Đất Cổ Loa lên 300 triệu đồng/m², giá biệt thự lập kỷ lục: Bất động sản Đông Anh bước vào giai đoạn "nóng bỏng tay"
Giá đất tại khu vực Đông Anh, đặc biệt là Cổ Loa, đang khiến giới đầu tư bất động sản xôn xao với mức giá dự kiến cho biệt thự Vinhomes Cổ Loa lên tới 730 triệu đồng/m². Sức hút này không chỉ đến từ vị trí đặc biệt mà còn là những biến động mạnh mẽ của thị trường đất nền ven đô, khi Đông Anh dần chuyển mình thành khu vực trọng điểm phát triển đô thị mới.
Bài viết này thuộc series Sống ở Vinhomes
Những thông tin, chia sẻ từ các dự án, cuộc sống, tiện ích và trải nghiệm thú vị về Vinhomes.
Đất Đông Anh thiết lập mặt bằng giá mới
Trong vòng 3 tháng qua, thị trường đất nền Đông Anh đã chứng kiến một sự thay đổi đáng kể. Cùng với thông tin về việc Đông Anh sẽ được nâng cấp lên quận và sự phát triển mạnh mẽ của dự án Vinhomes Cổ Loa, giá đất tại các khu vực lân cận đã tăng trưởng nhanh chóng, "kéo" theo nhiều nhà đầu tư từ khắp nơi đổ về.
Nhiều khu đất gần dự án Cổ Loa hiện đang được chào bán với mức giá từ 200-250 triệu đồng/m², với một số khu vực giá lên tới 300 triệu đồng/m².
Những thông tin về các dự án lớn như Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia của Vingroup và dự án cầu Tứ Liên nối quận Tây Hồ với Đông Anh đã làm "nóng" thị trường.
Nhưng không phải tất cả các giao dịch đều thành công, do chủ đất vẫn đang chờ đợi điều kiện thị trường tốt hơn.
Theo khảo sát, tại xã Xuân Canh, nơi gần dự án mới khởi công của Vingroup, giá đất mặt đường hiện đạt 120-140 triệu đồng/m², trong khi giá đất trong ngõ cũng tăng lên 80-97 triệu đồng/m².
Một lô góc với diện tích gần 130m² tại xã này được rao bán với giá 197 triệu đồng/m². Chủ nhà cho biết, lô đất này sát vách dự án, view nhìn ra cầu Tứ Liên trong tương lai và gần sông Hồng.
Các xã khác như Đông Hội, Mai Lâm cũng ghi nhận sự tăng trưởng giá đất mạnh mẽ, với giá lên tới 230-240 triệu đồng/m² ở những khu vực gần các dự án lớn.
Tương tự, tại xã Hải Bối và Vĩnh Ngọc, giá đất gần dự án khu đô thị Thành phố Thông minh cũng đã tăng cao, với mức giá 150-180 triệu đồng/m² cho các mảnh đất nằm sát dự án. Một lô đất mặt tiền ở xã Vĩnh Ngọc có giá bán lên đến 300 triệu đồng/m².
Các môi giới cho biết sức hút của đất nền Đông Anh tăng nhanh trong 2 tháng qua nhờ vào tiềm năng sinh lời cao của các dự án lớn gần đó, kỳ vọng vào các dự án mới và sự quan tâm đến giao thông. Kèm theo đó, chính quyền địa phương có thể sẽ có ưu đãi.
Ông Nguyễn Văn Đỉnh - chuyên gia pháp lý bất động sản cho rằng, đất đã trở thành công cụ đầu tư hơn là giải quyết nhu cầu ở thực, dẫn đến giá nhà, đất tăng cao và giấc mơ an cư của người lao động thu nhập thấp ngày càng xa.
Ông Nguyễn Văn Đỉnh nêu ra thắc mắc trước hiện tượng nhiều lô đất đã tăng giá phi mã nhưng các nhà đầu tư vẫn kiên trì "ôm" không bán: "Tại sao họ có thể găm đất trong nhiều năm mà không hề lo lắng về vốn?"
