“Cò đất” và chuyện “cái duyên cái số nó vồ lấy nhau” (1)
Đến bây giờ hơn 30 sọi bản thân Mr. Cò có lẽ nên suy nghĩ một cách nghiêm túc là tổ chức một bữa tiệc hội ngộ, tri ân những “đồng môn” cách đây hơn chục năm đã lôi kéo tôi dính vào cái “ổ nhền nhện” đa cấp. Nói một cách sang mồm thì đó là bàn đạp để tôi dấn thân vào con đường môi giới bất động sản như bây giờ.
Bài viết này thuộc series Môi giới bất động sản A-Z
Môi giới bất động sản là lĩnh vực kinh doanh mang lại nhiều cảm xúc, là nghề của những cá nhân “liều lĩnh”, thông minh và bền bỉ. Hãy cùng Home Today giải mã tất cả từ A-Z mọi vấn đề của nghề này.
Xin tự giới thiệu, tôi là Mr. Cò - 1 vợ 2 con, nhà cửa, xe cộ đầy đủ, tất cả những gì tôi có được hôm nay nhờ thâm niên làm môi giới bất động sản hơn chục năm.
Môi giới nói cho sang mồm chứ với một thằng từng “chân đất mắt toét” như tôi thì vẫn thích với cái tên gọi dân dã CÒ ĐẤT.
Thiên hạ vẫn nói rằng, những năm tháng sinh viên là quãng đời đẹp nhất, nhưng với tôi đẹp chẳng thấy đâu mà thay vào đó là những ngày khố rách áo ôm, khốn khổ dưới vỏ bọc hào nhoáng như doanh nhân thành đạt.
Đó là chuyện sáng nhịn đói, trưa ăn vội chiếc “bánh mì không người lái” 2k, tối ăn gói “mì tôm cởi truồng” nhưng ngày nào khoác bộ vest trăm mốt ở chợ Nhà Xanh, giày da bóng lộn thửa ở chợ Đông Tác, đeo chiếc túi xách da bò mượn của thằng cùng phòng trọ, bên trong độn mấy cuốn giáo trình để thiên hạ tưởng mình mang laptop tới nơi “tổ chức khóa học làm giàu”.
Đa cấp đời đầu nó lạ lắm, đó là những buổi hò hét trong vô thức, hò hét mệt đến nỗi đứt hơi, người đói lả, mặt xanh như tàu lá chuối vẫn nhiệt huyết. Hò hét chán chê, tiếp đến được các anh chị “rót mật vào tai” những câu nói đại loại như: Anh/chị có thương bố mẹ không; sau này ra trường có cam chịu mức lương 4-5 triệu/tháng không; có muốn mua nhà Hà Nội không; mình phải bứt phá, phải đánh thức bản thể để thành công; nếu cố gắng mỗi tháng có thể kiếm cả tỷ đồng…
Dù nghèo, nghèo đến nỗi giờ nghĩ lại thấy sởn cả da gà nhưng sau đó vẫn phải vay mượn khắp nơi để mua cả chục triệu sản phẩm để thăng cấp. Và chiêu thức của chúng tôi là làm sao tìm kiếm, lôi kéo, tư vấn, rót mật vào tai những người thân, bạn bè, bạn cùng trường, khác trường, thậm chí lê la khắp các trạm xe buýt giờ cao điểm để “gặp đối tác”.
Để “con mồi cắn câu” tham gia vào hệ thống, chúng tôi dùng đủ chiêu trò, đủ thủ đoạn. Có những thủ đoạn kinh điển đến mức bây giờ mà kể ra cũng chẳng ai tin.
Thời gian cứ thế trôi, đến khi nhìn lại thì bạn bè thân thiết tự rời xa, bạn bè xã giao thì tránh như tà, bố mẹ mất niềm tin, bản thân mất phương hướng bởi suốt hơn 1 năm tham gia vào “thương vụ bạc tỷ”, tiền chẳng thấy đâu mà bay luôn chiếc xe Wave, chiếc laptop và nợ khắp nơi.
Điều duy nhất Mr. Cò nhận lại được là từ một thằng sinh viên nhút nhát, đa cấp đã biến tôi thành một thằng có khiếu ăn nói, chém gió thành thần…
Trầy trật mãi, đến những năm 2009-2010 mới tốt nghiệp, suốt nhiều tháng trời dù rải hồ sơ khắp nơi nhưng chẳng thể tìm được việc. Mr. Cò đành lang thang xuống mạn Hoài Đức, Hà Đông - nơi có ruộng đồng để suy nghĩ “nghiêm túc” về cuộc đời. Thời ấy, Hà Tây vừa sáp nhập vào Hà Nội nên bất động sản, đất đai sốt đùng đùng, nên ông anh rủ rê đi làm “cò đất”.
Và cuộc đời sang trang mới khi “cái duyên cái số nó vồ lấy nhau”, Mr. Cò chính thức chấm dứt thời gian thất nghiệp. Vẫn mặc vest, vẫn mang giày bóng lộn, tóc vuốt keo chổng ngược lên nhưng không còn hò hét mà điềm đạm đến lạ thường.
Nhân đây, nếu thằng Tú vẹo, thằng Sơn sứt và con My mẩy nếu đọc được thì inbox để Mr. Cò này được tri ân một cách nghiêm túc khi thời đó chúng mày đã lôi kéo, dụ dỗ thằng này vào con đường đa cấp. Và một lần nữa Mr. Cò này phải khẳng định, nhờ có chúng mày nên giờ tôi mới có được cơ ngơi, sự nghiệp như ngày hôm nay.
Bài sau Mr Cò sẽ kể tiếp phần 2: Tiếng sét ái tình và hoa hồng "khủng" từ môi giới căn hộ đầu tay.
Đọc thêm
Tin liên quan
Bài mới
Bão Yagi không chỉ nghiệm thu các chung cư rất minh bạch, khách quan khi làm lộ ra những vết nứt tường to tướng, hầm xe thì ngập nước, cửa sổ bị nát tứ tung, mà còn nghiệm thu cả việc trồng cây xanh ở Hà Nội khi “bóc” ra những cây trồng còn nguyên cả bao dứa bọc rễ, hoặc trồng hời hợt trên gạch, hay những hố trồng cây nông choèn.