Hà Nội sẽ công khai những người bỏ cọc đất đấu giá
Đây là một trong những nội dung công văn của UBND TP. Hà Nội vừa gửi tới các sở, ngành, các quận, huyện, thị xã về công tác đấu giá quyền sử dụng đất.
Bài viết này thuộc series Đấu giá đất vùng ven Hà Nội: Điều gì đang diễn ra?
Đằng sau những phiên đấu giá đất ở vùng ven Hà Nội như Thanh Oai, Hoài Đức, Phúc Thọ, Sóc Sơn... đang gây sốt trên thị trường là gì?
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành văn bản chỉ đạo về công tác đấu giá đất trên địa bàn. Trong văn bản, lãnh đạo thành phố yêu cầu các UBND cấp huyện lập danh sách những trường hợp trả giá cao hơn giá thị trường nhưng không thực hiện nghĩa vụ tài chính sau khi trúng đấu giá.
Danh sách này sẽ được công khai trên các trang thông tin điện tử của các huyện và Sở Tài nguyên và Môi trường để người dân có thể nắm bắt thông tin.
Công an thành phố được giao nhiệm vụ phát hiện các vi phạm liên quan đến công tác đấu giá đất. Ngoài ra, cơ quan này cần đề xuất các biện pháp nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế việc tham gia đấu giá đối với những cá nhân đã từng trả giá cao một cách bất thường để trúng đấu giá nhưng sau đó không thực hiện nộp tiền.
UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện các quy định về đấu giá đất, với trọng tâm là hạn chế việc tổ chức đấu giá đất giao cho cá nhân để tự xây dựng nhà ở. Thay vào đó, thành phố sẽ ưu tiên đấu giá đất có thu tiền sử dụng và cho thuê đất đối với các tổ chức thực hiện dự án đầu tư, nhằm đảm bảo lựa chọn được những chủ đầu tư có đủ năng lực, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ thực hiện cập nhật, điều chỉnh bảng giá đất. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng phải kịp thời phối hợp, hướng dẫn các huyện tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình xác định giá đất.
Bên cạnh đó, UBND TP. Hà Nội cũng nhấn mạnh rằng, các đơn vị tổ chức đấu giá đất cần xem xét lại quy định về bước giá và hình thức đấu giá như áp dụng phương thức đấu nhiều vòng bắt buộc để bảo đảm tính cạnh tranh và phản ánh sát giá thị trường.
Hoạt động đấu giá đất ở Hà Nội đã trở nên "nóng" từ đầu tháng 8, khi một số huyện như Thanh Oai, Hoài Đức, Phúc Thọ tổ chức các phiên đấu giá thu hút sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư, với mức giá trúng đấu giá cao bất thường, thậm chí gấp nhiều lần so với giá khởi điểm. Tuy nhiên, sau khi trúng đấu giá, nhiều nhà đầu tư đã bỏ cọc.
Trong báo cáo gửi Chính phủ gần đây, Bộ Xây dựng đã chỉ ra một số hạn chế và tiêu cực tại các phiên đấu giá đất. Cụ thể, một số nơi đã xuất hiện hiện tượng "cò đấu giá" và thông đồng, ảnh hưởng đến quyền lợi của những người tham gia.
Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh tình trạng một số lô đất bị trả giá rất cao rồi sau đó bị bỏ cọc, tạo ra mặt bằng giá ảo nhằm thao túng thị trường. Việc mua đi bán lại nhiều lô đất để thu lợi bất chính cũng diễn ra phổ biến, thậm chí mang tính tổ chức ở nhiều nơi./.
Đọc thêm
Sau khi tạm dừng phiên đấu giá 26 thửa đất tại khu Trũng Vỡ, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng (Hà Nội), phiên đấu giá 26 thửa đất khác tại thị trấn Phùng cũng đã được hoãn theo kế hoạch dự kiến tổ chức vào sáng 30/9.
Bộ Xây dựng nhận định rằng tình trạng đẩy giá một số lô đất lên mức rất cao rồi sau đó "bỏ cọc", tạo ra một mức giá "ảo" nhằm thao túng thị trường đang trở nên phổ biến, thậm chí có tính tổ chức. Việc trúng đấu giá với giá trị cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm gây ảnh hưởng tiêu cực đến mặt bằng giá bất động sản...
Tin liên quan
Chiều ngày 18/9, Công ty Đấu giá Hợp danh Đấu giá Việt Nam đã tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất cho các thửa đất thuộc thôn Bạch Đa, xã Kim Hoa, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội (đợt 6). Thửa đất trúng giá cao nhất là 48,9 triệu đồng/m2.
Trong phiên đấu giá ở huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội vừa diễn ra, mức trúng cao nhất là 75 triệu đồng/m2, trong khi 2 phiên trước chỉ ở mức 60 và gần 70 triệu đồng/m2.