TP.HCM thành lập Hội đồng thẩm định bảng giá đất
TP.HCM lập Hội đồng thẩm định gồm lãnh đạo UBND thành phố, sở, ngành, địa phương để xem xét trước khi điều chỉnh bảng giá đất.
UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định thành lập Hội đồng thẩm định bảng giá đất.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP.HCM ông Phan Văn Mãi làm Chủ tịch hội đồng; Phó chủ tịch UBND TP.HCM ông Bùi Xuân Cường và Giám đốc Sở Tài chính ông Nguyễn Hoàng Hải làm Phó chủ tịch hội đồng. 27 thành viên còn lại là lãnh đạo một số sở ngành, địa phương, ban quản lý.
Quyết định nêu rõ, Hội đồng thẩm định bảng giá đất chịu trách nhiệm thẩm định bảng giá đất theo quy định pháp luật và được phép sử dụng con dấu của UBND TP.HCM trong hoạt động. Chủ tịch Hội đồng sẽ quyết định việc thành lập tổ giúp việc để hỗ trợ các hoạt động của Hội đồng.
Trong quá trình thẩm định bảng giá đất, Hội đồng sẽ mời Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM và Hội Nông dân TP.HCM tham gia phản biện trong các phiên họp.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký (26/7), thay thế quyết định số 4695/2023 của UBND TP.HCM về việc kiện toàn Hội đồng thẩm định bảng giá đất. Hội đồng sẽ tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ và báo cáo kết quả bằng văn bản cho UBND TP.HCM.
Trước đó, cuối tháng 7/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã có tờ trình về việc ban hành Quyết định điều chỉnh Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND của UBND thành phố quy định về bảng giá đất trên địa bàn.
Bảng giá đất mới dự kiến áp dụng từ ngày 1/8/2024 đến hết ngày 31/12/2024. Sau đó sẽ tổng kết, đánh giá tác động về mặt kinh tế, xã hội để tiếp tục điều chỉnh bảng giá đất áp dụng từ ngày 1/1/2025 đến ngày 31/12/2025. Đối với việc xây dựng bảng giá đất lần đầu áp dụng từ ngày 1/1/2026 theo quy định tại Luật Đất đai 2024, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM sẽ thuê đơn vị tư vấn để thực hiện.
Theo tờ trình, các tuyến đường khu vực trung tâm quận 1 có mức tăng 5-6 lần so với bảng giá hiện hành. Nhiều tuyến đường khác tại quận 7, 4, 12 được điều chỉnh tăng giá gấp 10-15 lần so với bảng giá đất hiện hành.
Tại huyện Hóc Môn có giá đất dự kiến tăng rất mạnh từ 20-30 lần. Tại các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, giá đất mới dự kiến sẽ điều chỉnh tăng từ 10-20 lần so bảng giá đất giá đất cũ.
TP.HCM cũng dự kiến đất thương mại, dịch vụ bằng 80% giá đất ở liền kề. Giá đất không được thấp hơn giá đất trồng cây lâu năm trong khu dân cư cùng khu vực.
Sau khi ban hành tờ trình, nhiều người dân tại TP.HCM đã hoang mang, vì giá đất sẽ tăng cao. Vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM tổ chức họp báo về điều chỉnh giá đất theo khoản 1, Điều 257, Luật Đất đai năm 2024.
Tại đây, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, để triển khai quy định mới này, căn cứ cơ sở dữ liệu hiện có từ các nguồn giá bồi thường được phê duyệt và giá chuyển nhượng trên thị trường thu thập từ các cơ quan quản lý, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Sở, ngành, quận, huyện, TP. Thủ Đức và đơn vị tư vấn để cân đối, điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại TP.HCM.
Ngày 31/7, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có văn bản gửi tới lãnh đạo UBND TP.HCM đề xuất lùi thời gian áp dụng bảng giá đất mới do lo ngại sẽ tác động lớn đến hộ gia đình, cá nhân.
Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cũng đang triển khai khảo sát, thăm dò dư luận xã hội trên mạng internet trong cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và người dân đang sinh sống, làm việc trên địa bàn thành phố. Thời gian khảo sát: Từ ngày 19/8 đến ngày 23/8 năm 2024./.
Đọc thêm
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 82/CĐ-TTg chỉ đạo các cơ quan liên quan kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất.
Những phiên đấu giá đất gần đây tại huyện Hoài Đức hay Thanh Oai (TP. Hà Nội) đã phá vỡ mọi kỷ lục với mức giá "vô tiền khoáng hậu". Sự bùng nổ này không chỉ khuấy động thị trường bất động sản mà còn gióng lên hồi chuông cảnh báo về những tác động lâu dài đối với sự phát triển đô thị và môi trường đầu tư.
Giống như "sóng sau đè sóng trước", thị trường đất nền đấu giá ngoại thành Hà Nội đang bùng nổ, lập nên hàng loạt kỷ lục giá mới. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, việc đẩy giá cũng có thể gây ra tình trạng dòng tiền bị ứ đọng vào đất.
Tin liên quan
"Vừa qua, mới chỉ cho TP.HCM điều chỉnh bảng giá đất mới, theo đánh giá của tôi tuy mức giá được cho là khá cao nhưng phản ánh đúng thị trường, căn cứ vào nguyên tắc của thị trường", ông Đào Trung Chính - Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên Đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định.
Bộ Tài chính cho hay, các địa phương sẽ tiếp tục áp dụng Bảng giá đất được ban hành theo Luật Đất đai 2013 cho đến hết năm 2025.