Sau soát xét, lãi của Địa ốc Sài Gòn chuyển từ dương thành âm
Ở báo cáo tài chính hợp nhất bán niên được soát xét của CTCP Tổng công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (Saigonres - HoSE: SGR), nhiều dữ liệu thay đổi so với báo cáo tự lập.
Ở báo cáo tài chính bán niên soát xét, doanh thu thuần của Địa ốc Sài Gòn ở mức 60 tỷ đồng, giảm 21% so với mức trên 76 tỷ đồng tại báo cáo tự lập, tăng tới 109% so với cùng kỳ.
Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp sau soát xét chỉ còn hơn 25 tỷ đồng, giảm 15 tỷ đồng so với báo cáo tài chính mà Saigonres tự lập.
Trước soát xét, chi phí quản lý doanh nghiệp của Địa ốc Sài Gòn ghi nhận 22 tỷ đồng. Tuy nhiên với tài liệu hiện tại, con số là 33 tỷ đồng, tăng 48%.
Có thể thấy, sau khi báo cáo tài chính được soát xét, 6 tháng đầu năm 2024, Địa ốc Sài Gòn ghi nhận lỗ 23,3 tỷ đồng trong khi trước đó theo tài liệu tự lập, công ty này ghi nhận lãi 2,3 tỷ đồng.
Saigonres lý giải, điều này bắt nguồn chủ yếu điều chỉnh giảm doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản, khoản doanh thu này sẽ được ghi nhận vào kỳ sau khi đủ điều kiện ghi nhận và đồng thời phải trích lập dự phòng phải thu theo đề nghị của kiểm toán.
Tính tới ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Saigonres đạt 2.094 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 2.107 tỷ đồng từ báo cáo tự lập.
Ở báo cáo soát xét, các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 936 tỷ đồng, tồn kho ghi nhận 520 tỷ đồng.
Đáng chú ý, đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn của Địa ốc Sài Gòn tăng từ hơn 7 tỷ đồng lên 27 tỷ đồng sau soát xét.
Bên cạnh đó, tổng nợ vay tài chính của Saigonres ghi nhận 407,6 tỷ đồng, gần như không thay đổi so với báo cáo tự lập. Nguyên nhân chủ yếu do phát sinh khoản vay hơn 56,6 tỷ đồng tại BIDV - chi nhánh Trường Sơn với mục đích bổ sung vốn lưu động./.
Đọc thêm
Tin liên quan
Bài mới
Kể từ ngày 4/10/2024, Nghị định 123/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, quy định rõ ràng về các hình thức xử phạt đối với các vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Các hành vi như chậm trễ trong việc sang tên hay tự ý sửa đổi thông tin trên sổ đỏ sẽ bị xử lý nghiêm khắc, với mức phạt có thể lên đến 100 triệu đồng.
Sự sôi động của thị trường bất động sản Việt Nam trong quý III năm 2024 cho thấy những chuyển biến tích cực, mặc dù vẫn tồn tại nhiều thách thức. Theo VARS, thị trường bất động sản dự kiến sẽ tiếp tục "nóng" lên vào cuối năm khi các quy định pháp lý mới chính thức có hiệu lực, cùng với việc các chủ đầu tư gia tăng tốc độ triển khai dự án.
Sau một thời gian dài ảm đạm, bất động sản vùng ven và ngoại ô đang chứng kiến sự phục hồi đầy hứa hẹn. Với hạ tầng giao thông và dịch vụ phát triển, nhu cầu mua đất tại đây ngày càng tăng. Phong trào "bỏ phố về quê" vẫn tiếp diễn, khi nhiều người tìm về vùng ngoại ô để xây dựng homestay và phát triển các mô hình sinh thái độc đáo.