Lợi nhuận doanh nghiệp bất động sản quý III/2024: Khu công nghiệp bứt phá, nhà ở tiếp tục lao dốc
Lợi nhuận của mảng bất động sản nhà ở ước tính giảm 3% so với cùng kỳ. Trái ngược, bất động sản khu công nghiệp lại bứt phá ngoạn mục với mức tăng 169%, nhờ sự phục hồi từ nền thấp của năm trước.
Chứng khoán MBS vừa công bố ước tính lợi nhuận doanh nghiệp quý III/2024, ghi nhận mức tăng trưởng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này chủ yếu được thúc đẩy bởi môi trường lãi suất thấp, tỷ giá hạ nhiệt và sự phục hồi mạnh mẽ của sản xuất và tiêu dùng.
Tuy nhiên, không phải ngành nào cũng đạt được kết quả tích cực. Lợi nhuận của mảng bất động sản nhà ở ước tính giảm 3% so với cùng kỳ. Trái ngược, bất động sản khu công nghiệp lại bứt phá ngoạn mục với mức tăng 169%, nhờ sự phục hồi từ nền thấp của năm trước.
Cụ thể, trong ngành bất động sản, kết quả kinh doanh quý III/2024 sẽ có sự phân hóa rõ rệt giữa các doanh nghiệp theo từng khu vực.
Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2024, nguồn cung căn hộ tại TP.HCM vẫn hạn chế, chỉ đạt khoảng 1.676 sản phẩm mới, giảm mạnh 59% so với cùng kỳ năm trước. Mặt bằng giá chỉ tăng nhẹ 6%, và nguồn cung mới chủ yếu đến từ các dự án cao cấp có pháp lý rõ ràng, do các nhà phát triển nước ngoài hoặc các giai đoạn tiếp theo của những dự án đã mở bán trước đó dẫn dắt.
Ngược lại, Hà Nội chứng kiến sự bùng nổ nguồn cung mới, tăng vọt 176% so với cùng kỳ, đạt 10.841 sản phẩm mới - mức cao nhất trong 5 năm qua. Giá bán tại khu vực này cũng tăng mạnh, với mức tăng 22%, bắt đầu tiệm cận với khu vực phía Nam. Sự tác động của ba bộ luật về bất động sản quan trọng vừa có hiệu lực sẽ còn cần thời gian để các địa phương hoàn thiện bảng giá đất chính thức, qua đó góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án trong tương lai.
Các doanh nghiệp bất động sản có thị trường trọng điểm ở khu vực phía Nam, như NVL và DXG, dự kiến sẽ tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh quý III khá khiêm tốn, do thiếu dự án mới mở bán và tình hình thị trường vẫn ảm đạm.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp như KDH và NLG, với các dự án đã hoàn thiện về pháp lý, có thể hưởng lợi thế trong thời gian tới khi chọn đúng thời điểm mở bán. Đối với các doanh nghiệp có dự án tập trung ở khu vực phía Bắc, như VHM, họ tiếp tục có lợi từ thanh khoản cao và pháp lý hoàn thiện.
Theo MBS, lợi nhuận quý III của PDR ước tính giảm 41% so với cùng kỳ, do thiếu dự án bàn giao. Các dự án trọng điểm như Bắc Hà Thanh và NTMK Thuận An hiện đang trong quá trình hoàn thiện pháp lý, kỳ vọng sẽ kịp mở bán vào quý IV/2024.
Lợi nhuận ròng quý III/2024 của DXG được dự báo giảm 51% so với cùng kỳ năm trước và gần như đi ngang so với quý trước. Nguyên nhân chủ yếu là do công ty thiếu dự án mới để bàn giao, trong khi hoạt động môi giới vẫn chưa phục hồi, bởi thị trường trọng điểm của DXG tại miền Trung và miền Nam chưa ghi nhận sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ giao dịch.
