Các dự án bất động sản "đắp chiếu" đang dần hồi sinh
Nhiều dự án bất động sản "đắp chiếu" lâu năm đang tái khởi động, nhờ sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý và Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ. Sự tự tin của chủ đầu tư và nguồn vốn từ mua bán, sáp nhập cũng góp phần thúc đẩy quá trình này. Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng thành công, khi nhiều dự án chỉ nâng giá mà không cải thiện chất lượng.
Bài viết này thuộc series Những dự án bỏ hoang trên "đất vàng" Hà Nội
Giữa cơn sốt bất động sản, nhiều dự án chung cư, biệt thự trên "đất vàng" Hà Nội vẫn bị bỏ hoang suốt nhiều năm, thậm chí cả thập kỷ, gây lãng phí lớn thay vì trở thành khu dân cư, đô thị sầm uất, khang trang.
Kể từ năm 2018, thị trường bất động sản đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, chính sách tín dụng và những quyết định của các cơ quan quản lý trong việc kiểm soát thị trường, đặc biệt là những vướng mắc pháp lý. Điều này đã dẫn đến tình trạng hàng loạt dự án bị đình trệ trong thời gian dài.
Tuy nhiên, gần đây, sau giai đoạn khó khăn, thị trường bất động sản Việt Nam đang hồi phục, mở ra cơ hội cho nhiều dự án "bỏ hoang" tái khởi động.
Đặc biệt, các dự án căn hộ tại những thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đang trở lại, trong bối cảnh giá căn hộ liên tục thiết lập mặt bằng mới cao. Việc "hồi sinh" những dự án này không chỉ giúp các chủ đầu tư duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn góp phần giải quyết "cơn khát" về nhà ở cho người dân.
Được biết, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc hiệu quả của Tổ công tác, từ cuối năm 2022 đến nay, nhiều dự án bất động sản đã tháo gỡ được những nút thắt pháp lý và cơ chế chính sách, đưa chúng trở lại thị trường.
Một số dự án đã triển khai trở lại gần đây bao gồm Astral City (TP. Thuận An, Bình Dương), HaNoi Melody Residences (Linh Đàm, Hà Nội), QMS Top Tower (Tố Hữu, Hà Nội), The Summit Building (Trần Duy Hưng, Hà Nội), và Khu đô thị Ecity Tân Đức (Đức Hòa, Long An).
Theo nhận định của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), sự tái khởi động của những dự án đình trệ này đang được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ hỗ trợ từ Chính phủ cũng như sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A).
Đặc biệt, theo quy định mới, nếu các chủ đầu tư để dự án "án binh bất động" trong 48 tháng, họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ "mất trắng" và bị thu hồi đất mà không được bồi hoàn, điều này đã khiến các chủ đầu tư ý thức hơn về việc gấp rút "tái khởi động dự án".
Nhà nước đã có nhiều động thái điều chỉnh chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục triển khai các dự án bất động sản bị đình trệ, từ việc giảm thuế cho đến nới lỏng quy định vay vốn.
Gần đây, 3 bộ Luật quan trọng bao gồm: Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đã được sửa đổi và chính thức có hiệu lực, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản.
Việc khôi phục các dự án bất động sản bị đình trệ được xem là yếu tố then chốt cho sự phát triển của ngành. Tuy nhiên, không phải quá trình "tái khởi động" nào cũng suôn sẻ. Mặc dù nhiều vướng mắc pháp lý đã được gỡ bỏ, áp lực tài chính vẫn là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp.
Sự xuống cấp về cơ sở hạ tầng của các dự án bỏ hoang lâu ngày thường dẫn đến chi phí phục hồi rất cao, trong khi chi phí tài chính phát sinh trong thời gian tạm dừng lại làm "ăn mòn" lợi nhuận dự kiến.
Chính vì thế, nhiều chủ đầu tư đã "hồi sinh" dự án và mở bán với mức giá chào mới gấp đôi so với giai đoạn trước để thu lại lợi nhuận, nhưng với chất lượng không được nâng cấp, các dự án này nhanh chóng bị thị trường từ chối và "im hơi lặng tiếng".
