Người dân các thành phố lớn trên thế giới làm việc bao lâu mới mua được nhà?
Ở các thành phố lớn trên thế giới như Hong Kong, Paris, London người dân trung bình mất 13-22 năm làm việc để mua một căn hộ 60m2.
Thu nhập bình quân hàng năm của người dân tại các thành phố lớn trên thế giới đều không dưới 50.000 USD, theo thống kê của World Data. Tuy nhiên, chi phí sinh hoạt đắt đỏ cùng những đợt "sốt" đất chưa bao giờ có dấu hiệu hạ nhiệt khiến việc sở hữu một căn hộ nằm ngoài tầm với của phần lớn cư dân.
Hong Kong (Trung Quốc) là thành phố dẫn đầu danh sách địa điểm có giá bất động sản đắt đỏ nhất thế giới 14 năm liên tiếp. Theo Global Property Guide, một căn hộ 60m2 tại khu vực gần trung tâm thành phố này hiện có giá bình quân khoảng 27.820 USD/m2.
Con số này cao hơn hẳn so với New York (Mỹ) với giá mỗi m2 căn hộ tương tự dao động từ 16.300 đến 21.700 USD.
Theo báo cáo của Ngân hàng UBS, người dân Hong Kong cũng phải dành ra 22 năm thu nhập để sở hữu được căn hộ này. Dù giá nhà tại thành phố này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 12 năm qua, người dân Hong Kong vẫn rất chật vật để tìm được căn hộ vừa túi tiền.
Theo SCMP, hiện có khoảng 214.000 người tại khu vực này phải sống trong những căn hộ siêu nhỏ thường được gọi là "nhà lồng" hay "nhà quan tài" do nguồn cung nhà ở công cộng không đáp ứng đủ nhu cầu. Hiện nay, thời gian chờ đợi đối với nhà ở công cộng tại Hong Kong đã lên đến 5,8 năm.
Còn tại các thành phố lớn khác của châu Á, để sở hữu căn hộ diện tích 60m2, người dân Tokyo (Nhật Bản) cần 14 năm thu nhập; Tel Aviv (Israel) và Singapore là 10 năm.
Trong khi đó, Paris (Pháp) lại là thành phố có giá nhà cao nhất tại châu Âu khi giá căn hộ ở đây dao động khoảng 9.000-15.000 euro/m2 (tương đương 9.700-16.200 USD/m2). Khu vực có giá cao nhất gần sông Seine và nhiều địa điểm tham quan nổi tiếng khác có giá trung bình lên đến 15.255 euro/m2 (16.500 USD/m2).
Dù mức giá này đã giảm hơn 20% so với đỉnh sau đại dịch Covid-19, một người lao động trung bình ở Paris phải mất khoảng 13 năm làm việc liên tục để mua được một căn hộ 60m2. Xếp sau Paris là London (Anh) với 12 năm thu nhập bình quân của cư dân.
Tại Mỹ, New York và Los Angeles luôn là 2 thành phố có giá bất động sản đắt đỏ. Cụ thể, một căn hộ chung cư hoặc nhà tập thể khoảng 60m2 tại khu vực Manhattan (New York) có giá trung bình gần 1,2 triệu USD vào cuối năm 2023, tăng khoảng 40% so với 10 năm trước.
New York là thành phố có giá nhà đắt nhất tại Mỹ khi người lao động cần khoảng 8 năm làm việc và không chi tiêu gì mới đủ tiền mua một căn hộ gần trung tâm thành phố.
Dữ liệu của UBS cho thấy Los Angeles theo sau với 7 năm tích lũy thu nhập liên tục nếu cư dân thành phố này muốn mua được nhà./.
Đọc thêm
Chênh lệch giữa giá nhà ở và thu nhập của người dân còn quá lớn; Bình Dương có cơ chế phí ‘0 đồng’ cho nhà đầu tư để xây nhà ở cho người thu nhập thấp... là những thông tin nổi bật của điểm tin BĐS - tài chính hôm nay (27/10).
Melbourne, thành phố đông dân thứ hai của Úc, luôn được xem là một trong những thị trường bất động sản sôi động nhất thế giới. Vậy giá nhà ở Melbourne 2024 như thế nào?
TP.HCM duyệt bảng giá đất mới, cao nhất lên tới hơn 687 triệu đồng/m2; Báo Singapore sửng sốt vì giá nhà TP.HCM vượt mặt Singapore, lọt top đắt đỏ nhất ASEAN... là những thông tin nổi bật của điểm tin BĐS - tài chính hôm nay (17/10).
Tin liên quan
NHNN yêu cầu giảm lãi vay cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão số 3; Giá nhà tập thể cũ tại Hà Nội có khu vực lên tới 100 triệu đồng/m2… là những thông tin nổi bật trong điểm tin bất động sản - tài chính hôm nay (10/9).
Thông tin mở bán nhà, dự án BĐS, đấu giá ngày 24/9 có những thông tin nổi bật sau: Ecopark ra mắt nhà phố quảng trường vị trí đắt giá nhất Eco Central Park; Phú Xuyên đấu giá thành công 42 thửa đất; Đấu giá, hồi sinh nhà tái định cư bỏ hoang....