Theo chuyên gia Đỉnh, điều này cần được lý giải từ vai trò của các ngân hàng. Đối với giới nhà băng, nhóm nhà đầu tư này là tệp khách hàng VIP, bởi khoản vay thế chấp bằng nhà đất - một loại tài sản luôn được xem là tăng giá và ít rủi ro.
Giá biệt thự tại Vinhomes Cổ Loa Đông Anh lập kỷ lục với 730 triệu đồng/m²
Thị trường bất động sản Hà Nội đang dồn nhiều sự chú ý về phía Đông Anh, với mức giá đất biệt thự dự kiến tại dự án Vinhomes Cổ Loa đạt tới 730 triệu đồng/m².
Theo thông tin từ một môi giới, căn biệt thự đơn lập diện tích 225,7m² tại phân khu Tinh hoa, khu vực được coi là “tinh hoa” nhất của dự án Vinhomes Cổ Loa, có giá tham khảo 164,9 tỷ đồng.
Không chỉ dừng lại ở đó, các biệt thự khác trong dự án này cũng dao động từ 600 triệu đến 730 triệu đồng/m², đắt hơn nhiều so với khu vực trung tâm Hà Nội như Tây Hồ Tây, nơi giá chỉ dao động từ 420-550 triệu đồng/m².
Ngoài ra, các căn liền kề tại dự án cũng có giá từ 300-400 triệu đồng/m², tùy thuộc vào diện tích và vị trí. Tuy nhiên, theo các chuyên gia bất động sản, phần lớn giao dịch ở giai đoạn này chủ yếu là suất ngoại giao, tức là các căn hộ này chỉ đang ở mức giá tham khảo để thăm dò thị trường.
Không chỉ riêng Vinhomes Cổ Loa, các dự án biệt thự và liền kề tại Hà Nội cũng đang trải qua nhiều biến động mạnh mẽ.
Theo khảo sát, giá biệt thự tại Starlake Tây Hồ Tây dao động từ 420-550 triệu đồng/m², trong khi đó tại các khu vực lân cận như Ngoại giao đoàn và Ciputra, giá biệt thự và liền kề dao động từ 270-450 triệu đồng/m².
Tại phía Tây Hà Nội, các dự án như Mailand và Hà Đô Charm Villas đang ghi nhận mức giá biệt thự lần lượt từ 150-220 triệu đồng/m² và 115-171 triệu đồng/m², tương đương từ 27-77 tỷ đồng/căn. Đây là những con số rất cao so với mặt bằng giá nhiều năm trước.
Trong khi đó, các khu vực phía Nam Hà Nội như Hà Đông và Thanh Hà cũng chứng kiến sự gia tăng đáng kể. Đặc biệt, biệt thự mặt hồ tại Thanh Hà hiện có giá lên tới 180 triệu đồng/m², tương đương khoảng 54-60 tỷ đồng/căn.
Điều này cho thấy các khu vực ven đô Hà Nội đang thu hút một lượng lớn nhà đầu tư khi thị trường nội đô ngày càng khan hiếm quỹ đất.
Bà Đỗ Thị Thu Hằng - Giám đốc cấp cao bộ phận tư vấn và nghiên cứu Savills Hà Nội cho biết: "Trong thời gian tới, với thực trạng quỹ đất, dự án và nguồn cung tại trung tâm có hạn, xu hướng dịch chuyển ra vùng ven đô sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, tác động đến cả hai phân khúc căn hộ và biệt thự/ liền kề".
Theo dự báo của Savills, từ nay đến cuối năm 2024, nguồn cung biệt thự và liền kề sẽ tăng mạnh với 2.951 căn từ 13 dự án, trong đó Đông Anh chiếm 34% nguồn cung tương lai.
Đánh giá về xu hướng dịch chuyển ra vùng ven, bà Hằng cho rằng trong bối cảnh này, thành phố buộc phải đầu tư phát triển hạ tầng vành đai, hướng tâm giảm tải cho nội đô, giãn dân ra các vùng ven.
