Bác sĩ hướng dẫn cách phòng tránh và tự cứu mình khi xảy ra lũ lụt
Miền Bắc đang vật lộn với lũ lụt, làm sao để tránh nguy hiểm và tự cứu mình một cách khoa học? Kiến thức này rất quan trọng.
Bài viết này thuộc series Bão số 3 - Yagi
Cập nhật những thông tin mới nhất, hậu quả và những bài học đắt giá rút ra từ cơn bão số 3 (Yagi).
Sau bão Yagi, tất cả các dòng sông lớn nhỏ ở Miền Bắc có nước dâng cao, lũ lụt đã nhấn chìm các thành phố như Yên Bái và Thái Nguyên, lũ đang trực tiếp đe doạ Hà Nội và các thành phố khác, bài viết này xin hướng dẫn cách phòng tránh và tự cứu mình khi xảy ra lũ lụt.
Phần 1: Khái niệm cơ bản về lũ lụt
Lũ lụt thường đề cập đến sự gia tăng nhanh chóng của lượng nước, hoặc mực nước sông hồ tăng nhanh vượt quá khả năng xả, do các yếu tố tự nhiên như mưa lớn kéo dài hay do bão.
Phân loại cấp độ lũ lụt: Xu hướng phân loại trên thế giới với mức độ lũ có chu kì dưới 5 năm một lần thì là lũ nhỏ; lũ có chu kì từ 5 năm đến 20 năm là lũ trung bình; từ 20 – 50 năm là trận lũ lớn; trên 50 năm là trận lũ thảm khốc.
Có bao nhiêu loại cảnh báo lũ lụt.
Công tác phòng chống lũ lụt bao gồm bốn nhiệm vụ, một là ngăn lũ ở phía trên, hai là ngăn úng ở giữa, ba là ngăn triều cường ở phía dưới, bốn là ngăn lũ quét ở thượng nguồn. Bốn nhiệm vụ ấy được tập trung vào: cảnh báo sớm phòng lũ, cảnh báo sớm thoát nước trung tâm, cảnh báo sớm phòng triều cường, cảnh báo sớm ngập úng nông thôn và thành thị.
Cảnh báo và dự báo mưa lớn.
- Cảnh báo mưa lớn được ban hành khi phát hiện mưa lớn có khả năng xảy ra trước 48 giờ;
- Dự báo mưa lớn được ban hành khi phát hiện mưa lớn có khả năng xảy ra trước 24 giờ.
Cảnh báo lũ.
- Cảnh báo lũ cấp 1: Được ban hành khi phát hiện mực nước trên sông có khả năng lên mức báo động 1, hoặc đã đạt mức độ báo động 1 và còn tiếp tục xuất hiện lũ bất thường.
- Cảnh báo lũ cấp 2: Được ban hành khi mực nước trong sông đạt mức báo động 2 và còn tiếp tục lên hoặc khi mực nước trong sông đã xuống, nhưng vẫn còn cao hơn hoặc ở mức báo động 2.
- Cảnh báo lũ cấp 3: Được ban hành khi mực nước trong sông đạt mức báo động 3 và còn tiếp tục lên, hoặc khi mực nước trong sông đã xuống, nhưng vẫn còn cao hơn hoặc ở mức báo động 3.
Thực ra, trong Quyết định 18/2021/QĐ-TTg quy định có 3 mức, gồm “Tin cảnh báo lũ – Tin lũ – Tin lũ khẩn cấp”, cả 3 mức độ phụ thuộc vào mức báo động nước sông. Xu hướng thế giới kết hợp với phân độ theo lũ nhỏ, lũ vừa, lũ lớn và lũ thảm khốc.
Khái niệm quy hoạch phòng lũ.
Quy hoạch phòng chống lũ là việc xác định tiêu chuẩn phòng chống lũ trên cơ sở nghiên cứu đặc điểm, tác động của lũ trên lưu vực, phù hợp với điều kiện địa lí tự nhiên của lưu vực, điều kiện kinh tế - xã hội và nhu cầu phát triển kinh tế đất nước, việc lựa chọn hợp lí các kế hoạch kiểm soát lũ lụt được thực hiện để xác định các biện pháp kĩ thuật và phi kĩ thuật.
