tài chính để vay 80 tỷ won (khoảng 74 triệu USD) từ ngân sách Chính phủ Hàn Quốc cho các dự án bất động sản nước ngoài, trong đó có Landmark 72.
Thời điểm đó, giới truyền thông Hàn Quốc đã chỉ ra rằng Landmark 72 được xem như một dự án đầy tham vọng nhưng cũng đầy rủi ro, khi gần 50% tài sản của ông Sung Wan-jong được tài trợ bằng vốn vay.
Chỉ 4 năm sau khi chính thức đi vào hoạt động, tòa nhà đã phải sang tên, đổi chủ. Vào đầu năm 2015, một sự kiện gây chấn động xảy ra khi Parkson Keangnam bất ngờ đóng cửa trung tâm thương mại lớn nhất của mình, khiến nhiều khách hàng và nhân viên bị nhốt lại do mâu thuẫn với chủ đầu tư Keangnam Hanoi. Parkson sau đó đã phải ra thông cáo để làm rõ rằng việc đóng cửa này hoàn toàn không phải do phía họ.
Không lâu sau, nhiều nhà đầu tư lớn đã tham gia vào cuộc đua thâu tóm Landmark 72. Tập đoàn AON cuối cùng đã vượt qua các đối thủ nặng ký như Goldman Sachs (Mỹ) và Công ty Đầu tư Quốc gia Qatar (QIA), thành công mua lại tòa nhà với giá 454 tỷ won (tương đương khoảng 8.383 tỷ đồng) từ Keangnam, chính thức trở thành chủ sở hữu mới vào tháng 12/2015.
Hiện tại, Landmark 72 lại đứng trước khả năng đổi chủ một lần nữa sau gần một thập kỷ. Trong suốt quá trình xây dựng và vận hành, Keangnam đã liên tục vướng phải nhiều vấn đề nghiêm trọng liên quan đến an toàn xây dựng, cũng như vi phạm về chuyển giá với giá trị cần điều chỉnh lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Bên cạnh đó là những vướng mắc với cư dân của 2 tòa chung cư cao cấp 48 tầng về diện tích xây dựng, giá cả và chất lượng dịch vụ.
"Cá mập" hay "cá rồng"?
Sự lận đận của Landmark 72 đã làm dấy lên nhiều thảo luận về phong thủy của tòa nhà và thu hút các chuyên gia phong thủy bóc tách kỹ lưỡng.
Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2015, chuyên gia phong thủy nổi tiếng Phạm Cương từng gây chú ý khi nhận định rằng vấn đề lớn nhất của Landmark 72 nằm ở chính vị trí của nó.
Theo vị này, với quy mô và chiều cao của một siêu dự án như Keangnam (Landmark 72), tòa nhà cần được xây dựng trên một khu đất đặc biệt, nơi có nguồn năng lượng phong thủy mạnh mẽ và phù hợp. Tuy nhiên, vị trí hiện tại của tòa nhà chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn phong thủy cần thiết đó.
"Có thể ví von, Keangnam Landmark Tower như một con cá mập nhưng lại đang được chứa trong một cái bể cá một vài m3 mục đích để nuôi một con cá rồng! Với lý do này, một chú cá mập sẽ không chết yểu thì cũng sẽ ốm yếu sống lay lắt", ông Phạm Cương nói.
Theo chuyên gia phong thủy, vị trí của Landmark 72 nằm tại ngã tư là một lợi thế trong việc đón nhận vượng khí. Tuy nhiên, hai dòng "hư thủy" từ hai trục đường lớn Phạm Hùng và Mễ Trì lại chưa đủ mạnh để hỗ trợ năng lượng cho một công trình cao tới 72 tầng.
Đó là góc nhìn từ khía cạnh phong thủy, nhưng trên thực tế, Landmark 72 vẫn là một khu phức hợp sầm uất và có giá trị bậc nhất tại Thủ đô Hà Nội.
Hiện tại, ngoài sự quan tâm của Mirae Asset, nhiều công ty quản lý bất động sản và cơ sở hạ tầng lớn cũng đang xem xét việc mua lại tòa nhà chọc trời này./.
AON Plc là một tập đoàn tài chính đa quốc gia được thành lập vào năm 1982, với trụ sở chính tại London (Anh). Tập đoàn này hoạt động mạnh mẽ trong ba lĩnh vực chủ chốt thông qua 3 công ty thành viên: Aon Risk Solutions - cung cấp dịch vụ quản lý rủi ro; Aon Benfield - môi giới bảo hiểm và tái bảo hiểm; Aon Hewitt - giải đáp thắc mắc, tư vấn khách hàng về nguồn nhân lực. . Trong quý II/2024, AON Plc đạt doanh thu 3,76 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, thương vụ mua lại NFP - một công ty quản lý tài sản trị giá 13 tỷ USD - đã đẩy chi phí hoạt động của AON lên 3,1 tỷ USD, tăng 33%. Điều này khiến lợi nhuận ròng của công ty giảm 6% so với năm trước, còn lại 524 triệu USD. |
Đọc thêm
Bối cảnh bất động sản phía Tây liên tục tăng giá tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho nhà đầu tư. Điều này không chỉ phản ánh sự phát triển của khu vực mà còn dẫn đến những quyết định vội vàng từ nhiều người mua. Rất nhiều cư dân và nhà đầu tư cảm thấy áp lực phải hành động nhanh chóng, từ đó nảy sinh lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn.
Tin liên quan
Bài mới
Ngày 8/10, tại buổi họp báo thị trường bất động sản Hà Nội quý III/2024, bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc CBRE Việt Nam công bố thông tin nổi bật: Hà Nội sẽ chấm dứt tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà ở kéo dài 4 năm qua. Dự kiến, lượng căn hộ chung cư năm 2024 đạt gần 30.000 căn, nhưng giá vẫn tiếp tục duy trì đà tăng do nhu cầu thị trường cao.
Sau khi khởi kiện bất thành, BIDV đã quyết định đấu giá khoản nợ xấu trị giá hơn 5.700 tỷ đồng, được thế chấp bằng Dự án Kenton Node Hotel Complex - một dự án bất động sản đình đám tại TP.HCM. Dự án này từng được kỳ vọng là “thiên đường nhiệt đới” của khu Nam Sài Gòn nhưng hiện đang chìm trong khó khăn tài chính.
Trong thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, không chỉ các doanh nghiệp đang đối mặt với viễn cảnh ảm đạm, các nhà đầu tư cá nhân cũng trong trạng thái tương tự. Tuy nhiên, họ dùng cách thức khác. Một trong những cách đơn giản nhất, đó là “thoát hàng”, nhưng hy vọng ở thời điểm hiện tại gần như bằng 0.