Tồn kho bất động sản "phình to", giá nhà vẫn tiếp tục leo thang
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, lượng hàng tồn kho của chung cư, nhà ở riêng lẻ và đất nền trong quý III đã tăng đến 52% so với quý trước. Tuy nhiên, dù tồn kho phình to, giá bán bất động sản vẫn giữ đà tăng, với mức giá neo cao tại nhiều địa phương.
Tồn kho bất động sản quý III/2024 tiếp tục tăng mạnh, chạm mốc gần 26.000 sản phẩm
Trong báo cáo về thị trường nhà ở và bất động sản quý III/2024, Bộ Xây dựng công bố lượng tồn kho của chung cư, nhà ở riêng lẻ và đất nền đã đạt 25.937 sản phẩm, tăng 52% so với quý II.
Theo số liệu báo cáo của 60/63 địa phương gửi về Bộ Xây dựng, lượng tồn kho bất động sản (số lượng bất động sản của dự án đủ điều kiện đưa vào giao dịch theo quy định của pháp luật nhưng chưa giao dịch trong kỳ báo cáo) tại các dự án trong quý III/2024 vào khoảng 25.937 căn, nền gồm có 4.688 căn chung cư, 12.250 căn nhà ở riêng lẻ, 8.999 nền đất.
Đây là các sản phẩm đủ điều kiện bán hàng nhưng chưa được giao dịch. So với quý trước, lượng tồn kho bất động sản đã tăng gần 52%.
Trong đó, lượng tồn kho nhà ở riêng lẻ, đất nền trong quý III/2024 là 21.249 căn/nền (nhà ở riêng lẻ có 12.250 căn; đất nền có 8.999 nền), tương đương 150,6% so với quý II/2024 (lượng tồn kho nhà ở riêng lẻ, đất nền trong quý II/2024 là 14.106 căn/nền, trong đó: Nhà ở riêng lẻ có 7.045 căn, đất nền có 7.061 nền).
Trong bối cảnh trên, Bộ Xây dựng khuyến nghị doanh nghiệp địa ốc cần chủ động rà soát, tiết giảm chi phí, tích cực áp dụng công nghệ hiện đại trong xây dựng để giảm giá thành sản phẩm phù hợp với tình hình thực tiễn của thị trường, theo tinh thần "lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ".
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên chủ động giải quyết các khó khăn về pháp lý, nguồn vốn, có trách nhiệm tập trung mọi nguồn lực xử lý nợ xấu để tiếp tục triển khai dự án, mở bán ra thị trường, tránh việc đầu tư dàn trải...
Chủ động giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, của dự án về pháp lý, nguồn vốn; rà soát, cơ cấu lại nguồn vốn; có trách nhiệm tập trung mọi nguồn lực xử lý nợ xấu, nợ đến hạn để tạo cơ sở, điều kiện tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, chứng khoán... triển khai thực hiện dự án.
Giá nhà đất tại các đô thị lớn vẫn "leo thang"
Mặc dù lượng tồn kho bất động sản đang tăng cao, giá nhà đất tại các khu vực như Hà Nội, TP.HCM và các đô thị lớn vẫn duy trì xu hướng đi lên.
Bộ Xây dựng cho biết trong quý III/2024, giá căn hộ tại Hà Nội tiếp tục tăng ở cả dự án mới và cũ, với các dự án mới ghi nhận mức tăng từ (4% đến 6%) theo quý và (22% đến 25%) theo năm.
Bộ Xây dựng nhận định, đợt tăng giá này chủ yếu do một số yếu tố tác động như chi phí đất đai tăng tại một số địa phương và tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà ở bình dân đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều này đã đẩy giá chung cư lên cao, với một số khu vực tăng cục bộ lên từ 35% đến 40% tùy theo vị trí.
Trên thị trường, căn hộ chung cư bình dân (dưới 25 triệu đồng/m2) gần như vắng bóng sản phẩm và giao dịch. Trong khi đó, căn hộ chung cư trung cấp (từ 25 đến dưới 50 triệu đồng/m2) vẫn là phân khúc chiếm tỉ trọng cao về nguồn cung và giao dịch, tiếp theo là các căn hộ cao cấp và siêu cao cấp (trên 50 triệu đồng/m2).
Đối với phân khúc biệt thự và nhà liền kề, Bộ Xây dựng cho biết, quý III/2024 ghi nhận sự tham gia sôi động từ cả nhà đầu tư dài hạn lẫn người mua ở thực.
Tại Hà Nội, giá bán biệt thự và nhà liền kề trong các dự án tiếp tục tăng so với quý trước, nhất là những dự án có vị trí thuận lợi, gần các khu vực đang được đầu tư mạnh về hạ tầng, khiến giá bán sơ cấp đạt mức cao.