Phần 2: Những việc nên làm khi gặp lũ lụt
Trước lũ - Lũ lụt nghiêm trọng thường xảy ra ở các sông, vùng ven biển và vùng trũng khi có mưa bão liên tục hoặc lớn. Trước khi lũ đến thường có một số dấu hiệu báo trước như nước sông hoặc suối bỗng đục, tốc độ dòng chảy tăng, mực nước dâng cao, tiếng nước gầm như tiếng tàu chạy từ xa đến gần, động thực vật có phản ứng bất thường. Chuẩn bị thiết bị liên lạc, đèn pin, còi, gương, bật lửa, quần áo nhiều màu sắc và các vật dụng khác có thể dùng làm tín hiệu kêu cứu.
Khi lũ lụt ập đến
Về nguyên tắc, đầu tiên là phải chuẩn bị đầy đủ và di chuyển lên cao hơn để chờ cứu hộ, trôi trên bè hoặc bơi chỉ là phương án cuối cùng.
Nếu có đủ thời gian, nên đi theo lộ trình đã định và di chuyển có tổ chức lên sườn đồi, vùng cao, hoặc tìm một tòa nhà cao tầng kiên cố để di chuyển lên đó. Qúa trình di chuyển, phán đoán để tránh bị lũ cuốn trôi. Trong quá trình di chuyển, hãy chú ý thu thập các vật thể giúp làm nổi, ví dụ như thùng gỗ, can nhựa, các chai nhựa.
Khi lũ về quá nhanh và không kịp sơ tán, có thể trèo lên mái nhà, cây hoặc tường cao để trú ẩn tạm thời và chờ cứu hộ.
Khi bị lũ bao vây, mực nước tiếp tục dâng cao, thì phải tự làm bè thoát thân. Bè có thể là cửa, giường gỗ, tủ gỗ, hộp, can nhựa, chai nhựa, bất kể thứ gì nổi được trên mặt nước càng nhiều càng tốt. Nếu không tìm được dây kết bè, thì sử dụng ga trải giường, chăn, màn, thậm chí là quần áo để làm dây. Trước khi leo lên bè phải thử xem bè có nổi được không.
Việc thu gom thức ăn, các thiết bị phát tín hiệu (như còi, đèn pin, cờ, ga trải giường sáng), chèo thuyền là rất cần thiết.
Trước khi rời khỏi nơi trú ẩn để nổi, hãy ăn một ít đồ ăn và uống một ít đồ uống nóng để tăng cường sức lực.
Khi có điều kiện liên lạc, có thể báo cáo tình hình lũ lụt, tình trạng mắc kẹt cho chính quyền địa phương và cơ quan kiểm soát lũ lụt và tìm kiếm sự trợ giúp khi không có điều kiện liên lạc, bạn có thể bắn pháo hoa, đốt lửa, đốt khói, dùng còi, đèn pin, gương phản chiếu, vẫy cờ hay quần áo rực rỡ, kêu gọi sự giúp đỡ, liên tục gửi tín hiệu khẩn cấp ra thế giới bên ngoài.
Cần nhớ, cố gắng không bơi một mình, nếu phát hiện tháp điện cao thế bị sập hoặc dây điện treo thấp hoặc đứt, hãy tránh xa nguy hiểm và không chạm vào hoặc đến gần chúng.
Phần 3: Những việc nên làm nếu gặp phải lũ lụt trong đô thị
Trong lũ lụt, lượng mưa liên tục hoặc lượng mưa lớn tăng cao làm tăng nguy cơ ngập úng đô thị, cần có những phản ứng và những việc làm kịp thời.
Chú ý cảnh báo sớm - Chú ý liên tục tiếp nhận thông tin cảnh báo sớm về mưa lớn, tích tụ nước, tình trạng lũ lụt do cơ quan khí tượng thủy văn ban hành.
