Sở Xây dựng đề nghị kiểm tra dự án chung cư cao cấp Lumi Hà Nội
Về mặt pháp lý, dự án chung cư cao cấp Lumi Hà Nội chưa đủ điều kiện để huy động bán nhà ở hình thành trong tương lai. Sở Xây dựng Hà Nội đã có nhiều văn bản gửi UBND quận Nam Từ Liêm đề nghị kiểm tra dự án này.
Bài viết này thuộc series Dự án Lumi: Cái nhìn toàn diện
Dự án Lumi ở Hà Nội vừa bị Sở Xây dựng tuýt còi vì mở bán khi chưa đủ điều kiện. Vậy ưu điểm, nhược điểm và những vấn đề của Lumi là gì?
Dấu hỏi lớn về tính pháp lý của dự án
Lumi Hà Nội nằm giáp mặt đường Đại lộ Thăng Long, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội là dự án căn hộ cao cấp có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 18.000 tỷ đồng.
Dự án là một phân khu thuộc Vinhomes Smart City được Công ty TNHH Thương mại và Phát triển Kinh doanh Ánh Sao nhận chuyển nhượng từ Công ty Đầu tư Xây dựng Thái Sơn vào cuối năm 2021.
Chủ sở hữu của Công ty TNHH Thương mại và Phát triển Kinh doanh Ánh Sao là CVH Neuve PTE (công ty con được CapitaLand thành lập cuối năm 2017).
Dự án chung cư cao cấp Lumi Hà Nội được quy hoạch trên diện tích đất rộng 5,6ha với 9 tòa tháp cao từ 29 đến 35 tầng, cung cấp ra thị trường 3.950 căn hộ, diện tích từ 42-135m2, riêng loại hình căn hộ duplex và penthouse có diện tích từ 115-410m2.
Từ đầu năm đến nay dự án này được rao bán rầm rộ với mức giá cao ngất ngưởng. Hàng loạt những thông tin chào bán, đặt cọc dự án cũng được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội và các trang thông tin về nhà đất.
Cụ thể, dù chủ đầu tư dự án Lumi Hà Nội chưa mở bán chính thức nhưng nếu khách hàng có nhu cầu mua sẽ đặt chỗ trước với số tiền 100 triệu đồng/căn hộ. Điều đáng chú ý là số tiền đặt chỗ này khách hàng sẽ chuyển trực tiếp vào tài khoản của chủ đầu tư là Công ty TNHH Thương mại và Phát triển Kinh doanh Ánh Sao. Sau đó, chủ đầu tư sẽ gửi khách hàng "Phiếu đặt chỗ có hoàn lại" có dấu đỏ.
Đặc biệt, một số trang còn quảng cáo rằng, chỉ trong một thời gian ngắn, đã có gần 3.000 khách hàng đặt mua căn hộ tại đây.
Điều đáng nói là, Lumi Hà Nội hiện mới chỉ đang xây dựng ở phần móng và chưa đủ pháp lý để thực hiện chào bán hay thu tiền đặt cọc của khách hàng.
Theo báo cáo của UBND quận Nam Từ Liêm, tính đến ngày 29/7/2024, dự án chung cư cao cấp Lumi Hà Nội vẫn đang trong giai đoạn thi công phần bê tông sàn tầng hầm và móng.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tính đến hết tháng 7, Sở vẫn chưa cấp bất kỳ văn bản nào xác nhận dự án Lumi Hà Nội đủ điều kiện để đưa nhà ở hình thành trong tương lai vào kinh doanh. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng không nhận được văn bản hay hồ sơ nào từ chủ đầu tư đề nghị huy động vốn theo quy định. Sở cũng chưa có văn bản nào xác nhận Lumi Hà Nội đủ điều kiện huy động vốn theo quy định.
Như vậy, dự án chung cư cao cấp Lumi Hà Nội vẫn chưa đủ điều kiện để huy động bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Riêng với khách mua nhà, việc đặt cọc dự án vướng mắc pháp lý, chưa đủ điều kiện mở bán tiềm ẩn rất nhiều rủi ro như: Mất tiền cọc nếu dự án không thể hoàn thành đúng tiến độ hoặc bị đình trệ do pháp lý chưa được giải quyết, thậm chí khách hàng có thể mất khoản tiền đầu tư nếu dự án không được triển khai hoặc bị thu hồi.
Lumi Hà Nội liên tiếp bị đề nghị kiểm tra
Liên tiếp mấy tháng gần đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã có nhiều văn bản gửi UBND quận Nam Từ Liêm, đề nghị kiểm tra dự án chung cư cao cấp Lumi Hà Nội.