Trong quý này, giá bán trung bình thứ cấp của nhà ở liền đất tại Hà Nội đạt khoảng 160 triệu đồng/m2, tăng 3% so với quý trước và gần 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn tại TP.HCM, khảo sát từ các tổ chức nghiên cứu thị trường cho thấy giá sơ cấp của biệt thự và nhà liền kề tương đối ổn định, một số khu vực thuộc phân khúc cao cấp, diện tích lớn ghi nhận mức giảm đáng kể (giảm 14% theo quý và 28% theo năm). Sản phẩm dưới 10 tỷ đồng có giao dịch tốt, trong khi giá thứ cấp của một số dự án giảm từ (3-4%)…
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nhận định rằng tồn kho bất động sản là điều bình thường nếu được quản lý theo đúng kế hoạch và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là khi các sản phẩm đã hoàn thiện, đưa ra thị trường nhưng không được người mua đón nhận, dẫn đến thanh khoản thấp.
Ông Châu cho rằng, với những doanh nghiệp hoạt động yếu, sử dụng đòn bẩy tài chính cao, lượng hàng tồn kho lớn sẽ trở thành "núi nợ" đè nặng. Khi không thể bán được hàng, các doanh nghiệp này sẽ gặp nhiều khó khăn.
Một lãnh đạo của một doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội cũng cho rằng, ngoài những doanh nghiệp thực sự khó khăn trong việc thanh khoản sản phẩm, còn có hiện tượng một số doanh nghiệp "ôm" hàng, chờ giá tăng để tìm kiếm lợi nhuận cao./.
Đọc thêm
Nhờ dòng FDI ổn định và hạ tầng phát triển, thị trường bất động sản Việt Nam thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư ngoại vào nhiều phân khúc. Báo cáo quý III/2024 từ Savills cho thấy, Việt Nam với nền kinh tế vững mạnh đã trở thành một điểm sáng tại châu Á - Thái Bình Dương, lôi cuốn sự chú ý của các "ông lớn" ngoại vào lĩnh vực như nhà ở, công nghiệp và bán lẻ.
Giá bán chung cư tại khu vực ngoại thành đang leo lên mức trăm triệu đồng/m², trong khi đất đấu giá cũng tăng vọt không kém. Tín hiệu này đi kèm với doanh thu môi giới tăng mạnh ở một số doanh nghiệp địa ốc lớn. Liệu thị trường bất động sản đã thật sự khởi sắc trở lại?
Nguồn cung căn hộ mới tại TP.HCM trong quý III/2024 chạm mức thấp kỷ lục với chỉ 125 căn được mở bán, chủ yếu là các dự án cao cấp. Điều này đã đẩy giá bán trung bình lên tới 80,2 triệu đồng/m2, tăng 5% so với quý trước. Tuy nhiên, khu Đông được kỳ vọng sẽ là điểm sáng, dẫn dắt thị trường hồi phục với nhiều dự án sắp ra mắt vào cuối năm.
Tin liên quan
Nhờ dòng FDI ổn định và hạ tầng phát triển, thị trường bất động sản Việt Nam thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư ngoại vào nhiều phân khúc. Báo cáo quý III/2024 từ Savills cho thấy, Việt Nam với nền kinh tế vững mạnh đã trở thành một điểm sáng tại châu Á - Thái Bình Dương, lôi cuốn sự chú ý của các "ông lớn" ngoại vào lĩnh vực như nhà ở, công nghiệp và bán lẻ.
Khu vực bất động sản "lọt mắt xanh" của Tập đoàn Trump đang ghi nhận cơn sốt mới, với mức tăng giá ấn tượng từ 30-50% trong nửa đầu năm 2024.
Giá bán chung cư tại khu vực ngoại thành đang leo lên mức trăm triệu đồng/m², trong khi đất đấu giá cũng tăng vọt không kém. Tín hiệu này đi kèm với doanh thu môi giới tăng mạnh ở một số doanh nghiệp địa ốc lớn. Liệu thị trường bất động sản đã thật sự khởi sắc trở lại?
Bài mới
Ông Lê Đình Chung, Thành viên Tổ công tác Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định, việc dùng dữ liệu từ 2 năm qua để xác định giá đất ở các thị trường bất động sản chưa hồi phục là bất hợp lý, vì có thể trùng với giai đoạn "nóng sốt". Điều này dễ dẫn đến việc định giá không phản ánh đúng tình hình thực tế hiện nay.
Trong bối cảnh nhu cầu nhà liền thổ tăng mạnh, giới đầu tư có xu hướng săn tìm sản phẩm tiềm năng với vốn ban đầu chỉ từ 3 tỷ đồng và cam kết lợi nhuận hấp dẫn. Dự án phía Đông Thủ đô hiện là điểm đến được ưa chuộng hàng đầu bởi quy hoạch bài bản, tiện ích đẳng cấp, chính sách hấp dẫn, đảm bảo sinh lời bền vững.
Tỉnh này đang nhanh chóng trở thành "thiên đường du lịch mới" với sự phát triển mạnh mẽ của các dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Tính đến quý III/2024, tỉnh đã thu hút 44 dự án với tổng diện tích lên tới 447,4 ha và tổng mức đầu tư 63.547 tỷ đồng. Những tên tuổi lớn như Hòa Phát, VSIP và Becamex đang dẫn đầu trong việc đổ nguồn vốn "khủng" vào phát triển thị trường này.