Lưu ý khi đi lại - Chú ý biển cảnh báo an toàn phòng chống lũ lụt bên đường, cố gắng ở gần các tòa nhà và tránh những nơi có xoáy nước để tránh rơi vào khu vực nguy hiểm như giếng sâu, hố không có nắp cống. Không đi lại ở những nơi trũng như cống, hầm chui. Tránh xa các cơ sở điện, nếu thấy các tháp điện cao thế hoặc cột điện bị đổ, hãy nhanh chóng di chuyển. Nếu trong nhà xảy ra tình trạng úng nước, nên cắt ngay nguồn điện và van gas.
Lưu ý khi lái xe
Cố gắng không trú mưa trong xe.
Khi lái xe qua đoạn đường có nước đọng, nếu không quen với điều kiện đường xá, nên chú ý các biển cảnh báo và tránh lội xuống nước.
Khi bắt buộc phải lội nước, hãy bật đèn pha, đèn nháy kép, đồng thời giữ khoảng cách rộng với xe phía trước để tránh nước dâng và nước bắn vào động cơ khiến xe chết máy.
Khi phải lái xe ở vùng nước sâu, hãy giữ vững chân ga, băng qua mặt nước với tốc độ thấp và tốc độ không đổi, đồng thời cố gắng không dừng lại, không chuyển số hoặc rẽ gấp.
Khi xe chết máy ở vùng nước sâu, không nên khởi động lại để tránh nước vào động cơ. Lý do, khi ô tô bị ngập trong nước, nước có thể lọt vào lọc gió. Khi động cơ ngấm nước, bugi bị ướt nên không thể đánh lửa.
Trong trường hợp nghiêm trọng, nước sẽ bị hút vào xi lanh, khiến tỉ số nén thay đổi, làm cong thanh kết nối, thậm chí làm thủng một lỗ trên khối xi lanh. Ngoài ra, nước tích tụ vào xi lanh không có tác dụng bôi trơn. Khởi động lại động cơ sẽ gây hao mòn nghiêm trọng piston, xi lanh của động cơ..., thậm chí có thể dẫn đến động cơ bị hỏng.
Khi nước ngoài xe ngày càng sâu, về nguyên tắc, ngay lập tức phải thoát ra ngoài. Cụ thể, khi nước dâng nhanh hoặc xe rơi xuống nước, việc đầu tiên cần làm là tháo dây an toàn và mở cửa xe, vì dùng cửa hông để thoát thân là cách an toàn và nhanh nhất sau khi xe rơi xuống nước, lúc này phải mở ngay khóa điều khiển trung tâm điện tử đề phòng trường hợp khóa cửa bị hỏng.
Nhưng nếu hệ thống khóa trung tâm mất điện và khóa cửa hoặc áp lực nước quá cao và cửa không mở được thì chỉ có thể thử cách sau: Đập vỡ cửa kính ô tô và thoát ra ngoài càng sớm càng tốt. Xe sẽ chìm trong một khoảng thời gian nhất định sau khi rơi xuống nước.
Đừng sợ xe sẽ chìm nếu bạn mở cửa sổ. Nếu mở hoặc đập được cửa, xe sẽ chìm trong vòng 5 đến 10 giây, nên phải nhanh chóng chui được ra khỏi xe để thoát thân.
Phần 4: Những việc nên làm khi gặp phải lở đất
Lở đất thường có đặc điểm là xảy ra đột ngột, diện tích tác động rộng và sức tàn phá cao.
1. Dấu hiệu nhận biết lở đất
- Nước sông bất thường: Nếu dòng nước bình thường ở lòng sông đột ngột dừng lại hoặc lũ lụt tăng đột ngột và có nhiều củi, nhiều cây cối hơn, thì có nghĩa là có thể đã hình thành dòng cặn vụn ở thượng nguồn sông.
- Ngọn núi bất thường: Trên núi có rất nhiều nước trắng xóa, sườn núi bị biến dạng, phồng lên, nứt nẻ, thậm chí các vật thể trên sườn núi cũng bị nghiêng nghiêng.
- Âm thanh thật bất thường: Nếu nghe thấy tiếng xào xạc trên núi nhưng không tìm được nguồn phát ra âm thanh thì đó có thể là âm thanh của đất lỏng và chảy, đó là dấu hiệu cho thấy một trận lở đất sắp xảy ra. Nếu có âm thanh ầm ầm hoặc rung chuyển nhẹ ở khe núi, thung lũng sâu thì có nghĩa là một trận lở bùn đang hình thành.
