Thành phố sông Hồng
Là dân tỉnh lẻ nên khi đến Hà Nội sống, từ đầu thập niên 2000, tôi không hiểu vì sao hai bên bờ sông chỉ cách nhau một cây cầu nhưng là hai khu vực rất khác nhau.
Bài viết này thuộc series Bão số 3 - Yagi
Cập nhật những thông tin mới nhất, hậu quả và những bài học đắt giá rút ra từ cơn bão số 3 (Yagi).
Khu vực đô thị trung tâm với 36 phố phường sầm uất bên này, còn khu vực bên kia là huyện Long Biên. Mãi đến năm 2003 Long Biên mới lên quận và vừa kỷ niệm 20 năm thành lập quận vào năm ngoái.
Dường như với người Thủ đô thì sông Hồng chảy ngoài thành phố, đúng như tên gọi của Hà Nội là thành phố bên trong các dòng sông.
Tôi mang theo thắc mắc trên khi đi qua nhiều thành phố trên thế giới và trong nước, ngắm những đô thị được quy hoạch phát triển hài hòa hai bên bờ sông rất đẹp và thơ mộng: Những con tàu du lịch trên sông, nhà cửa soi bóng xuống dòng nước, đường ven sông với hàng cây xanh nơi mọi người đi bộ, uống cà phê… Còn Hà Nội thì phát triển “quay lưng” về phía sông Hồng, nghĩa là quay lưng lại với điều mà các nhà nghiên cứu gọi là “nơi có cảnh quan tự nhiên hấp dẫn, trù phú, đóng vai trò điều tiết không gian và khí hậu của thành phố, đồng thời là sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai, kết nối bản sắc văn hóa với lối sống đương đại”.
Thủ đô mải miết phát triển với các khu đô thị như vết dầu loang về phía Nam, phía Tây. Bao nhiêu năm tôi đi học ở phía Tây thành phố, rồi sinh sống ở đây, số lần ra bãi sông Hồng chơi chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Còn nói về ngắm sông thì nhiều nhưng đó là những lần có việc đi qua sông, đi qua cầu, chứ chưa bao giờ có dịp ngồi cà phê ngắm dòng sông chảy dưới chân cầu.
Tìm hiểu trong sách báo, tôi nhận được lời giải thích, rằng sông Hồng bình thường hiền hòa như vậy nhưng hàng năm đều xuất hiện lũ và có những năm vào mùa mưa bão đã hình thành nên cơn lũ rất hung dữ, bao phen khiến người dân Hà Thành nhất là những xóm làng ven sông khốn khổ.
Theo tài liệu của Trung tâm lưu trữ Quốc gia, thời Pháp thuộc, cơn bão tràn qua Hà Nội vào tháng 10/1881 đã cuốn phăng nhiều ngôi nhà, cây cối trong khu Nhượng địa Pháp (nay là phố Phạm Ngũ Lão).
Còn trận lũ xảy ra ở Hà Nội vào năm 1884 đã cuốn trôi bờ đất của khu Nhượng địa một khoảng rộng 60 mét và dài 3 km. Khu Nhượng địa được xây dựng ở phía Đông Nam thành phố, ngay giáp bờ sông Hồng, trong lịch sử từng nhiều lần bị ngập lụt hoặc nước lũ tàn phá.
Một năm sau, trận lũ năm 1885 tiếp tục cuốn trôi một mảng khoảng vài ngàn mét khối đất của khu Nhượng địa. Các tòa nhà công sở gồm tòa Tổng Trú sứ, dinh Tổng Tư lệnh, Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu... gần như bị đổ ụp xuống sông Hồng.
Những năm sau này, người Hà Nội tiếp tục chứng kiến nhiều trận bão lũ lịch sử, có thể kể đến như trận lũ năm 1971, đỉnh lũ ở Hà Nội là 14,13 m, vượt mức báo động 3 là 2,63 m (trận lũ năm 2024 này mực nước trên sông Hồng vẫn dưới mức báo động 3 là 0,26 mét). Mức đỉnh lũ năm 1971 được duy trì trên mức báo động 3 trong 8 ngày.
Theo một số dữ liệu được báo chí dẫn lại gần đây, trận lũ năm 1971 đã khiến 594 người thiệt mạng, 20 xã và 1 huyện bị ngập hoàn toàn. Thiệt hại của trận lụt này gây thiệt hại về tài sản khoảng 70 triệu đồng (tính theo tỷ giá năm 2023 thì vào khoảng hơn 13.000 tỷ đồng). Độ nguy hiểm của trận lụt này lớn đến mức nó được coi là trận lũ lụt lớn nhất trong hơn 250 năm qua (tính ở thời điểm đó) tại miền Bắc và 100 năm tại vùng đồng bằng sông Hồng.
Với cá nhân tôi, cũng như nhiều người Hà Nội khác đã nếm trải trận lũ lụt năm 2008. Khi mà ngay cả khu đô thị trung tâm cũng chìm trong nước lũ nhiều ngày, người ta bơi thuyền trên những con phố vốn thường ngày là dòng ô tô, xe máy.
Câu chuyện trị thủy là câu chuyện hàng ngàn năm của người Việt ở miền Bắc, và tôi hiểu rằng không gian phát triển sông Hồng bao nhiêu năm qua là sự giằng co giữa phát triển đô thị và tính an toàn thoát lũ của dòng sông. Sông Hồng chảy từ ngoài biên giới vào nước Việt nên đây còn là vấn đề hợp tác ứng phó với các thách thức về thiên tai, biến đổi khí hậu không phải của riêng nước ta.
Thành phố sông Hồng với Hà Nội “quay mặt” vào dòng sông, với sông Hồng làm trục giữa để phát triển các dự án hai bên bờ sông, với trục không gian cây xanh mặt nước, các công trình công cộng, công viên, công trình văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí, khu đô thị mới… là khát vọng đẹp để phát triển Hà Nội, để đánh thức nguồn lực bờ bãi sông Hồng. Và để Hà Nội không còn “quay lưng” vào dòng sông mẹ nữa.
Nhưng, vẫn là câu chuyện trị thủy, thoát lũ. Chứng kiến trận bão Yagi và lũ lụt sau đó, những ngày mà tin nổi bật trên các báo là mực nước sông Hồng thì có lẽ tầm nhìn thành phố sông Hồng sẽ phải là một tầm nhìn với “xác suất 500 năm nước lũ vượt quá bờ đê”. Thoát lũ vẫn phải là nhiệm vụ ưu tiên số một, bởi Hà Nội là Thủ đô./.
Nguồn: Nhà báo Thành Võ
Đọc thêm
Bài mới
Dự án Usilk City - một trong những dự án nổi bật của Công ty Cổ phần Sông Đà - Thăng Long, được khởi công từ năm 2008 với kỳ vọng biến nơi đây thành một khu đô thị sầm uất tại quận Hà Đông. Thế nhưng sau 16 năm, dự án trở thành một khu vực hoang vắng, nơi những tòa nhà cao tầng chỉ còn là di sản của những kế hoạch chưa thành hình.