Bảng giá đất cũ tiếp tục được áp dụng đến hết năm 2025
Bộ Tài chính cho hay, các địa phương sẽ tiếp tục áp dụng Bảng giá đất được ban hành theo Luật Đất đai 2013 cho đến hết năm 2025.
Bài viết này thuộc series Thị trường Bất động sản sau 1/8/2024
Thị trường Bất động sản sau 1/8/2024 có nhiều thay đổi quan trọng với các chủ đầu tư, người mua nhà, đặc biệt là về pháp lý, thủ tục...
Trong văn bản gửi các Bộ, cơ quan Trung ương và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, Bộ Tài chính đã nhấn mạnh việc chỉ đạo và thực hiện các quy định mới của Luật Đất đai 2024 về quản lý và sử dụng tài sản công.
Tiếp tục áp dụng Bảng giá đất cũ, điều chỉnh khi cần thiết
Bộ Tài chính cho biết, bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo Luật Đất đai 2013 sẽ tiếp tục được áp dụng cho đến hết ngày 31/12/2025. Trong trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh có thể điều chỉnh bảng giá đất này để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, theo quy định tại Điều 17 Nghị định 71/2024 của Chính phủ về giá đất.
Kể từ khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ đầu tháng 8, nhiều địa phương đã gặp khó khăn trong việc xử lý thủ tục đất đai, đặc biệt là vấn đề tính thuế từ sử dụng, chuyển nhượng, và đền bù đất. Tại TP.HCM, cơ quan thuế các quận, huyện và TP. Thủ Đức chỉ thực hiện xác định nghĩa vụ tài chính đối với các hồ sơ được chuyển trước ngày 31/7. Đối với các hồ sơ chuyển từ ngày 1/8, cơ quan thuế vẫn đang chờ hướng dẫn từ Cục Thuế TP.HCM, do Luật Đất đai 2024 đã bãi bỏ khung giá đất và hệ số K, chỉ căn cứ vào bảng giá đất để tính tiền sử dụng đất.
Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) khẳng định rằng các địa phương vẫn có thể sử dụng bảng giá đất theo Luật Đất đai 2013 cho đến hết năm 2025 và áp dụng hệ số K trong những trường hợp cụ thể. Theo lãnh đạo Bộ TNMT, Luật Đất đai 2024 không cấm việc sử dụng bảng giá đất cũ để tính tiền sử dụng đất, bao gồm cả các hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất.
Tăng cường rà soát và quản lý đất công theo Luật Đất đai 2024
Bộ Tài chính không chỉ hướng dẫn các địa phương về việc chuyển tiếp áp dụng bảng giá đất mà còn đề nghị các Bộ, ngành và địa phương tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định trong Luật Đất đai 2024, cùng các văn bản quy định chi tiết liên quan đến quản lý và sử dụng tài sản công.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp, Nhà nước sẽ giao đất không thu tiền sử dụng và cho phép sử dụng lâu dài. Nếu các đơn vị này có nhu cầu sử dụng một phần hoặc toàn bộ diện tích đất để sản xuất, kinh doanh, thì có thể lựa chọn chuyển sang hình thức thuê đất hàng năm với phần diện tích đó.
Ngoài ra, các đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước cho thuê đất một lần để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp sẽ có quyền và nghĩa vụ tương tự như tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất. Trong trường hợp Nhà nước cho thuê đất thu tiền hàng năm không nhằm mục đích xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, quyền và nghĩa vụ của đơn vị sự nghiệp công lập cũng sẽ tương tự như tổ chức kinh tế, trừ các quyền bán, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất và quyền thuê đất. Đơn vị này cũng sẽ được miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định.
Nếu đơn vị sự nghiệp công lập đã được giao đất hoặc thuê đất trước khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thì sẽ tiếp tục sử dụng đất theo hình thức đã được giao hoặc thuê cho đến khi hết thời hạn. Nếu có nhu cầu thì được chuyển sang hình thức giao đất hoặc thuê đất theo quy định mới.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh hai quy định cũ đã bị bãi bỏ trong Luật mới. Thứ nhất, bãi bỏ quy định trước khi quyết định giao, thu hồi đất thuộc trụ sở làm việc, cơ quan Nhà nước phụ trách phải lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài chính với trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước thuộc trung ương hoặc của Sở Tài chính với trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước thuộc địa phương. Thứ hai, bãi bỏ quy định khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển đổi công năng sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng gắn liền với đất theo quy định của pháp luật phải có ý kiến bằng văn bản về các nội dung thuộc phạm vi quản lý của cơ quan chủ quản quản lý tài sản kết cấu hạ tầng, cơ quan tài chính cùng cấp và cơ quan khác có liên quan theo quy định của pháp luật./.
Đọc thêm
Nhiệt độ tại Hà Nội hôm nay gần 40 độ C nhưng tình hình đấu giá đất tại huyện Thanh Oai (Hà Nội) vẫn rất sôi động khi có hơn 7.000 hồ sơ, 1.600 người tranh mua 68 lô đất.
Kể từ ngày 1/8, Thông tư 10/2024/TT-BTNMT quy định chi tiết về hình dáng, kích thước, màu sắc, các điều mục, mã QR và nguyên tắc in ấn cho Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Liên quan đến vụ đấu giá đất Thanh Oai, TP. Hà Nội, giá trúng 68 lô đất tại xã Thanh Cao cao gấp 5-8 lần mức khởi điểm khiến nhiều người đặt ra câu hỏi liệu ở đây có hay không chiêu trò "thổi giá", "lùa gà"?
Tin liên quan
Kể từ ngày 1/8, Thông tư 10/2024/TT-BTNMT quy định chi tiết về hình dáng, kích thước, màu sắc, các điều mục, mã QR và nguyên tắc in ấn cho Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Huyện Đan Phượng dự kiến mở phiên đấu giá quyền sử dụng đất thuê gần 170.000m² đất nông nghiệp trải rộng tại các xã Trung Châu, Hạ Mỗ, Liên Hồng, Liên Trung, Thọ Xuân, Hồng Hà, Liên Hà...
Theo quy định mới có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, sẽ có 9 trường hợp được phép cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Bài mới
Dự án Khu đô thị FLC Legacy Kon Tum, nằm ngay trung tâm hành chính của thành phố Kon Tum, đã được định hướng trở thành tổ hợp thương mại, dịch vụ và nhà ở hiện đại bậc nhất của tỉnh Kon Tum và khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, do "gặp nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau", Tập đoàn FLC đã chính thức xin dừng triển khai dự án trị giá 1.700 tỷ đồng này.