Thủ tướng chỉ đạo ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm trong đấu giá đất
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 82/CĐ-TTg chỉ đạo các cơ quan liên quan kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất.
Bài viết này thuộc series Đấu giá đất vùng ven Hà Nội: Điều gì đang diễn ra?
Đằng sau những phiên đấu giá đất ở vùng ven Hà Nội như Thanh Oai, Hoài Đức, Phúc Thọ, Sóc Sơn... đang gây sốt trên thị trường là gì?
Công điện của Thủ tướng nêu rõ, vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2024, trong đó có quy định về việc đấu giá quyền sử dụng đất. Một số địa phương đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đạt kết quả, góp phần bổ sung nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Tuy nhiên, một số trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm (có trường hợp cao bất thường được cơ quan thông tin đại chúng phản ánh) đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội, có thể tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh và thị trường nhà ở, bất động sản.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đất đai, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, xử lý theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất.
Kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, không để xảy ra trục lợi, đồng thời xử lý và đề xuất phương án xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng gây nhiễu loạn thị trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/8/2024.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp nghiên cứu, đánh giá cụ thể các tác động của kết quả đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, nhất là các trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường (cung, cầu) nhà ở, bất động sản, chủ động điều tiết, giải quyết theo thẩm quyền và có giải pháp xử lý hiệu quả hoặc đề xuất các giải pháp hạn chế các tác động tiêu cực (nếu có), báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Các cơ quan chức năng chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong việc đấu giá quyền sử dụng đất nhất là các hành vi cấu kết thao túng thị trường, thổi giá để tạo ra thị trường không lành mạnh, không đúng thực tế để trục lợi…
Gần đây, một số huyện vùng ven Hà Nội đã tổ chức đấu giá đất và các lô đất này đều được đấu với mức giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm.
Đơn cử như ngày 19-20/8, các lô đất tại xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức) khiến nhiều người bất ngờ khi lô cao nhất trúng với giá 133,3 triệu đồng/m2, gấp hơn 18 lần giá khởi điểm.
Ngày 10/8, phiên đấu giá 68 lô đất tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai có mức giá trúng cao nhất vượt hơn 100 triệu đồng/m².
Ngay sau 2 phiên đấu giá này, nhiều lô đất đã được nhà đầu tư rao bán lại với mức chênh lệch lên đến hàng trăm triệu đồng./.
Đọc thêm
Giống như "sóng sau đè sóng trước", thị trường đất nền đấu giá ngoại thành Hà Nội đang bùng nổ, lập nên hàng loạt kỷ lục giá mới. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, việc đẩy giá cũng có thể gây ra tình trạng dòng tiền bị ứ đọng vào đất.
Trong bối cảnh giá đất liên tục tăng cao và các cuộc đấu giá trở nên sôi động, tình trạng thổi giá đất và những vấn đề liên quan đến bảng giá đất mới đang trở thành chủ đề nóng, chuyên gia pháp lý Nguyễn Văn Đỉnh đã phân tích về nguyên nhân sâu xa của tình trạng này và đề xuất các giải pháp pháp lý để quản lý hiệu quả hơn.
Luật sư Diệp Năng Bình đã đưa ra những phân tích và đề xuất quan trọng về việc cần siết chặt quy định pháp luật trong đấu giá đất và thẩm định giá đất, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc ngăn chặn "cò đất" lợi dụng kẽ hở để trục lợi và làm nhiễu loạn thị trường bất động sản.
Tin liên quan
Nhằm làm rõ việc một nhóm người có dấu hiệu "kích sóng" đất nền tại vụ đấu giá đất lên tới 133,3 triệu đồng/m2 tại Hoài Đức, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang phối hợp với cơ quan công an tiến hành xác minh.
Mấy vụ đấu giá này diễn ra rất thô, xem chừng vừa muốn gây shock, vừa muốn gặt hái. Và gây shock, gặt hái gì ở đây?
Bài mới
Dự án Khu đô thị FLC Legacy Kon Tum, nằm ngay trung tâm hành chính của thành phố Kon Tum, đã được định hướng trở thành tổ hợp thương mại, dịch vụ và nhà ở hiện đại bậc nhất của tỉnh Kon Tum và khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, do "gặp nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau", Tập đoàn FLC đã chính thức xin dừng triển khai dự án trị giá 1.700 tỷ đồng này.