Giá nhà tăng phi lý do đầu cơ và tâm lý chờ tăng giá từ người mua
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng khẳng định tình trạng đầu cơ và tâm lý mua nhà để chờ tăng giá là nguyên nhân đẩy giá tăng phi lý thời gian qua.
Tiếp tục đề xuất đánh thuế bất động sản để hạn chế đầu cơ, lướt sóng
Tại buổi họp báo thường kỳ quý III, khi đề cập đến tình hình giá nhà tăng "nóng" thời gian gần đây, ông Hùng đã chỉ ra 2 nguyên nhân chính là tình trạng đầu cơ và tâm lý thị trường.
"Đầu cơ khiến giá nhà tăng phi lý và người mua thì có tâm lý mua nhà để chờ tăng giá, điều này khiến giá nhà càng tăng mạnh", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng, để ổn định thị trường, việc cần thiết là tạo ra sự bình ổn tâm lý cho người mua nhà thông qua các hoạt động truyền thông hiệu quả.
Giải thích thêm về thực trạng này, ông Vương Duy Dũng - Phó Cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, sự biến động mạnh của giá nhà thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Nguyên nhân đầu tiên là do sự gia tăng chi phí đầu vào, đặc biệt là chi phí sử dụng đất và nhân công. Nguyên nhân tăng giá thứ 2 là nguồn cung bất động sản vẫn còn hạn chế. Mặc dù có một số cải thiện về nguồn cung trong quý II, nhưng không đáng kể.
"Khi nguồn cung hạn chế, giới đầu cơ và môi giới sẽ có tác động kích giá, thổi giá, gây nhiễu loạn thông tin thị trường khiến giá tăng thêm", ông Dũng nhấn mạnh.
Ông Dũng cũng chỉ ra rằng, sự không thuận lợi trong các lĩnh vực đầu tư khác trong nền kinh tế đã khiến các nhà đầu tư chuyển hướng vào một số phân khúc bất động sản an toàn để bảo toàn vốn. Việc này cũng đã góp phần làm giá nhà biến động.
Theo ông Dũng, Bộ Xây dựng đã đưa ra nhiều giải pháp để hạ nhiệt thị trường trong thời gian qua. Trong số đó có việc triển khai sớm các Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản để áp dụng thực tiễn.
Thêm vào đó, sự biến động giá còn liên quan đến hoạt động đấu giá, vì vậy cần tiến hành rà soát và hướng dẫn các quy định pháp luật, điều chỉnh bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024 nhằm tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người dân và nhà đầu tư.
Cũng cần quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp, sàn giao dịch và môi giới bất động sản, nhằm hướng đến việc đưa các giao dịch qua sàn có sự quản lý của Nhà nước, đảm bảo tính minh bạch trong giao dịch và ngăn ngừa hiện tượng thổi giá, kích giá.
Cuối cùng, cần sửa đổi, bổ sung các chính sách thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản để hạn chế tình trạng đầu cơ và mua bán bất động sản trong thời gian ngắn. Ông Dũng cho biết Bộ Tài chính cùng các bộ liên quan đã đồng ý nghiên cứu các giải pháp về thuế.
"Giải pháp này (đánh thuế bất động sản) cũng được Bộ Tài chính, các bộ liên quan đồng tình nghiên cứu ban hành chính sách thuế với bất động sản", ông Dũng cho biết thêm.
Tuy nhiên, việc áp thuế với bất động sản theo ông Dũng phải đánh giá kỹ, thấu đáo, toàn diện tác động của giải pháp này vì đây là chính sách mới.
"Đây là chính sách mới, cần phải nghiên cứu thấu đáo, toàn diện, trên cơ sở đó đánh giá tác động đầy đủ, hướng đến các đối tượng chính sách, từ doanh nghiệp kinh doanh, đến người bán, người mua, xem tác động như thế nào đến thị trường. Từ đó, hạn chế được hoạt động đầu cơ, phù hợp với điều kiện cụ thể, tránh tác động tiêu cực đến thị trường và hoạt động giao dịch của người dân", ông Dũng nhấn mạnh.
Chính phủ sẽ phát hành trái phiếu cho người dân vay mua nhà ở xã hội
Liên quan đến đề xuất bổ sung gói tín dụng 30.000 tỷ đồng nhằm phát triển nhà ở xã hội với nhiều ưu đãi hơn cho người mua, ông Dũng cho biết: Thực hiện đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cùng các bộ liên quan đã triển khai nhiều giải pháp.
Trong số đó, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội đã được triển khai. Gói tín dụng này hoạt động dựa trên tinh thần các ngân hàng chủ động cân đối nguồn vốn, không có sự hỗ trợ từ ngân sách, nên lãi suất ưu đãi chỉ áp dụng ngắn hạn: 3 năm cho chủ đầu tư và 5 năm cho người mua.
Tuy nhiên, gói này vẫn chưa đủ để đáp ứng các ưu đãi cho người mua nhà, đặc biệt là những người có thu nhập thấp và công nhân làm việc tại khu công nghiệp.
Do đó, nhằm tăng cường ưu đãi, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội, trong đó bao gồm 15.000 tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ và 15.000 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Mục tiêu là hỗ trợ người thu nhập thấp và công nhân có thể tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp để mua nhà ở xã hội./.
Cũng theo ông Dũng, gói tín dụng 30.000 tỉ đồng phải được triển khai phù hợp với pháp luật khác, Bộ Xây dựng đang làm việc với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để sớm triển khai gói tín dụng này.
Cùng quan điểm này, Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh thêm: "Hồn cốt của chính sách phát triển nhà ở xã hội là miễn tiền sử dụng đất và tín dụng ưu đãi.
Tín dụng ưu đãi vừa hỗ trợ chủ đầu tư xây nhà, vừa giúp người thu nhập thấp tiếp cận vốn vay giá rẻ để mua nhà"./.
Đọc thêm
UBND tỉnh Bình Phước đã thống nhất điều chỉnh quy hoạch phân khu dự án Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước, do Becamex IDC làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 20.000 tỷ đồng.
Sở Xây dựng Hòa Bình vừa công khai danh sách 62 dự án bất động sản chưa đủ điều kiện để huy động vốn và chuyển nhượng. Đồng thời đưa ra cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn khi thực hiện giao dịch đất nền tại các dự án phát triển đô thị và nhà ở chưa đủ điều kiện kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, thị trường bất động sản thương mại - bán lẻ sẽ đón nhận làn sóng nguồn cung lớn, đặc biệt từ hai "ông lớn" Aeon Mall và Vincom Retail, hứa hẹn sẽ làm sôi động thêm phân khúc này.
Tin liên quan
Các phiên đấu giá gây sốt tại các thành phố lớn gần đây không chỉ phản ánh sự khan hiếm đất đai mà còn cho thấy sự tham gia của các nhà đầu tư và "cò đất" trong việc thổi giá lên cao, dẫn đến những hệ lụy không nhỏ.
Sự sôi động của thị trường bất động sản Việt Nam trong quý III năm 2024 cho thấy những chuyển biến tích cực, mặc dù vẫn tồn tại nhiều thách thức. Theo VARS, thị trường bất động sản dự kiến sẽ tiếp tục "nóng" lên vào cuối năm khi các quy định pháp lý mới chính thức có hiệu lực, cùng với việc các chủ đầu tư gia tăng tốc độ triển khai dự án.
Thị trường bất động sản đang chứng kiến sự linh hoạt điều chỉnh từ các chủ đầu tư, với việc hoàn tất tái cấu trúc, đẩy nhanh hoàn thiện pháp lý, khởi động các dự án mới và đa dạng hóa hoạt động M&A.