Chính phủ đề xuất thí điểm chuyển đổi đất nông nghiệp làm nhà ở thương mại
Nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở và thúc đẩy nguồn cung bất động sản, Chính phủ vừa đề xuất Quốc hội cho phép thí điểm chuyển đổi đất nông nghiệp và phi nông nghiệp không phải đất ở thành đất dự án thương mại trong 5 năm.
Sáng 13/11, Chính phủ đã trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, đề xuất này cho phép nhà đầu tư triển khai dự án nhà ở thương mại trên đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, đất ở và các loại đất khác cùng thuộc một thửa, nếu có thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất.
Bộ trưởng nhấn mạnh rằng, các dự án nhà ở thương mại phải đáp ứng đúng quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc thuộc quy hoạch xây dựng đô thị, đồng thời phải phù hợp với kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đã được phê duyệt.
Dựa trên phương án trình Quốc hội, UBND cấp tỉnh sẽ xem xét và chấp thuận cho phép tổ chức kinh doanh bất động sản nhận quyền sử dụng đất để triển khai các dự án theo hình thức nhận quyền.
Đối với trường hợp nhà đầu tư nhận quyền với đất có nguồn gốc quốc phòng hoặc an ninh, yêu cầu văn bản chấp thuận từ Bộ Quốc phòng hoặc Công an. Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: "Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải đáp ứng các điều kiện về đất đai, pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản, đầu tư".
Đề xuất thí điểm này được Chính phủ đề nghị triển khai trong 5 năm, với điều kiện dự án được thực hiện tại khu vực đô thị, nằm trong quy hoạch phát triển đô thị và giới hạn không quá 30% diện tích đất ở tăng thêm trong kỳ quy hoạch.
Lý giải về đề xuất này, Chính phủ cho rằng đây là một bước tháo gỡ khó khăn pháp lý cho các dự án nhà ở thương mại.
Từ ngày 1/7/2015, quy định trong Luật Nhà ở 2014 và Luật Đất đai đã đặt ra yêu cầu về quyền sử dụng đất cho dự án nhà ở thương mại, theo đó, đất để thực hiện dự án phải là đất ở hoặc có một phần đất ở; đối với trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng thì đất phải là đất ở.
"Cơ chế này làm bó hẹp các trường hợp thực hiện dự án nhà ở thương mại dưới quy mô khu đô thị, nhất là tại các khu vực mới, chưa có đất ở", Chính phủ nêu quan điểm.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh thêm rằng, đề xuất thí điểm này cũng nhằm giảm thiểu khó khăn về nguồn cung bất động sản, nhất là trong bối cảnh giá nhà đất đang tăng cao do hạn chế về tiếp cận đất đai.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh lưu ý, nhiều ý kiến cho rằng phạm vi các loại đất áp dụng thí điểm trong đề xuất này là quá rộng, bao gồm cả đất trồng lúa, đất rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất), đất quốc phòng và đất an ninh.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ rà soát lại quy định, làm rõ các trường hợp áp dụng thỏa thuận nhận hoặc đang có quyền sử dụng đất cho từng loại đất cụ thể. Cơ quan thẩm tra cũng đề xuất kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đối với đất lúa, đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất, đất quốc phòng và đất an ninh có diện tích lớn.
Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế cũng yêu cầu Chính phủ làm rõ các điều kiện chuyển nhượng cho từng loại đất đã quy định trong Luật Đất đai và nghiên cứu tính toán các điều kiện thí điểm dựa trên thời điểm nhận quyền sử dụng đất.
Điều này nhằm tránh tình trạng lạm dụng chính sách, hợp thức hóa sai phạm (nếu có), hoặc dẫn đến xu hướng thu gom, đầu cơ đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp để phục vụ dự án nhà ở thương mại.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu ý kiến lo ngại rằng việc cho phép thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất không phải là đất ở để làm dự án nhà ở thương mại có thể gây ra "cơn sốt giá" trên thị trường đất nông nghiệp và các loại đất khác.
Do đó, cơ quan thẩm tra khuyến nghị nên giới hạn phạm vi áp dụng và quy định cụ thể, chặt chẽ hơn các điều kiện thực hiện thí điểm để có thể đánh giá các hệ quả phát sinh và kịp thời khắc phục những vấn đề bất cập trong quá trình thí điểm./.
Đọc thêm
Quỹ đất "kim cương" cuối cùng tại Đà Lạt sẽ được phát triển thành tổ hợp bất động sản ESG đầu tiên tại Việt Nam, với sự tham gia của The One Destination, Terne Holdings Singapore và BTS Bernina. Dự án này hứa hẹn biến Đà Lạt thành điểm đến mới của thế giới, thu hút sự chú ý đặc biệt từ giới đầu tư quốc tế.
Theo dự thảo quy định về tỷ lệ phần trăm tính đơn giá thuê đất, giá thuê đất thương mại dịch vụ tại TP.HCM dự kiến sẽ tăng trung bình từ 18-53%.
Tin liên quan
Hà Nội đẩy nhanh tiến độ số hóa sổ đỏ; Có quỹ đầu tư Mỹ muốn mua 20% vốn FLC... là những thông tin nổi bật của điểm tin BĐS - tài chính hôm nay (12/11).
Thông tư 49/2024/TT-NHNN cho phép ngân hàng nước ngoài được cấp bảo lãnh cho các dự án nhà ở hình thành trong tương lai. Đồng thời, trình tự bảo lãnh khi khách hàng mua nhà cũng được thay đổi.
Tòa nhà Crown và công trình 6 tầng hầm tại số 22-24 Hàng Bài và số 25-27 phố Hai Bà Trưng (phường Hàng Bài và phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đều đảm bảo đủ điều kiện quy định về chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà ở, công trình xây dựng.
Bài mới
Mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản xác nhận 422 căn nhà ở thấp tầng tại khu số 2, thuộc Dự án Khu đô thị Aqua Riverside City, xã Long Hưng, TP. Biên Hòa, đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.