Thủ tướng yêu cầu xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức để các dự án, công trình chậm tiến độ kéo dài
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 112/CĐ-TTg ngày 6/11/2024, chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tập trung xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng, tạm dừng thi công, đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thiện và đưa vào sử dụng để tránh lãng phí, thất thoát.
Bài viết này thuộc series Những dự án bỏ hoang trên "đất vàng" Hà Nội
Giữa cơn sốt bất động sản, nhiều dự án chung cư, biệt thự trên "đất vàng" Hà Nội vẫn bị bỏ hoang suốt nhiều năm, thậm chí cả thập kỷ, gây lãng phí lớn thay vì trở thành khu dân cư, đô thị sầm uất, khang trang.
Công điện nêu rõ, thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng đã nhiều lần chỉ đạo các bộ, cơ quan, và địa phương quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng và tạm dừng thi công. Nhờ đó, nhiều công trình đã được tháo gỡ vướng mắc, hồi sinh và đưa vào vận hành hiệu quả, như: Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, dự án cải tạo mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc, Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, khai thác Mỏ khí Lô B và Trung tâm nhiệt điện Ô Môn, cùng các công trình khác như Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Sân bay quốc tế Long Thành.
Một số dự án cũng đã được triển khai với tốc độ thần tốc, rút ngắn thời gian thi công, điển hình là công trình đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên).
Những nỗ lực này đã giúp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực nhà nước và xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo niềm tin cho người dân.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều công trình chưa được các cấp, ngành và cơ quan đơn vị kịp thời tháo gỡ, dẫn đến tình trạng tồn đọng và dừng thi công kéo dài, như: Dự án Bệnh viện Ung bướu TP. Cần Thơ, cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức, Dự án chống ngập úng khu vực TP.HCM và Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem… gây lãng phí nguồn lực và bức xúc trong dư luận xã hội.
Để tập trung giải quyết dứt điểm các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công kéo dài, và các trụ sở công sở chưa hoàn thành, Thủ tướng yêu cầu:
Bộ trưởng, lãnh đạo các cơ quan ngang bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ, và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về phòng chống lãng phí. Đồng thời, triển khai các Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án, đảm bảo không để xảy ra thất thoát, lãng phí, đặc biệt là các dự án tồn đọng và dừng thi công, các trụ sở thuộc cơ quan nhà nước, ngân hàng thương mại nhà nước, dự án đầu tư tại tập đoàn, tổng công ty nhà nước, bệnh viện, và khu ký túc xá sinh viên.
Các Bộ trưởng và lãnh đạo địa phương cần chỉ đạo thực hiện ngay việc rà soát, thống kê toàn bộ các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công, và các trụ sở chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả trong phạm vi quản lý; khẩn trương xây dựng kế hoạch xử lý các dự án tồn đọng, chậm tiến độ; tối ưu hóa việc sử dụng công sở, trụ sở, và báo cáo lên Thủ tướng trước ngày 30/11/2024.
Cần xác định rõ trách nhiệm, nội dung công việc, tiến độ và thời gian hoàn thành, đơn vị thực hiện, để làm cơ sở cho công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả.
Với những công việc thuộc thẩm quyền, cần chủ động giải quyết dứt điểm các vướng mắc tồn đọng, đồng thời huy động nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công lâu ngày, chậm tiến độ nhằm sớm hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả dự án. Đặc biệt, cần bố trí và sử dụng hiệu quả các công trình công sở, trụ sở, nhất là những cơ sở sau khi thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính.
Đối với các vấn đề vượt ngoài thẩm quyền, cần khẩn trương rà soát, báo cáo rõ các nội dung vướng mắc, đề xuất giải pháp, chỉ định cơ quan chịu trách nhiệm và trình lên cấp có thẩm quyền quyết định. Báo cáo này phải được gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét và chỉ đạo xử lý kịp thời trước ngày 30/11/2024.
Cần xử lý trách nhiệm cá nhân và tổ chức liên quan đến việc để dự án, công trình chậm tiến độ kéo dài; kiên quyết thay thế hoặc điều chuyển công việc đối với cán bộ, công chức có năng lực yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, hoặc trì trệ trong việc xử lý các vấn đề làm chậm tiến độ, gây lãng phí nguồn lực.
Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ theo dõi và đôn đốc các bộ, ngành và địa phương khẩn trương triển khai thực hiện Công điện này./.
Đọc thêm
Vicem Tower - tòa nhà cao 31 tầng, Trung tâm điều hành và Giao dịch Xi măng Việt Nam nhiều năm qua rơi vào tình trạng im lìm, nằm “trơ xương” trên mảnh đất vàng cạnh tòa nhà Keangnam (đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội).
Mặc dù đã hoàn thành từ năm 2017, dự án khu tái định cư Đền Lừ III (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) vẫn trong tình trạng hoang phế và nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng.
Tin liên quan
Khởi công từ năm 2009 với kỳ vọng trở thành tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp tại vị trí đắc địa của Thủ đô, dự án Hattoco với vốn đầu tư 900 tỷ đồng vẫn chỉ là khung bê tông trơ trọi, gây thất vọng và đặt ra nhiều câu hỏi về tiến độ kéo dài suốt 15 năm.
Việc đào móng xây dựng của nhà hàng xóm đã khiến ngôi nhà liền kề ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội) bị nghiêng và sập, may mắn mọi người bên trong đã kịp chạy thoát.
Khu vực phía Tây Hà Nội và hai bên Đại lộ Thăng Long thường xuyên ngập lụt mỗi khi trời mưa nhưng giá bất động sản tại đây vẫn được quan tâm và không ngừng leo thang.
Bài mới
Quỹ đất "kim cương" cuối cùng tại Đà Lạt sẽ được phát triển thành tổ hợp bất động sản ESG đầu tiên tại Việt Nam, với sự tham gia của The One Destination, Terne Holdings Singapore và BTS Bernina. Dự án này hứa hẹn biến Đà Lạt thành điểm đến mới của thế giới, thu hút sự chú ý đặc biệt từ giới đầu tư quốc tế.
Tối 5 và sáng 6/11, hàng chục khách hàng đã tập trung tại trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI trên đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng, yêu cầu công ty hoàn trả tiền đầu tư. Sự việc dẫn đến tình hình an ninh trật tự trở nên căng thẳng và buộc Công an phường Hòa Xuân phải vào cuộc để đảm bảo an toàn trật tự.
Sau thương vụ "khủng" mua lại 370 triệu cổ phần VHM, Vinhomes của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục thể hiện sự quyết đoán khi tổ chức lại các công ty con. Đây là bước đi chiến lược quan trọng, mở ra cơ hội lớn cho Vinhomes trong việc mở rộng ra những lĩnh vực mới đầy tiềm năng, đồng thời củng cố vị thế dẫn đầu trong ngành bất động sản.