VARS cho rằng, để tái khởi động thành công các dự án "đắp chiếu", các doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng, thậm chí chấp nhận lãi ít, hòa vốn, hoặc thua lỗ để xử lý dứt điểm các tồn đọng. Mục tiêu ưu tiên nên là duy trì và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, hơn là tối đa hóa lợi nhuận.
Bên cạnh đó, việc tìm kiếm đối tác hợp tác để "góp gạo thổi cơm chung" cũng là một giải pháp hiệu quả, giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực tài chính. Nếu kết hợp được với các đối tác chất lượng, điều này có thể mở ra nhiều hướng đi mới, bảo đảm lợi ích kinh tế cho tất cả bên liên quan.
Đối với những dự án phải tạm dừng do khó khăn pháp lý, Nhà nước cần tiếp tục tháo gỡ triệt để các vướng mắc để các dự án được triển khai liên tục, từ đó "bơm" nguồn cung ra thị trường, giảm áp lực và đưa mức giá bất động sản nhà ở về mức dễ chịu hơn cho các hộ gia đình có nhu cầu thực. Nhà nước cần thống kê và phân loại các dự án còn vướng mắc, xây dựng tiêu chí để ưu tiên xử lý, tránh dàn trải và không đảm bảo hiệu quả.
Trước các quy định mới của pháp luật, các chủ đầu tư đang tích cực hoàn thiện các tiêu chí cần thiết để triển khai hoặc thực hiện M&A dự án.
Vì vậy, Nhà nước cần tiếp tục phổ biến pháp luật để thị trường hiểu rõ, đồng thời bám sát thực tiễn để thực hiện các điều chỉnh khi cần thiết. Cần có biện pháp mạnh mẽ để đảm bảo nhân sự trong các cơ quan quản lý nhà nước sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp, chỉ có như vậy, quá trình "gỡ khó cho thị trường" mới diễn ra nhanh chóng và hiệu quả./.
Đọc thêm
Theo báo cáo từ CBRE, giá bán trung bình chung cư tại Hà Nội trong quý III/2024 tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng. Tại thị trường sơ cấp, giá đạt 64 triệu đồng/m2, trong khi ở thị trường thứ cấp, mức giá duy trì đà tăng, lên tới 46 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT và phí bảo trì).
Việc ban hành bảng giá đất sát giá thị trường, kết hợp với chính sách siết chặt phân lô bán nền tại các đô thị, đang dấy lên lo ngại rằng các "tay to" đầu cơ sẽ đổ về nông thôn, gom đất và chờ cơ hội, tiềm ẩn nguy cơ tạo ra cơn sốt đất ảo.
Đúng vậy! Vin Cổ Loa giá đang cao hơn kỳ vọng của rất nhiều người. Nhưng...
Tin liên quan
Mặc dù đã hoàn thành từ năm 2017, dự án khu tái định cư Đền Lừ III (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) vẫn trong tình trạng hoang phế và nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng.
Nằm giữa khu đô thị đắt giá phía Tây Hà Nội, hàng trăm biệt thự tại Dương Nội (quận Hà Đông) đang rơi vào cảnh hoang vắng suốt 16 năm qua. Dù được rao bán với giá hàng triệu đô, các căn biệt thự này vẫn xuống cấp trầm trọng và không có người ở.
Vicem Tower - tòa nhà cao 31 tầng, Trung tâm điều hành và Giao dịch Xi măng Việt Nam nhiều năm qua rơi vào tình trạng im lìm, nằm “trơ xương” trên mảnh đất vàng cạnh tòa nhà Keangnam (đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội).
Bài mới
Theo Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong 9 tháng đầu năm 2024, phân khúc bất động sản hạng sang chiếm khoảng 25% nguồn cung mới và đạt tỷ lệ hấp thụ ấn tượng 64%. Nhiều khách hàng thậm chí phải tranh nhau trả thêm tiền chênh lệch để sở hữu các sản phẩm giới hạn hoặc vị trí "vàng" trong dự án.
Được vinh danh "Dự án đáng sống 2024" ngay sau khi khánh thành giai đoạn 1 không chỉ là dấu mốc quan trọng của dự án Khu dân cư Phước Thọ (Vĩnh Long), mà còn ghi dấu ấn của T&T Group khi 3 năm liên tiếp các dự án của Tập đoàn đều góp mặt trong giải thưởng danh giá, thực chất, hiệu quả và xác đáng này.