Chủ tịch Hà Nội yêu cầu xử lý các hành vi "thổi giá" bất động sản
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu các đơn vị tháo gỡ khó khăn, tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản, kiểm tra, rà soát hoạt động giao dịch kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản...
Bài viết này thuộc series Đấu giá đất vùng ven Hà Nội: Điều gì đang diễn ra?
Đằng sau những phiên đấu giá đất ở vùng ven Hà Nội như Thanh Oai, Hoài Đức, Phúc Thọ, Sóc Sơn... đang gây sốt trên thị trường là gì?
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Kế hoạch số 255/KH-UBND về việc thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát 6 tháng cuối năm 2024.
Kế hoạch nêu rõ, kinh tế Thủ đô đang dần phục hồi rõ nét sau đại dịch Covid-19, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, du lịch, tiêu dùng đang có những bứt phá, đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế Thủ đô.
Tuy nhiên, còn những trở ngại, thách thức: Chỉ số giá tăng cao; sản xuất, kinh doanh còn khó khăn; tăng trưởng chưa đạt mục tiêu đề ra... Để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 từ 6,5-7,0% thì 6 tháng cuối năm 2024 GRDP phải tăng từ 6,9-7,9%.
Từ đó, Chủ tịch UBND TP chỉ đạo loạt nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị tập trung thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ chung: Thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp;
Thúc đẩy kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công; tập trung thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tại kế hoạch mà UBND TP đã đề ra; Tập trung phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu; trọng tâm thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ, xây dựng và nông, lâm nghiệp và thủy sản; Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp kiểm soát lạm phát.
Chủ tịch UBND TP yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND TP về việc triển khai Kế hoạch theo chức năng nhiệm vụ được giao...
Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP yêu cầu đẩy mạnh thực hiện Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư; Chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản;
Phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ công tác đặc biệt của UBND Thành phố thành lập theo Quyết định số 4097/QĐ-UBND để rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư tạo chuyển biến rõ nét trong 6 tháng cuối năm 2024;
Triển khai quyết liệt các giải pháp về quản lý, xử lý thu hồi nợ đọng thuế; hạn chế tối đa phát sinh các khoản nợ thuế mới, đặc biệt các khoản tiền thuế - tiền thuê đất phải nộp khi hết thời gian được gia hạn. Khẩn trương rà soát, đối chiếu, công khai thông tin người nợ thuế và kiên quyết thực hiện cưỡng chế đối với các khoản nợ thuế dây dưa, chây ỳ;
Tập trung hoàn thành giải phóng mặt bằng và các thủ tục để khởi công toàn bộ 19 cụm công nghiệp còn lại (trên tổng số 43 cụm công nghiệp thành lập giai đoạn 2018-2020) trong năm 2024; hoàn thiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ 10-15 cụm công nghiệp trong năm 2024 để tiếp nhận doanh nghiệp vào đầu tư, sản xuất kinh doanh;
Hoàn thành 4 dự án phát triển nguồn cấp nước; đẩy nhanh tiến độ đầu tư đối với 8 dự án thoát nước, xử lý nước thải; hoàn thiện dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá;
Đáng chú ý, Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu các đơn vị tháo gỡ khó khăn, tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản, kiểm tra, rà soát hoạt động giao dịch kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản, môi giới bất động sản trên địa bàn thành phố; có giải pháp chấn chỉnh, xử lý các hành vi thổi giá, làm giá, đầu cơ và hành vi vi phạm pháp luật kinh doanh bất động sản (nếu có)....
Gần đây, việc đấu giá đất tại các huyện vùng ven Hà Nội gây xôn xao dư luận khi phiên đấu giá 19 thửa đất tại khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức (Hà Nội) tổ chức xuyên đêm được xem có nhiều điểm bất thường. Các lô đất được đem đấu giá có diện tích từ 74-118 m2, khởi điểm từ 7,3 triệu/m2. Tuy nhiên, theo kết quả sơ bộ, toàn bộ lô đất đều đã bán đấu giá thành công. Đáng chú ý, lô cao nhất trúng với giá 133 triệu đồng/m2, gấp hơn 18 lần giá khởi điểm. Lô đất có giá trúng thấp nhất tại phiên này là 91,3 triệu đồng/m2 nhưng mức giá này vẫn cao gấp 12,5 lần giá khởi điểm.
Trước đó, phiên đấu giá tại huyện Thanh Oai có giá trúng đấu giá trên 100 triệu đồng/m2. Mức giá này được nhiều nhà đầu tư, chuyên gia nhận xét vượt giá trị thực so với các lô đất cùng khu vực (từ 40-60 triệu đồng/m2).
Sau đó, UBND TP. Hà Nội lập tức có văn bản yêu cầu các địa phương kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm (nếu có). Theo UBND TP. Hà Nội, việc trúng giá cao bất thường có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh, thị trường nhà ở, bất động sản.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết thêm, Sở đang phối hợp với công an TP. Hà Nội xác minh, làm rõ việc liên kết, thổi giá đất của một số đối tượng liên quan./.
Đọc thêm
Đấu giá đất vùng ven đang là chủ đề được giới đầu tư bất động sản cũng như người dân quan tâm đặc biệt. Cùng tìm hiểu thêm về hiện tượng làm giá, thổi giá trong đấu giá đất.
Liên quan đến vụ đấu giá đất Thanh Oai, TP. Hà Nội, giá trúng 68 lô đất tại xã Thanh Cao cao gấp 5-8 lần mức khởi điểm khiến nhiều người đặt ra câu hỏi liệu ở đây có hay không chiêu trò "thổi giá", "lùa gà"?
Tin liên quan
Theo kế hoạch, ngày 7/9, quận Hà Đông sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với 27 thửa đất trên địa bàn 3 phường nhưng quận này lại vừa thông báo tạm hoãn phiên đấu giá và chưa xác định ngày mở lại.
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), số lượng người tham gia đấu giá lớn tại những cuộc đấu giá đất vùng ven Hà Nội vừa diễn ra là hoàn toàn bình thường, còn mức giá trúng quá cao lại “bất thường”.