- Các tình huống bất thường khác: Đất khô hạn lâu ngày bắt đầu tích nước, đường sá xuất hiện nứt nẻ, bốt điện thoại công cộng, cây cối, hàng rào... nghiêng nghiêng đột ngột; trời mưa liên tục hoặc chỉ tạnh nhưng mực nước suối xuống nhanh.
2. Cách thoát hiểm khi lở đất
- Không chạy xuống hoặc lên: Nếu gặp lở đất, không chạy lên hoặc xuống dọc theo khe rãnh hay thung lũng, mà hãy chạy ngang sườn đồi hai bên và rời khỏi khu khe rãnh hay thung lũng.
- Không nên trú ẩn trên cây: Nếu gặp lũ quét, có thể trèo lên cây hoặc tòa nhà gần đó để tránh nguy hiểm, nhưng gặp phải lở đất là điều không nên.
- Không trốn đến những khu vực có địa hình thoáng đãng và cây cối thưa thớt: Có thể chọn khu vực gần đó có cây cối rậm rạp để trốn thoát một cách hiệu quả.
- Đừng đi ở phía lõm của khúc cua thấp, bằng phẳng vì mực nước ở khúc cua cao hơn.
- Ngoài ra, tránh ẩn nấp dưới những sườn đồi dốc với những tảng đá lăn và một lượng lớn mảnh vụn. Không trốn đến nơi có đất dày. Thoát ra nơi có đá, địa chất cứng, không có sỏi, khó bị mưa cuốn trôi.
Phần 5: Cá nhân chuẩn bị cho lũ lụt
1. Căn cứ thông tin lũ lụt do đài truyền hình, đài phát thanh, báo chí và các phương tiện truyền thông địa phương cung cấp, kết hợp với vị trí, điều kiện của bản thân, mỗi người hãy bình tĩnh tự vạch ra phương án sơ tán tốt nhất, tự chọn đường sơ tán tốt nhất, tránh tình trạng bị động.
2. Nhận biết rõ biển báo đường, làm rõ lộ trình, điểm đến sơ tán, tránh đi sai đường do hoảng sợ.
3. Chuẩn bị đủ đồ ăn liền hoặc đồ ăn có thể nấu trong vài ngày, chuẩn bị đầy đủ nước uống và nhu yếu phẩm hàng ngày.
4. Chuẩn bị sẵn các vật dụng phòng chống lũ lụt.
Nên dự trữ một số vật dụng phòng chống lũ lụt ở nhà như còi, đèn pin, áo phao, phao cứu sinh. Luôn để sẵn búa khẩn cấp, hộp dụng cụ phần cứng... để khi ở trong xe khi bị ngập sâu vào nước, dùng búa đập vào các mép, góc kính cửa bên dễ bị vỡ để thoát ra ngoài.
Chuẩn bị sẵn nước uống sạch, đồ ăn, đặc biệt là đồ ăn có nhiều năng lượng như kẹo bánh.
Chuẩn bị đồ vật chống lạnh, như quần áo đủ mặc, chăn mền ở nơi cao. Đồ vậy mang theo được như tiền, vàng bạc, kim cương thì khâu vào quần áo. Những đồ vật có giá trị không thấm nước, khó mang theo có thể chôn xuống đất hoặc đặt ở nơi cao.
Phần 6: Chính quyền chuẩn bị cho lũ lụt
Ở những vùng ngập nước có độ sâu từ 0,7 m trở lên, hoặc vùng có dòng chảy lũ, những nơi có nguy cơ xảy ra lũ lụt, thì cơ quan chính quyền cần chuẩn bị phương án sơ tán quy mô lớn và có tổ chức, tránh bị động.
Đầu tiên, hãy đặt tên cho đường sơ tán, đồng thời cho mọi người dân biết lũ sẽ ập đến đâu trước và đến sau, để chọn đường đi tốt nhất, tránh bị động khi có lũ về.