"Hiện nay, đã có các khu đô thị mới ở những khu vực xa trung tâm được đầu tư tiện ích đồng bộ, chất lượng với số lượng giao dịch ngày càng tăng khiến người dân đã cởi mở hơn với việc dịch chuyển ra các khu vực này. Nhu cầu còn đến từ những người có thể làm việc từ xa, không đòi hỏi phải di chuyển nhiều mà vẫn có thể có được tiện ích đồng bộ, hạ tầng cảnh quan tốt", bà Hằng nhìn nhận.
Hạ tầng hoàn chỉnh - Giá nhà đất tăng có phải điều tất yếu?
Với sự phát triển của các dự án quy mô lớn như Vinhomes Cổ Loa, Đông Anh đang trở thành tâm điểm của thị trường bất động sản Hà Nội, thu hút không chỉ các nhà đầu tư trong nước mà còn cả các nhà đầu tư quốc tế.
Dữ liệu công bố mới đây của kênh Batdongsan cho thấy, nửa đầu năm 2024, Hà Nội ghi nhận lượt tìm kiếm các loại đất bán tăng 118% so với cùng kỳ. Đầu năm, thị trường Thủ đô từng sốt cục bộ đất nền, thổ cư tại các huyện vùng ven và ngoại thành với nhu cầu tìm kiếm tăng vọt.
Trong quý I, mức độ quan tâm đất nền tăng mạnh tại một số huyện ngoại thành Hà Nội như Đông Anh, Hoài Đức. Chỉ số này gần chạm đến mức quan tâm của quý I/2022 - giai đoạn thị trường bất động sản sôi động.
Sang quý II, kênh này cho biết đất nền vẫn ghi nhận những diễn biến tích cực với mức độ quan tâm tăng 33% so với quý I/2021. Riêng đất nền Đông Anh ghi nhận giá bán và mức độ quan tâm tăng trưởng mạnh nhất trong số các huyện vùng ven Hà Nội. So với quý trước đó, giá bán đất nền Đông Anh tăng 24%, mức độ quan tâm tăng 104%.
Theo khảo sát của batdongsan.com.vn, đất nền Đông Anh đang có sự tăng trưởng mạnh về giá. Đất Đông Trù, Lễ Pháp, Tiên Dương, Uy Nỗ, Đông Hội… có vị trí mặt đường lớn kinh doanh đang có giá chào bán 170 - 220 triệu/m2, trong khi cuối năm ngoái mức giá chỉ dao động 130-160 triệu/m2.
Các chuyên gia cho rằng mặc dù sự phát triển hạ tầng là yếu tố quan trọng thúc đẩy giá đất, nhưng mức độ tăng giá hiện tại có thể không phản ánh đúng cung cầu thực tế.
Nhà đầu tư và người mua cần cân nhắc kỹ lưỡng và theo dõi sát sao diễn biến thị trường trước khi quyết định đầu tư./.
Đọc thêm
Tin liên quan
Bài mới
Sự sôi động của thị trường bất động sản Việt Nam trong quý III năm 2024 cho thấy những chuyển biến tích cực, mặc dù vẫn tồn tại nhiều thách thức. Theo VARS, thị trường bất động sản dự kiến sẽ tiếp tục "nóng" lên vào cuối năm khi các quy định pháp lý mới chính thức có hiệu lực, cùng với việc các chủ đầu tư gia tăng tốc độ triển khai dự án.
Sau một thời gian dài ảm đạm, bất động sản vùng ven và ngoại ô đang chứng kiến sự phục hồi đầy hứa hẹn. Với hạ tầng giao thông và dịch vụ phát triển, nhu cầu mua đất tại đây ngày càng tăng. Phong trào "bỏ phố về quê" vẫn tiếp diễn, khi nhiều người tìm về vùng ngoại ô để xây dựng homestay và phát triển các mô hình sinh thái độc đáo.