Đối với KDH, lợi nhuận ròng quý III/2024 được dự đoán giảm tới 71% so với cùng kỳ, do công ty đã bàn giao hầu hết các dự án hiện có. Dự án Privia dự kiến sẽ được ghi nhận doanh thu vào quý IV/2024, tạo kỳ vọng cho sự cải thiện kết quả kinh doanh trong giai đoạn cuối năm.
Ngược lại, ngành bất động sản khu công nghiệp và cao su tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực trong quý III/2024, nhờ vào dòng vốn FDI mạnh mẽ từ đầu năm. Trong 8 tháng đầu năm 2024, vốn FDI đăng ký và giải ngân đã lần lượt tăng 7% và 8% so với cùng kỳ, tạo đà phát triển cho các doanh nghiệp trong ngành.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng giữa các công ty khu công nghiệp sẽ khác nhau, phụ thuộc vào thời điểm bàn giao đất trong năm. KBC được dự báo sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ròng đột biến từ nền thấp của cùng kỳ năm ngoái. BCM có thể đạt lợi nhuận ròng cao gấp 3 lần so với cùng kỳ, nhờ việc chuyển nhượng đất dân cư cho IJC.
Trong khi đó, IDC và SZC thường ghi nhận kết quả kinh doanh thấp hơn vào quý III so với các quý khác trong năm. Lợi nhuận ròng của hai doanh nghiệp này được dự báo sẽ tăng trưởng nhẹ, nhờ vào việc triển khai các hợp đồng MOU đã ký kết.
Tổng quan 9 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp khu công nghiệp được kỳ vọng sẽ đạt kết quả kinh doanh cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Đối với các doanh nghiệp trong mảng cao su, họ hưởng lợi từ sự tăng vọt của giá cao su thế giới từ đầu năm đến nay. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự thiếu hụt nguồn cung do điều kiện thời tiết không thuận lợi, trong khi nhu cầu tiêu thụ vẫn ổn định, bất chấp sự chững lại tại thị trường Trung Quốc. Điều này dự kiến sẽ duy trì tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của các công ty cao su cho đến cuối năm.
Cũng theo MBS, lợi nhuận ròng của GVR được dự phóng tăng 182% so với cùng kỳ, nhờ giá bán cao su tăng cao. Trong khi đó, PHR dự kiến ghi nhận lợi nhuận ròng cao hơn 35% so với cùng kỳ, nhờ vào sự tăng trưởng của giá bán và khoản thu từ thanh lý cây cao su trong quý này./.
Đọc thêm
Theo báo cáo tài chính quý II/2024, dù bức tranh lợi nhuận chưa bừng sáng nhưng lương của các lãnh đạo địa ốc lớn như: Novaland, Phát Đạt, An Gia đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc đánh thuế bất động sản thứ hai đang là chủ đề gây nhiều tranh cãi trong dư luận nhưng theo TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), việc đánh thuế lên bất động sản không phải là biện pháp hiệu quả nếu không xem xét kỹ lưỡng hành vi của người mua và sử dụng bất động sản.
Tin liên quan
Thị trường bất động sản Khánh Hòa trong quý III/2024 chứng kiến sự bùng nổ với lượng giao dịch tăng vọt so với quý trước. Trong đó, nhà ở riêng lẻ trở thành phân khúc chiếm ưu thế, thu hút sự quan tâm lớn từ người dân, góp phần thúc đẩy sự sôi động trở lại của thị trường.
Thị trường bất động sản có thể trở thành "bão tố" nếu không được điều tiết một cách hợp lý. VARS nhận định rằng, chính sách pháp luật về tín dụng sẽ là chìa khóa quan trọng để duy trì sự ổn định và vận hành hiệu quả của cỗ máy kinh tế này.
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân - Phó Giám đốc Bộ phận Định giá và Tư vấn của Savills Hà Nội nhận định rằng lợi thế của các nhà ga metro đã khiến giá bất động sản xung quanh tăng từ 5-15% so với mức tăng chung, đồng thời nâng cao giá trị bất động sản dọc theo tuyến đường.