Thứ hai, phải chuẩn bị và hướng dẫn người dân nhận biết biển báo đường một cách rõ ràng. Chính quyền phải xây dựng sẵn đường sơ tán. Khi lũ lụt xảy ra, phải cắm biển báo đường, tránh tình trạng sơ tán không biết đường, đặc biệt công tác cứu nạn cứu hộ ca nô và xuồng không biết đường để tiếp cận những cư dân bị cô lập. Bởi vì, khi nước ngập thì có rất nhiều công trình ngầm phía dưới, như mái nhà, cột điện, cây cối, mồ mả… có thể đánh chìm các phương tiện cứu hộ.
Nói chung, những con đường sơ tán và cứu hộ như vậy phải là đường một chiều để giảm bớt tình trạng hỗn loạn và ùn tắc.
Trên những tuyến đường sơ tán và cứu hộ đó, có biển báo hướng đi để người dân di tản nhận biết, tránh đi mù quáng đi sai đường rồi quay lại sẽ va chạm với người khác, chen chúc, gây ra sự cố hỗn loạn.
Thứ ba, giúp người dân biết cách duy trì tâm trạng bình tĩnh. Nắm vững “tâm lý thảm họa” thực chất là một loại kiến thức.
Trung Quốc thử diễn tập phòng chống lũ với dân số 1,5 triệu người, khi triển khai sơ tán đã, do nhiều người tâm lí không tốt đã làm sập cây cầu do sự hỗn loạn, dẫn đến nhiều người thiệt mạng và bị thương.
Thảm hoạ sập cầu ở Campuchia cũng tương tự. Hay thảm hoạ lễ hội Halloween ở Hàn Quốc là điển hình.
Trong trận lũ lụt, những người sơ tán đã hoảng sợ vì nỗi đau của chính họ và sự mất mát to lớn của gia đình họ, nếu tiếp tục bị làm phiền bởi những tin đồn, những tiếng la hét bất ngờ, thậm chí tiếng còi báo động của xe cảnh sát và xe cứu thương... rất dễ gây ra hoảng loạn, hoang mang không đáng có, mà dẫn tới thảm hoạ.
Phần 7: Giải cứu lẫn nhau và phòng chống bệnh dịch
1. Cứu người bị đuối nước
Với người không biết bơi hoặc không nắm rõ kiến thức cứu hộ, tuyệt đối không nhảy xuống nước, mà dùng các biện pháp như ném phao cứu sinh, nhựa xốp, ván gỗ, cây gỗ hoặc cành cây, dây thừng để người bị đuối nước bám vào. Khi kéo người đuối nước bằng tay, nên ngồi xổm hoặc nằm trên bờ, để tránh bị kéo xuống nước.
Trường hợp bơi giỏi, cần xuống nước để cứu, thì nên cởi giày và quần áo để tránh lực cản, tiếp cận người đuối nước từ phía sau họ và bên hông trái của mình.
Tuyệt đối không tiếp cận người đuối nước từ phía trước hay phía hông của họ. Dùng tay trái luồn qua nách trái nạn nhân để ôm lấy họ, tay phải nắm lấy tóc, bơi ở tư thế bơi ngửa phía sau.
Trường hợp bị người đuối nước ôm, nhưng vì họ qườ tay ra sau nên không thể ôm chặt, đừng sợ, hãy gỡ tay họ ra và giữ lại tư thế để bơi. Khi bơi, hãy xuôi theo dòng chảy, để tiếp cận vào bờ.
Người bị đuối nước sẽ vô cùng hoảng sợ, nhưng khi gặp người cứu hộ, muốn sống thì phải bình tĩnh và hợp tác với người cứu hộ.
Khi người cứu hộ tiếp cận, không được phép ôm lấy người cứu hộ, hãy nằm ngửa trên mặt nước theo sự giúp đỡ của người cứu hộ, không được vùng vẫy, không được la hét để bảo toàn sức lực cho cả bản thân lẫn người cứu hộ.
Khi đưa người đuối nước vào bờ, nếu ngừng thở ngừng tim, phải ngay lập tức khai thông đường hô hấp, ngay lập tức hồi sức tim phổi nhân tạo đúng bài bản.