Báo Công Thương dẫn chứng, ngày 15/7/2024, Thanh tra Sở Xây dựng đã gửi công văn tới UBND quận Nam Từ Liêm, thông báo về việc trên địa bàn quận hiện có dự án xây dựng các khu chức năng tại các lô đất C3-CH01, C3-CH02, C3-CH03, C3-CX01 và C3-CX02 thuộc dự án Lumi Hà Nội.
Trước đó, vào các ngày 21/5/2024 và 19/3/2024, Thanh tra Sở Xây dựng cũng đã gửi 2 văn bản khác đề nghị UBND quận Nam Từ Liêm kiểm tra và giám sát hoạt động kinh doanh bất động sản tại dự án này.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết thêm, trong những lần đề nghị kiểm tra dự án, Sở đều không nhận được văn bản, hồ sơ nào của chủ đầu tư đề nghị xác nhận nhà ở hình thành trong tương lai tại dự án Lumi Hà Nội. Vì vậy, Sở không có văn bản nào xác nhận nhà ở hình thành trong tương lai đối với dự án theo quy định tại Điều 55, Luật Kinh doanh bất động sản 2014.
Ngoài ra, Sở Xây dựng Hà Nội cũng không nhận được văn bản, hồ sơ nào của chủ đầu tư đề nghị huy động vốn theo quy định tại Khoản 3 Điều 19 Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ đối với Dự án Lumi Hà Nội.
Do đó, chủ đầu tư không được phép kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai, huy động vốn khi chưa đủ điều kiện và không được ủy quyền cho các sàn giao dịch bất động sản chào bán và nhận cọc của khách hàng.
Thanh tra Sở Xây dựng đề nghị: “Trường hợp phát hiện vi phạm phải kịp thời thiết lập hồ sơ xử lý theo quy định”./.
Đọc thêm
Chủ đầu tư chung cư 6th Element là Công ty Cổ phần Tập đoàn Bắc Hà, được thành lập năm 2005 hoàn toàn bằng vốn tự có. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, đến nay Tập đoàn Bắc Hà đã đối mặt với không ít những sóng gió pháp lý.
Sau 7 năm hoạt động, Starbucks Reserve Hàn Thuyên - cửa hàng cà phê cao cấp đầu tiên và duy nhất của Starbucks tại TP.HCM bất ngờ ra thông báo sẽ chính thức đóng cửa từ ngày 26/8. Được biết, nhiều môi giới đang tìm người thuê mặt bằng này với giá hơn 750 triệu đồng/tháng.
Tin liên quan
Không ít dự án thuộc hàng tồn kho của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HoSE: KBC) đang được doanh nghiệp này thế chấp vay ngân hàng trong bối cảnh nợ phải trả tăng tới 55% theo báo cáo tài chính quý II/2024.
Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Điện lạnh và Thiết bị công nghiệp Tân Thanh được thành lập vào tháng 7/2005. Ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Bài mới
Hơn 30.000 căn hộ mới sẽ đổ bộ Hà Nội trong năm 2025; TP.HCM đề xuất cơ chế cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê; Hà Nội 'thúc' các đơn vị trả nợ tiền thuê nhà, đất công; Novaland được gỡ vướng tại Aqua City, cấp sổ hồng hơn 7.000 căn tại TP.HCM... là những thông tin nổi bật của điểm tin BĐS - tài chính hôm nay (21/11).
Chính phủ vừa đề xuất thí điểm cho nhà đầu tư thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp để làm nhà ở thương mại trong 5 năm. Theo Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), cơ chế này không chỉ tháo gỡ khó khăn pháp lý cho các dự án đang vướng mắc vì thiếu yếu tố đất ở, mà còn tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường.
Bắc Giang cho thuê hàng nghìn căn hộ nhà ở xã hội từ 2,7 triệu đồng/tháng; Đấu giá đất ở Thanh Oai, Hà Nội vọt lên hơn 90 triệu đồng/m2, "cò đất" rao bán chênh tiền tỷ; Huyện Thường Tín sẽ tổ chức đấu giá quỹ đất công ích tạo nguồn thu... là những thông tin nổi bật của điểm tin BĐS - tài chính hôm nay (17/11).
Các nhà phát triển, nhà đầu tư và các bên liên quan đang dần coi giá trị xã hội trong dự án là một khoản đầu tư mang lại lợi ích lâu dài, thay vì chỉ là một chi phí. Việc tích hợp giá trị xã hội vào các dự án đã trở thành xu hướng tất yếu, là bước đi chiến lược và là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững.