Nợ xấu phi mã, 4 ngân hàng quốc doanh phát mại bất động sản rầm rộ
Thời gian qua, nhiều ngân hàng đã công bố tình hình hoạt động trong quý II. Ở nhóm 4 ngân hàng quốc doanh, lượng nợ xấu đã tăng lên đáng kể, bên cạnh đó là nhiều bất động sản bị thông báo phát mại.
Ở Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), hết quý II/2024, tổng dư nợ cho vay khách hàng của BIDV đạt hơn 1,88 triệu tỷ đồng, tăng 5,92% so với đầu năm. Tuy nhiên, về chất lượng cho vay, tổng nợ xấu thuộc nhóm 3, 4, 5 đạt 28.687 tỷ đồng, tăng 32,4% so với đầu kỳ. Tỷ lệ nợ xấu cũng tăng từ 1,22% lên 1,52%.
Cơ cấu nợ vay cho thấy nợ dưới tiêu chuẩn tăng đột biến 128%, đạt 7.113 tỷ đồng; nợ nghi ngờ tăng 13,7% lên mức 6.281 tỷ đồng; và nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh 32,4%, lên 15.292 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn chiếm hơn 65% tổng dư nợ, tương đương 1,23 triệu tỷ đồng.
Mặc dù nợ xấu gia tăng, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn vượt 15.200 tỷ đồng, BIDV chỉ chi 9.746 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một yếu tố góp phần vào sự gia tăng lợi nhuận của ngân hàng trong nửa đầu năm.
Về hoạt động kinh doanh, thu nhập lãi thuần của BIDV đạt 28.379 tỷ đồng, tăng 3,26% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, thu nhập lãi từ cho vay khách hàng giảm 12,7%, xuống còn 59.400 tỷ đồng.
Mới đây, BIDV Gia Lai thông báo bán đấu giá tài sản (lần 03) một bất động sản tại địa phương với giá khởi điểm hơn 8,6 tỷ đồng. BIDV chi nhánh Thành Đô cũng đưa ra thông báo phát mại bất động sản ở Bắc Ninh với giá khởi điểm 15,5 tỷ đồng.
Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank), hết quý vừa qua, tổng nợ xấu (nợ nhóm 3-5) là hơn 24.100 tỷ đồng, tăng 20% so với quý I. Chỉ riêng nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4, quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày) tăng hơn gấp 2 lần với hơn 13.400 tỷ. Con số này trong cuối quý I là 5.300 tỷ đồng. Nợ nhóm 5 tính đến bán niên là điểm tích cực khi giảm 2 quý liên tiếp, còn 7.400 tỷ đồng.
Tính đến 30/6/2024, Vietinbank ghi nhận hơn 6.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Lãi thuần hơn 15.300 tỷ đồng, tăng 20% so với quý II năm ngoái. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ 1.886 tỷ, từ ngoại hối 1.186 tỷ đồng, duy trì đà ổn định. Trong khi đó, mức tăng chi phí dự phòng ở quý II hơn 7.800 tỷ đồng, góp phần làm chi phí hoạt động tăng 7%, kéo lùi đà tăng của lãi thuần về 10%.
Về nguồn vốn, tiền gửi khách hàng tăng 4%, lên hơn 1,46 triệu tỷ. Tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tăng gấp 5 lần đầu năm với 100.000 tỷ đồng.
Gần đây nhất, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản (VietinBank AMC) thông báo xử lý (bán/chuyển nhượng) tài sản bảo đảm của Công ty Cổ phần Hạ tầng Đông Á. Tài sản đảm bảo là một chung cư thuộc quận Tây Hồ (Hà Nội), giá khởi điể 13 tỷ đồng.
Tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), hết quý II, dư nợ cho vay khách hàng của Vietcombank đạt gần 1,37 triệu tỷ đồng, tăng 7,8% so với đầu năm. Mặc dù tốc độ cho vay tăng trưởng mạnh, nhưng chất lượng nợ vay có xu hướng ngược lại.
Nợ dưới tiêu chuẩn tăng 75,4%, đạt 3.048 tỷ đồng. Nợ nghi ngờ tăng 17,4%, lên 3.380 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn tăng 27,7%, lên 10.017 tỷ đồng. Như vậy, tổng nợ xấu nhóm 3, 4, 5 đã tăng 32% so với đầu năm lên 16.445 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong bối cảnh nợ xấu gia tăng, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn, Vietcombank lại giảm trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Tính đến cuối quý II/2024, Vietcombank có hơn 10.000 tỷ đồng nợ xấu khả năng mất vốn.
Việc giảm trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cũng là một trong những yếu tố chính giúp Vietcombank duy trì mức lợi nhuận tăng so với cùng kỳ.
Bán niên 2024, lợi nhuận sau thuế Vietcombank đạt 16.710 tỷ đồng, tăng 1,77% so với cùng kỳ năm trước.
Gần đây nhất, VCB Bà Rịa thông báo phát mạnh tài sản bảo đảm của công ty Cổ phần Diamond Key Holding với giá khởi điểm khoảng 19,2 tỷ đồng cho 10.400,3 m2 đất ở huyện Châu Thành (tỉnh Long An). Ít ngày trước, VCB Nam Hà Nội cũng thông báo phát mại tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Thương Mại và Dịch vụ Suntek Việt Nam là bất động sản thuộc quận Long Biên (Hà Nội) với giá khởi điểm 34,6 tỷ đồng.
Qua báo cáo tài chính bán niên 2024, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), hết quý vừa qua có tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt 1,59 triệu tỷ đồng, tăng 2,59% so với thời điểm đầu năm. Tổng nợ xấu nhóm 3, 4 ,5 hơn 29.276 tỷ đồng, tăng 1,93% trong 6 tháng.
Đáng chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn tăng đột biến 75% so với đầu năm, lên hơn 6.800 tỷ đồng; nợ nghi ngờ cũng tăng 17,8% lên gần 6.600 tỷ đồng. Riêng nợ có khả năng mất vốn lại giảm 17,4% về mức 15.885 tỷ đồng. Tổng chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng nửa đầu năm 2024 tăng 24,5% lên 11.051 tỷ đồng.
Ngày 30/8, Agribank chi nhánh tỉnh Ninh Bình đã thông báo lựa chọn đơn vị tổ chức đấu giá tài sản số 1415 với 3 tài sản gắn liề với đất có tổng trị giá 96,4 tỷ đồng./.
Đọc thêm
Hiện tại, khoảng 2.033 căn hộ chung cư từ các dự án như Khu đô thị thương mại và dịch vụ thể thao cao cấp New Town; Tổ hợp khách sạn và căn hộ P.A Tower đã đủ điều kiện đưa vào kinh doanh nhưng chủ đầu tư hiện đang thế chấp quyền sử dụng đất, dự án hoặc các căn hộ hình thành trong tương lai tại các dự án này.
Tin liên quan
Hiện tại, khoảng 2.033 căn hộ chung cư từ các dự án như Khu đô thị thương mại và dịch vụ thể thao cao cấp New Town; Tổ hợp khách sạn và căn hộ P.A Tower đã đủ điều kiện đưa vào kinh doanh nhưng chủ đầu tư hiện đang thế chấp quyền sử dụng đất, dự án hoặc các căn hộ hình thành trong tương lai tại các dự án này.
Bài mới
Dự án Usilk City - một trong những dự án nổi bật của Công ty Cổ phần Sông Đà - Thăng Long, được khởi công từ năm 2008 với kỳ vọng biến nơi đây thành một khu đô thị sầm uất tại quận Hà Đông. Thế nhưng sau 16 năm, dự án trở thành một khu vực hoang vắng, nơi những tòa nhà cao tầng chỉ còn là di sản của những kế hoạch chưa thành hình.