Nhiều doanh nghiệp bất động sản mắc "bạo bệnh" nhưng đã vượt qua giai đoạn "sinh - tử"
Tình hình tài chính của các chủ đầu tư bất động sản nhìn chung vẫn khá yếu, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn đầy cam go, đứng vững và tiếp tục hoạt động đến thời điểm hiện tại.
Thị trường bất động sản TP.HCM đã thoát khỏi vùng đáy khó khăn
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), thị trường bất động sản tại TP.HCM đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong quý I/2023 và bắt đầu phục hồi từ quý II/2023.
Ông Châu khẳng định, xu hướng này sẽ tiếp tục và không bị đảo ngược. Mặc dù vào cuối năm 2023, thị trường bất động sản giảm 0,8%, nhưng bước sang năm 2024, trong 9 tháng đầu năm, thị trường đã tăng trưởng dương, đạt mức 6-7%, báo hiệu sự phục hồi rõ nét.
Sức khỏe doanh nghiệp bất động sản rất yếu. Trước đây, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, phải trải qua tình trạng "bạo bệnh", nhưng hiện đã vượt qua giai đoạn "sinh tử".
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM
Minh chứng cho sự hồi sinh này, doanh thu kinh doanh bất động sản của TP.HCM trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 199.150 tỷ đồng, chiếm hơn 60% tổng doanh thu dịch vụ của thành phố và tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là tín hiệu tích cực cho thấy thị trường địa ốc đang từng bước lấy lại đà tăng trưởng sau thời gian dài đối mặt với nhiều khó khăn.
Dù có dấu hiệu khởi sắc, nhưng tình hình phát triển dự án nhà ở tại TP.HCM vẫn còn hạn chế. Trong 8 tháng đầu năm 2024, chỉ có 9 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư mới, trong đó TP. Thủ Đức chiếm tới 6 dự án, song quy mô của các dự án này lại khá nhỏ, lớn nhất chỉ đạt 5 ha.
Số dự án đủ điều kiện huy động vốn cũng chỉ có 4, cung cấp tổng cộng 1.011 căn, nhưng toàn bộ đều thuộc phân khúc cao cấp, không có sự xuất hiện của phân khúc trung cấp hay bình dân.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là sức khỏe tài chính của các chủ đầu tư vẫn "rất yếu". Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phải vượt qua giai đoạn "sinh tử" để có thể tồn tại đến nay.
Chính vì thế, ông Châu khuyến nghị các doanh nghiệp cần phải "liệu cơm gắp mắm", tránh dàn trải nguồn lực và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra các quyết định đầu tư.
TP.HCM nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), mặc dù "thị trường bất động sản tại TP.HCM vẫn đang nằm trong vùng tối và xám", nhưng một số tín hiệu tích cực đã bắt đầu xuất hiện.
Một trong những dấu hiệu đáng chú ý là việc Cục Thuế TP.HCM đã hoàn tất xử lý 15.800 hồ sơ tồn đọng của các cá nhân và hộ gia đình. Đây là động lực lớn cho các nhà đầu tư khi thị trường đang từng bước hồi phục.
Điểm sáng thứ hai, theo ông Châu là Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 115 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.
Trong đó, một điểm mới quan trọng là việc sửa đổi quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư không còn bắt buộc phải quy hoạch theo tỷ lệ 1/500. Hiện nay, khoản 3 Điều 68 của Nghị định đã giải quyết vấn đề này.
Trước đây, Nghị quyết 98 của Quốc hội hiện chỉ giải quyết việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với nhà ở xã hội tại TP.HCM, trong khi các dự án nhà ở thương mại vẫn chưa được hỗ trợ. Tuy nhiên, Nghị định 115 đã sửa đổi toàn diện và áp dụng cho cả nước, phần nào tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Đáng chú ý, số lượng các dự án gặp vướng mắc tại TP.HCM ban đầu là hơn 148, nhưng đến nay đã giải quyết được khoảng một phần ba số dự án này ở nhiều cấp độ khác nhau. Một số dự án đã được phép huy động vốn lên đến 50%, giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều thách thức.
"Mặc dù đây chưa phải là giải pháp triệt để, nhưng đã hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Hiệp hội đang tiếp tục kiến nghị TP.HCM tháo gỡ các vướng mắc cho các dự án trên địa bàn", ông Châu cho biết.
Ông Châu nhấn mạnh rằng, để giảm giá nhà ở, trước hết cần tăng nguồn cung, đặc biệt là nhà ở vừa túi tiền. Do đó, việc tháo gỡ cho các dự án vướng mắc là rất cần thiết. Nếu TP.HCM có thể thành công triển khai chương trình 1 triệu căn nhà xã hội, sẽ tạo điều kiện để giá nhà giảm xuống, mang lại lợi ích cho người mua nhà.
Tuy nhiên, ông Châu cũng chỉ ra một vấn đề trong Luật Đất đai 2024: Hiện nay, chỉ cho phép các chủ đầu tư sử dụng đất ở để phát triển dự án nhà ở thương mại. Trong khi đó, quỹ đất ở mà các nhà đầu tư có quyền sử dụng không nhiều.
Vì vậy, HoREA đang kiến nghị Nhà nước nới rộng phạm vi tiếp cận đất đai, nhằm tạo điều kiện tăng nguồn cung nhà ở, đặc biệt là những dự án vừa túi tiền để giải quyết bài toán nhà ở cho người dân./.
Đọc thêm
Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Taseco và Công ty Cổ phần Xây dựng và Thiết bị Hà Nam vừa chính thức trở thành nhà đầu tư cho dự án Khu đô thị mới phía Nam trung tâm hành chính thị xã Duy Tiên (DT-PK.01.21.1), tỉnh Hà Nam với tổng vốn đầu tư hơn 4.764 tỷ đồng.
Theo ông Trần Quang Trung - Giám đốc phát triển Kinh doanh OneHousing, khó có thể khiến giá bất động sản ở Hà Nội hay TP.HCM là hai đầu tàu kinh tế của Việt Nam rẻ đi với việc di dân cơ học, công ăn việc làm tập trung và là nơi phần lớn mọi người đều mong muốn an cư lạc nghiệp.
Sau nhiều năm gián đoạn do đại dịch COVID-19, thị trường bán lẻ tại TP.HCM đã có những bước tiến lớn trong năm 2024. Với sự ra mắt của các trung tâm thương mại mới và sự gia tăng diện tích thuê, ngành bán lẻ dường như đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai gần.
Tin liên quan
Theo ông Trần Quang Trung - Giám đốc phát triển Kinh doanh OneHousing, khó có thể khiến giá bất động sản ở Hà Nội hay TP.HCM là hai đầu tàu kinh tế của Việt Nam rẻ đi với việc di dân cơ học, công ăn việc làm tập trung và là nơi phần lớn mọi người đều mong muốn an cư lạc nghiệp.
Sau nhiều năm gián đoạn do đại dịch COVID-19, thị trường bán lẻ tại TP.HCM đã có những bước tiến lớn trong năm 2024. Với sự ra mắt của các trung tâm thương mại mới và sự gia tăng diện tích thuê, ngành bán lẻ dường như đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai gần.
Bà Dương Thuỳ Dung - Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho biết, một xu hướng ngày càng rõ ràng hơn là sự quan tâm ngày càng tăng của các chủ đầu tư và người mua nhà đến các thị trường lân cận như Bình Dương, Long An với ngày càng nhiều dự án nhà ở được triển khai quanh khu vực giáp ranh giữa các tỉnh với TP.HCM.