2. Nếu bị chuột rút ở dưới nước
Khi bị chuột rút dưới nước, hãy nằm ngửa trên mặt nước, giãn cơ bị chuột rút, sau đó sử dụng các kiểu bơi khác để bơi trở lại bờ sau khi cơn chuột rút đã thuyên giảm.
Nếu bạn bị chuột rút ở bàn chân, một bàn tay nắm lấy các ngón chân và kéo về phía cẳng chân, đồng thời bàn tay kia tiếp tục ấn vào gót chân.
Nếu bạn bị chuột rút ở đùi, hãy gập đầu gối và sau đó duỗi đùi về phía trước. Khi uốn, duỗi không có hiệu quả thì dùng tay xoa bóp thật mạnh, đồng thời dùng phương pháp kéo, bẻ để phục hồi.
Sau khi hết chuột rút, hãy dùng ngón tay xoa bóp cho đến khi cảm giác cứng khớp biến mất.
3. Vệ sinh nước uống sau lũ lụt
Sau lũ lụt, sẽ vô cùng khó để có nguồn nước sạch, ngay kể cả nguồn nước máy cũng không đảm bảo sạch, mà nước là tác nhân gây bệnh đầu tiên và quan trọng nhất.
Nếu phải dùng nước mặt, khi uống phải kết tủa, khử trùng hoặc đun sôi từ 5-10 phút. Có thể dùng các biện pháp như thêm 12 gam phèn chua, hoặc 1 đến 2 gam bột tẩy trắng vào 100 kg nước sau khi khuấy đều, để có thể khử trùng sau khi kết tủa.
Khử trùng giếng bị ngập nước, đầu tiên, giếng phải được rút nước để loại bỏ phù sa.
Thứ hai, sau khi nước sạch chảy ra từ giếng đạt đến mực nước bình thường, thêm 150 đến 200 gram bột tẩy trắng chứa 25% clo cho mỗi mét khối nước, ngâm trong 12 đến 24 giờ rồi tháo hết nước.
Thứ ba, sau khi lượng nước thấm tự nhiên đạt đến mực nước bình thường, thêm bột tẩy trắng với tỷ lệ 10 đến 20 gam trên một mét khối là có thể uống được.
Không ăn thực phẩm và ngũ cốc đã bị ngâm trong nước, bị ngâm chua, bị mốc, thực phẩm làm từ ngũ cốc không sạch cũng không thể ăn được.
Không ăn gia súc, gia cầm chết do lũ lụt. Hầu hết cá, tôm, sò chết dưới nước đều bị nhiễm độc, không thể ăn được.
Phun hóa chất và các phương pháp khác để diệt côn trùng, muỗi, ruồi và chuột, đồng thời làm lưới chắn ruồi để ngăn ngừa ô nhiễm thực phẩm.
Phải tăng cường quản lí y tế công cộng, rác thải sinh hoạt trong các khu tạm trú phải được dọn dẹp kịp thời, xử lí phân đúng cách và phun nước vôi hoặc formalin vào môi trường xung quanh để khử trùng.
Giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt, tắm rửa và thay quần áo thường xuyên, phơi khô khăn trải giường kịp thời và tăng cường thông gió ở những nơi tạm trú.
Khi có bệnh phải tìm cách chữa trị kịp thời và thực hiện tốt việc cách li để tránh lây nhiễm lẫn nhau ở nơi đông đúc.
Những dịch bệnh sau lũ bao gồm bệnh tiêu chảy, bệnh đường hô hấp, bệnh ngoài da, bệnh truyền nhiễm; cần phải có kiến thức phòng tránh những bệnh này./.
Tin liên quan
Bài mới
Dự án Usilk City - một trong những dự án nổi bật của Công ty Cổ phần Sông Đà - Thăng Long, được khởi công từ năm 2008 với kỳ vọng biến nơi đây thành một khu đô thị sầm uất tại quận Hà Đông. Thế nhưng sau 16 năm, dự án trở thành một khu vực hoang vắng, nơi những tòa nhà cao tầng chỉ còn là di sản của những kế hoạch chưa thành hình.